(Baonghean.vn)- Trong 70 năm hoạt động cách mạng, qua nhiều thời kỳ với nhiều cương vị khác nhau, đồng chí Trần Quốc Hoàn được Đảng giao những nhiệm vụ quan trọng ở những thời điểm quan trọng trong sự nghiệp cách mạng của Đảng ta.

Ngay sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đồng chí Trần Quốc Hoàn đã tích cực tham gia các phong trào đấu tranh đòi quyền tự do dân chủ và phong trào đòi thả tù chính trị lúc này đang rất phát triển ở Pháp và Đông Dương.

Từ những thực tế hoạt động cách mạng của mình đồng chí Trần Quốc Hoàn được vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng Cộng sản Đông Dương vào tháng 3 năm 1934.

Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn (thứ 3 từ trái sang) thăm và làm việc với lãnh đạo Sở Công an TPHCM.
Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn (thứ 3 từ trái sang) thăm và làm việc với lãnh đạo Sở Công an TPHCM.

Trong thời gian hoạt động cách mạng, đồng chí đã nhiều lần bị địch bắt, tù đày. Mặc dù bị địch tra tấn hết sức dã man, nhưng đồng chí  vẫn luôn nêu cao tinh thần đoàn kết đấu tranh, biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng.

Học tập và nêu gương tinh thần chiến đấu, hy sinh của các đồng chí Tô Hiệu, Trường Chinh, đồng chí luôn được anh em tù chính trị kính trọng, bầu làm Bí thư chi bộ. Với bản lĩnh và sự thông minh, nhạy cảm kết hợp tài năng thuyết phục, Trần Quốc Hoàn đã khôn khéo làm công tác binh vận với bọn cai ngục để giải thoát cho nhiều tù chính trị vượt ngục trở về bổ sung cho Mặt trận Việt Minh một đội ngũ cán bộ lãnh đạo cuộc đấu tranh giành chính quyền cách mạng tháng Tám năm 1945.

Nhà tù Hỏa Lò, nơi đồng chí Trần Quốc Hoàn và các nhà cách mạng bị cầm tù.

Từ những thực tế hoạt động cách mạng của mình đồng chí Trần Quốc Hoàn được Đảng tín nhiệm chỉ định giữ nhiều chức vụ quan trọng: Từ năm 1937 đến năm 1939 đồng chí tham gia Thường vụ Thành uỷ, làm Phó Bí thư, sau đó Bí thư Thành uỷ Hà Nội.

Bị địch truy lùng ráo riết, tháng 5 năm 1940, đồng chí được Đảng điều động đến nhận công tác tại nhà in báo “Cờ giải phóng”. Sau đó phụ trách Trạm giao thông của Xứ ủy Bắc Kỳ, kiêm Trưởng Ban chỉ đạo phong trào cách mạng của hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang.

Đồng chí đã vượt qua muôn ngàn gian khổ, hiểm nguy trước sự truy lùng ráo riết của bọn mật thám Pháp để hoàn thành xuất sắc cuộc vận động nhân dân ủng hộ Đội du kích Bắc Sơn và xây dựng chiến khu cách mạng vùng Yên Thế. Tháng 4 năm 1945, sau khi ra tù lần thứ hai, Trần Quốc Hoàn được Trung ương Đảng cử làm Bí thư Xứ uỷ Bắc Kỳ, trực tiếp tham gia chuẩn bị và chỉ đạo Tổng khởi nghĩa ở Hà Nội và các tỉnh Bắc Bộ; đóng góp nhiều công sức và trí tuệ cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân Tổng khởi nghĩa tháng Tám giành thắng lợi trong cả nước.

Đồng chí Trần Quốc Hoàn - Bộ trưởng Bộ Nội vụ ký duyệt phù hiệu để Đoàn 375 tổ chức cho đồng bào vào Lăng viếng Bác

Sau khi nước nhà giành được độc lập, theo yêu cầu của cách mạng trong giai đoạn mới, đồng chí Trần Quốc Hoàn  thôi giữ chức Bí thư Xứ uỷ Bắc Kỳ, chuyển sang giữ trọng trách phái viên Trung ương Đảng ở Hà Nội.

Với cương vị đó, đồng chí Trần Quốc Hoàn đã có nhiều đóng góp quan trọng trong việc trấn áp thù trong, giặc ngoài, góp phần bảo vệ chủ quyền độc lập của nước nhà trong thời kỳ trứng nước.

Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, đồng chí Trần Quốc Hoàn làm nhiệm vụ trực tiếp theo dõi, chỉ đạo cuộc chiến đấu 60 ngày đêm ở thủ đô Hà Nội và Liên khu I, sau đó đảm nhiệm các chức vụ Bí thư Liên khu uỷ II, Bí thư Liên khu uỷ X,  Bí thư Đặc khu uỷ Hà Nội trên bất cứ cương vị công tác nào đồng chí cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Hoà bình lập lại năm 1954, đồng chí được Trung ương chỉ định làm Bộ trưởng Bộ Công an, kiêm Bí thư Thành uỷ Hà Nội trực tiếp làm nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô theo đúng sự chỉ đạo của Trung ương và của Bác Hồ.

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, đồng chí Trần Quốc Hoàn có hơn 30 năm là Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng (1951-1980), hơn 20 năm Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Quân uỷ Trung ương (1960-1982), là đại biểu Quốc hội từ khoá II đến khoá VII; 28 năm phụ trách ngành Công an, trong đó có nhiều năm giữ cương vị Bộ trưởng.

Năm 1982, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng, đồng chí lại được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, giữ chức vụ Trưởng Ban Dân vận Trung ương.

Với tài năng và tinh thần tự học, tự rèn luyện, đồng chí đã phấn đấu không ngừng, không nghỉ để cống hiến cả cuộc đời mình cho sự nghiệp vẻ vang của Đảng, của dân tộc.

N. Khoa 

TIN LIÊN QUAN