Làm giả chương trình truyền hình
Vài tuần trở lại đây, gia đình chị Nguyễn Bích Huệ (38 tuổi), ở phường Vinh Tân (TP. Vinh), đã phải cắt luôn kênh Youtube trên tivi vì bị làm phiền bởi những quảng cáo của các lương y. “Chúng tôi tất nhiên không tin vào những quảng cáo lừa đảo kiểu này. Nhưng thật là bực mình, cứ xem được ít phút lại bị ngắt quãng bởi những đoạn video quảng cáo như vậy. Bây giờ cứ nghe tới cụm từ “nhà tôi ba đời nhận chữa”, lại bị ám ảnh”, chị Huệ lắc đầu ngao ngán.
Tương tự chị Huệ, anh Nguyễn Thành Long (34 tuổi), chủ một quán cà phê ở phường Hưng Bình cũng đang tìm mọi cách để chặn những quảng cáo này. “Quán của tôi vẫn hay mở Youtube để khách xem ca nhạc. Nhưng nhiều tháng nay khách phàn nàn nhiều quá, nhân viên khi nào cũng phải cầm điều khiển trên tay để tắt quảng cáo. Có mỗi bài hát chưa đến 5 phút nhưng có khi quảng cáo đến mấy lần, toàn những “thần y”, anh Long nói.
Theo tìm hiểu của phóng viên, hàng loạt quảng cáo của các lương y tràn lan trên mạng một cách bất thường trong mấy tháng trở lại đây. Trong nhiều quảng cáo thậm chí còn làm giả thương hiệu các đài truyền hình, làm giả hình thức như những phóng sự truyền hình và cắt ghép nội dung.
Cụ thể, nhiều video sử dụng nội dung tự sản xuất, sau đó gắn logo nhà đài để khiến người xem lầm tưởng đây là quảng cáo của các đài truyền hình uy tín. Có những clip quảng cáo thì nhái lại hình thức của nhà đài, nhưng sử dụng tên khác. Đặc biệt, những "lương y" còn bất chấp pháp luật, cắt ghép một bản tin có sẵn, lồng ghép hình ảnh để quảng cáo. Nhiều MC đài truyền hình, nhiều người nổi tiếng trong ngành y cũng trở thành nạn nhân khi bị cắt ghép hình ảnh “như thật” để đưa lên quảng cáo…
Trong những clip quảng cáo, các “thần y” không ngần ngại thổi phồng về bản thân khi nói rằng, họ có thể chữa đủ các loại bệnh từ tăng cân, giảm cân, viêm đại tràng, gan, thận... hay thậm chí là những căn bệnh mà y học hiện đại cũng chưa tìm ra phương pháp như ung thư hay tiểu đường... và còn khẳng định “chữa dứt điểm 100%”, “không khỏi trả lại tiền”. Trong những quảng cáo này phần lớn không nêu rõ địa chỉ của lương y mà chỉ để lại số điện thoại. Khách hàng sau khi điện vào số này và nói sơ qua về bệnh tình lập tức sẽ được bốc thuốc kê đơn luôn mà không cần thăm khám.
Tiền mất, tật mang
Không chỉ làm phiền, tra tấn người xem, những video quảng cáo sai sự thật này đã khiến không ít người “tiền mất, tật mang”. Phần lớn các nạn nhân là những người lớn tuổi, lầm tưởng đó là quảng cáo có độ tin cậy cao của các đài truyền hình. “Tôi bị bệnh khớp nhiều năm nay rồi. Thấy quảng cáo trên tivi liên tục nên cũng gọi thử xem sao. Uống vài thang đầu thì thấy tiến triển rất nhanh nên xin tiền con để mua tiếp. Họ cũng cam kết là khỏi 100%, không khỏi trả lại tiền nên tôi cũng tin tưởng. Ai dè uống một thời gian lại đau hơn trước”, ông Nguyễn Đình Bảo (65 tuổi, ở huyện Tân Kỳ) nói.
Sau nhiều lần gọi vào số điện thoại trên quảng cáo để đòi lại tiền thuốc nhưng không được, ông Long đành “ngậm bồ hòn làm ngọt”, coi như một bài học xương máu cho bản thân và gia đình. Không những thế, ở một số địa phương gần đây các bệnh viện cũng đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch sau khi dùng thuốc Đông y được quảng cáo trên mạng xã hội.
