Tàu ngầm HMS Venturer của Anh và U-864 Đức đối đầu nhau năm 1945, tạo nên trận đánh duy nhất giữa hai tàu ngầm dưới lòng biển trong lịch sử.

images2066028_hms_venturer_p68_8357_1511254663.jpgTàu ngầm HMS Venturer trước khi ra khơi. Ảnh: Wikipedia

Trong hai cuộc thế chiến, đã có hàng chục trận giao tranh ác liệt giữa các tàu ngầm diesel - điện, nhưng hầu hết các tàu đều bị tiêu diệt khi nổi lên mặt biển do ắc quy hết điện. Tuy nhiên, trận chiến giữa tàu ngầm HMS Venturer của Anh và U-864 Đức vào năm 1945 là lần giao chiến duy nhất trong lịch sử khi cả hai đối thủ đều đang lặn dưới nước, theoNational Interest.

Để giúp phát xít Nhật duy trì sức chiến đấu và chia cắt quân Đồng minh, ngày 5/2/1945, Đức triển khai tàu ngầm U-864 mang theo bản thiết kế động cơ phản lực Jumo 004 cùng hai kỹ sư nhà máy Messerchmitt tới Nhật nhằm giúp nước này phát triển tiêm kích phản lực nội địa. Trên tàu ngầm cũng có tài liệu hướng dẫn phát triển tên lửa đạn đạo V-2 và hai chuyên gia kỹ thuật Nhật Bản.

Ngoài ra, tàu ngầm U-864 còn chở theo hơn 67 tấn thủy ngân lỏng đựng trong 1.857 bình thép để phục vụ chế tạo ngòi nổ. Nhiệm vụ của thuyền trưởng Ralf-Reimar Wolfram là cho tàu U-864 di chuyển về phía bắc, đi vòng qua Na Uy và xuyên qua vùng Bắc Cực thuộc Liên Xô để bàn giao các tài liệu, vật tư này cho Nhật.

Chiếc U-864 thuộc lớp tàu ngầm tuần dương Type IXD2, lớn hơn tàu ngầm Type VII thông thường. Tàu được thiết kế để thực hiện các chuyến tuần tra dài ngày xuyên đại dương, đồng thời sở hữu những khoang chứa hàng lớn. Trước khi lên đường, U-864 được lắp thêm ống thông hơi cho động cơ, yếu tố chưa từng xuất hiện trên tàu ngầm cùng thời, giúp nó lấy không khí mà không cần nổi lên mặt biển.

Tuy nhiên, chiếc tàu ngầm Đức gặp sự cố ngay khi khởi hành. Sau khi rời Kiel ngày 5/12/1944, tàu bị mắc cạn và buộc phải sửa chữa ở Bergen, Na Uy. Tại cảng này, U-864 chịu thiệt hại nặng hơn do trúng quả bom nặng 5,5 tấn từ oanh tạc cơ Anh.

Không may cho thuyền trưởng Wolfram, hải quân Anh từ lâu đã nắm được phương thức liên lạc giữa các tàu ngầm với bộ chỉ huy Đức. Đến tháng 2/1945, hải quân Anh giải mã được thông tin liên lạc về nhiệm vụ của U-864 và quyết định giăng bẫy.

London quyết định triển khai tàu ngầm HMS Venturer, chiếc đầu tiên thuộc lớp V mới của nước này, nhằm săn lùng và tiêu diệt U-864 ngoài khơi Na Uy. Tàu ngầm Anh chỉ được trang bị 8 ngư lôi so với 20 quả trên tàu U-864, nhưng lại có tốc độ di chuyển 16 km/h khi lặn, nhanh gấp rưỡi đối thủ. Đại úy James S. Launders, chỉ huy HMS Venturer, là người từng đánh chìm 12 tàu mặt nước của phe Trục và tiêu diệt tàu ngầm U-711 của Đức trong tháng 11/1944.

Tàu ngầm Type IXD2, cùng loại với U-864. Ảnh: Wikipedia

Launders quyết định sử dụng thiết bị định vị thủy âm (sonar) thụ động tầm ngắn thay vì hệ thống sonar chủ động tầm xa ASDIC nhằm bảo đảm yếu tố bí mật, tránh để đối thủ phát hiện tín hiệu từ ASDIC. Tuy nhiên, chỉ huy người Anh không hề biết chiếc U-864 đã bỏ xa ông.

Tàu ngầm Đức may mắn không bị HMS Venturer phát hiện khi động cơ diesel của nó gặp trục trặc và gây tiếng ồn lớn, đe dọa tới khả năng ẩn mình dưới lòng biển. Tuy nhiên, thuyền trưởng Wolfram không biết rằng quyết định quay lại cảng Bergen sửa chữa sẽ đẩy tàu ngầm của ông vào vòng nguy hiểm.