Từ những quảng cáo này, các đài truyền hình đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo về sự giả mạo logo thương hiệu của họ. Rồi các MC, những người nổi tiếng, những lương y có uy tín bị lợi dụng, cắt chép hình ảnh cũng không ít lần lên tiếng nhưng tình trạng loạn quảng cáo dường như lại càng rầm rộ hơn trước.
Trong khi đó, theo quy định, các cơ sở sản xuất thuốc gia truyền được sở y tế địa phương cấp phép và chỉ lưu hành trong phạm vi tỉnh. Các bài thuốc này chỉ được lưu hành toàn quốc khi được Bộ Y tế và cơ quan chịu trách nhiệm về quản lý y, dược cổ truyền cấp phép.
Ông Hoàng Văn Hảo – Chủ tịch Hội Đông y tỉnh Nghệ An cho hay, quảng cáo về Đông y cũng có những mặt tích cực, nhưng với điều kiện phải quảng cáo đúng sự thật. “Hiện nay có hiện tượng trên các phương tiện thông tin đại chúng, kể cả cơ quan báo chí Nhà nước có nhiều quảng cáo về thuốc Đông y bị thổi phồng sự thật”, ông Hảo nói và nêu ví dụ về các bệnh đòi hỏi có thời gian dài điều trị nhưng cũng chỉ có thể đỡ mà rất khó khỏi hẳn như xương khớp, các bệnh liên quan đường tiết niệu, bệnh về chuyển hóa, tim mạch, tiểu đường... Tuy nhiên, trong các quảng cáo trên mạng xã hội, những người tự xưng là lương y vẫn khẳng định chữa dứt điểm 100%. Rồi thậm chí chỉ cần chữa vài ba liệu trình, không khỏi là trả lại tiền. Theo ông Hảo, điều đó là hoàn toàn sai sự thật.
Cũng theo ông Hảo, hiện nay còn có tình trạng một bộ phận bán thuốc Đông y vì muốn có tác dụng nhanh hơn đã cho một số hóa chất tân dược vào thuốc. Khi bệnh nhân uống thì có tác dụng rất nhanh. “Ví dụ khi bị viêm khớp đang đau, sưng nóng, uống thuốc được gọi là thuốc Đông y này vào thì giảm rất nhanh. Rồi bệnh nhân cứ nghĩ thuốc này hiệu quả nên phấn khởi mua tiếp mà không hề biết thuốc đã bị cho hóa chất tân dược vào. Uống những loại thuốc này sẽ gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng. Đây cũng có thể xem là lừa đảo!”, ông Hảo nói.
Ngoài ra, vị dược sỹ hơn 20 năm làm Chủ tịch Hội Đông y Nghệ An này kể rằng, cách đây không lâu có người thân của ông bị bệnh và có nhu cầu tìm thuốc Đông y. “Thời gian đó tôi cũng thấy một số quảng cáo trên mạng có hình ảnh của những người mà ông quen biết. Đây đều là những người có uy tín, chuyên môn bậc cao trong Đông y. Sau đó, tôi có điện thoại ra hỏi trực tiếp thì các anh ấy đều bảo không phải. Tất cả đều bị giả mạo”, ông Hảo kể và kiến nghị cơ quan quản lý Nhà nước nên có thái độ xử lý cứng rắn với các mạng xã hội tiếp tay cho những quảng cáo dạng này. Đối với những trường hợp bán thuốc có dấu hiệu lừa đảo người bệnh, thậm chí nên xử lý hình sự.
Ngoài ra, ông Hảo cũng kiến nghị cơ quan phê duyệt quảng cáo, các cơ quan truyền thông Nhà nước, phải xem xét, thẩm định để nội dung đúng nhất có thể. “Nhiều cơ quan truyền thông hiện nay hoạt động tự chủ, quảng cáo là nguồn thu chính. Nhưng mình không thể vì chuyện đó mà có thể phê duyệt được những quảng cáo bị thổi phồng sự thật”, ông Hảo nêu quan điểm.