Ngày 9/2, sĩ quan vận hành sonar thụ động trên HMS Venturer thu được tín hiệu âm thanh được cho là từ động cơ diesel của một tàu đánh cá. Launders cho tàu của mình tiếp cận vị trí phát ra âm thanh, sau đó dùng kính tiềm vọng quan sát và phát hiện một vật giống kính tiềm vọng từ xa. Trên thực tế, đây có thể chính là ống thông hơi của tàu U-864. Launders cho tàu HMS Venturer duy trì tình trạng lặn dưới nước, bí mật tiếp cận và bám đuôi tàu ngầm Đức.

Launders dự định đợi tàu ngầm U-864 nổi lên rồi mới phóng ngư lôi tấn công. Tuy nhiên, ống thông hơi cho phép tàu ngầm Đức lặn trong thời gian lâu hơn dự kiến. U-864 bắt đầu di chuyển lắt léo, nhiều khả năng là đã phát hiện ra tàu ngầm Anh. Sau ba giờ truy đuổi, ắc quy trên HMS Venturer bắt đầu hết điện và nó sẽ sớm phải nổi lên mặt biển. Lúc này, chỉ huy Launders quyết định  tấn công tàu ngầm U-864 khi vẫn đang lặn.

Ước lượng độ sâu của tàu ngầm Đức dựa trên độ cao ống thông hơi nhô khỏi mặt nước, Launders tính toán tham số mục tiêu để phóng ngư lôi. Chỉ huy người Anh cho rằng đối phương sẽ phát hiện việc phóng ngư lôi, nên đã tính tới phương án khai hỏa khi đối phương cơ động vòng tránh.

Tàu ngầm HMS Venturer phóng cả 4 ngư lôi mang theo với giãn cách giữa mỗi quả là 17,5 giây, sau đó lặn xuống để tránh bị đối phương phản công. Chiếc U-864 cũng ngay lập tức lặn xuống và cơ động để tránh ngư lôi. Sau 4 phút, nó tránh được ba trong 4 quả ngư lôi.

Tuy nhiên, quả ngư lôi thứ 4 được phóng xuống độ sâu lớn nhất, đánh trúng U-864 và khiến nó gãy làm ba phần. Âm thanh khủng khiếp của tiếng kim loại vỡ và đinh ốc bắn ra tràn ngập hệ thống sonar của HMS Venturer. Tàu ngầm Đức chìm xuống đáy biển ở độ sâu 150 m cùng 73 thủy thủ, kết thúc hoàn toàn chiến dịch tiếp viện cho Nhật của Đức.

Phần đầu và đuôi tàu U-864 dưới đáy biển. Ảnh: Wikipedia

Theo chuyên gia quân sự Sebastien Roblin, tàu ngầm diesel - điện trong Thế chiến II dành phần lớn thời gian nổi lên mặt nước để chạy động cơ diesel, giúp tạo ra điện nạp ắc quy. Nguồn năng lượng dự trữ từ các bình ắc quy chỉ đủ dùng trong vài giờ, giới hạn khả năng ẩn mình trên biển. Tốc độ khi lặn thời đó cũng chỉ bằng 1/3 tốc độ lúc nổi, nên tàu ngầm chỉ lặn khi phục kích hoặc lẩn tránh tàu địch.

Việc săn lùng tàu ngầm đối phương thời đó cũng gặp nhiều khó khăn khi chưa xuất hiện ngư lôi tự dẫn và các hệ thống cảm biến tối tân. Những tổ hợp sonar bắt đầu trở nên phổ biến, nhưng sonar thụ động có tầm quá ngắn, trong khi sonar chủ động chỉ có thể xác định tham số hướng và cự ly tới tàu ngầm đối phương, không thể xác định độ sâu để tấn công hiệu quả. Bên cạnh đó, sonar chủ động cũng dễ để lộ vị trí và đánh động tàu ngầm đối phương.

Ngư lôi trong Thế chiến II được thiết kế để nổi gần mặt biển, giúp tấn công vào phần sống tàu đối phương. Nó khó có thể điều chỉnh để tấn công mục tiêu ở dưới lòng biển, nhất là khi chỉ huy không có tham số chính xác của đối phương. Bởi vậy, việc HMS Venturer đánh chìm U-864 khi cả hai tàu đang lặn trong lòng biển là một kỳ tích phi thường.

Năm 2003, hải quân Na Uy tìm thấy xác tàu U-864 ở vị trí cách đảo Fedje ba km, khi lượng thủy ngân độc hại đang rò rỉ ra môi trường xung quanh. Sau 15 năm đánh giá rủi ro của việc trục vớt tàu, tới tháng 2/2017, chính phủ Na Uy quyết định phủ lớp cát dày 0,5 m và 160.000 tấn đá lên U-864 để ngăn ô nhiễm.

Theo VNE

TIN LIÊN QUAN