Trận đánh cầu Rạch Chiếc đã chứng minh cho chính quyền Việt Nam cộng hòa thấy rằng có “tử thủ” cũng thất bại.

PGS.TS Hà Minh Hồng

Những ngày trung tuần tháng 4, khi cả nước chuẩn bị cho Đại lễ Kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, chúng tôi cùng một số chiến sĩ đặc công biệt động Lữ đoàn 316 trở lại chân cầu Rạch Chiếc nằm trên địa bàn quận 2 dâng hương tưởng nhớ 52 chiến sĩ Lữ đoàn 316 hy sinh cách đây 40 năm trong một trận đánh ác liệt giữa bộ đội giải phóng và quân đội ngụy quyền Sài Gòn.

Điểm “tử thủ”

Là người nghiên cứu lịch sử kháng chiến chống Mỹ, PGS.TS Hà Minh Hồng (Trường Đại học KHXH&NV TP Hồ Chí Minh) từng dẫn sinh viên chuyên ngành Lịch sử Việt Nam đi khảo sát nghiên cứu trận đánh cầu Rạch Chiếc trong Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975 cho biết, trận đánh cầu Rạch Chiếc tuy là trận cuối cùng ở cửa ngõ phía Đông TP trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử nhưng để lại nghệ thuật chiến tranh hết sức độc đáo, điển hình.

PGS.TS Hà Minh Hồng nói: Khi thất thủ ở các chiến trường Tây Nguyên, Đà Nẵng, Nguyễn Văn Thiệu tuyên bố “tử thủ” ở Sài Gòn. Nhưng trận đánh cầu Rạch Chiếc đã chứng minh cho chính quyền Việt Nam cộng hòa (VNCH) thấy rằng có “tử thủ” cũng thất bại.

Đặc biệt, khi thất thủ ở Phan Rang (Ninh Thuận - quê hương Nguyễn Văn Thiệu) và Xuân Lộc (Đồng Nai), chính quyền Sài Gòn quyết định lập gấp các chốt phòng thủ với kế hoạch “tử thủ” để bảo vệ Sài Gòn. PGS.TS Hà Minh Hồng phân tích: Ba cầu quan trọng nhất ở hướng Đông trên QL1 là cầu Đồng Nai (trên sông Đồng Nai), cầu Rạch Chiếc (trên vàm Rạch Chiếc, một nhánh thuộc hạ lưu sông Sài Gòn) và cầu Sài Gòn (trên sông Sài Gòn). Trong ba chiếc cầu quan trọng này thì cầu Rạch Chiếc nằm giữa trên trục đường từ ngã ba Vũng Tàu về đến Hàng Xanh.

Do vị trí của cầu Rạch Chiếc sát với nội đô, việc đánh chiếm cầu này đồng nghĩa với mở cửa áp sát nội đô Sài Gòn, đưa đại quân ta xốc tới, chọc thẳng mũi gươm vào cổ kẻ thù. Cầu Đồng Nai tương đối rộng, nếu địch phá thì còn có những hướng khác để đi. Cầu Sài Gòn sát trung tâm, địch không thể phá vì chúng còn cần để rút chạy. Cầu Rạch Chiếc nhỏ và ngắn nhưng địch rất cần giữ để cơ động nhưng cũng có thể phá hủy để ngăn cản quân giải phóng, giúp cho việc “tử thủ” và bảo vệ Sài Gòn.

Ông Nguyễn Đức Thọ lúc đó là Trung úy Z23 (Lữ đoàn đặc công biệt động 316) là người bắn B40 đầu tiên mở màn trận đánh cầu Rạch Chiếc. Ông Thọ kể: Phía cửa Rạch Chiếc là sông Sài Gòn không thể cơ động; phía đuôi là sát Bưng Sáu Xã lầy lội lại là vùng căn cứ cách mạng. Lòng sông Rạch Chiếc tuy hẹp nhưng rất sâu, nếu cầu bị phá thì cũng khó triển khai cầu phao để hỏa lực, xe tăng đi qua. Từ cuối tháng 3/1975, ngoài hệ thống gần chục lô cốt bao quanh cầu, địch bố trí thêm 400 lính bảo an trang bị đại liên, M16, M79, cối 61 ly, súng chống tăng,... và xây dựng hàng loạt công sự, lô cốt ở hai đầu cầu. Khi trận đánh chưa diễn ra, trinh sát đã phát hiện địch gài hai quả bộc phá nặng hàng tạ dưới gầm cầu, trường hợp không giữ được cầu chúng sẽ đánh sập.

Cầu Rạch Chiếc hôm nay đã được xây dựng lại bề thế hơn

Đầu hàng là tất yếu

PGS.TS Hà Minh Hồng nhận định: Đánh chiếm và giữ cầu Rạch Chiếc chờ đại quân tiến vào sào huyệt của địch khi chúng quyết tâm “tử thủ”, rõ ràng là nhiệm vụ trực tiếp phá tan mưu đồ “quyết tử” của địch, đảm bảo tốc độ tiến công thần tốc của quân ta. Chúng ta đã sử dụng lực lượng đặc công mạnh gồm: D.81, Z.22, Z.23 tham gia trận chiến. Đêm 27/4/1975, ngay từ những giờ phút đầu tiên nổ súng, bộ đội đặc công đã bí mật phá được các quả mìn địch cài sẵn dưới cầu. Trận đánh sau đó diễn ra ác liệt, bộ đội giải phóng dần chiếm lĩnh trước trận địa và đánh bật kẻ thù khỏi khu vực cầu.

Sáng 28/4, địch tập trung tối đa quân lực để chiếm lại cầu, nhưng chúng không thể thực hiện được ý đồ. Đêm 29/4, cầu Rạch Chiếc trở thành điểm giao tranh khốc liệt nhất giữa ta và địch. Trong điều kiện địa hình trống trải, chiến sự ác liệt, bộ đội ta đã tiêu diệt hai tiểu đoàn quân địch, làm tan rã tại chỗ hàng ngàn tên, thu giữ nhiều vũ khí và phương tiện chiến tranh, giữ vững cầu Rạch Chiếc. Sáng 30/4, đại quân ta tràn qua và thọc sâu vào thành phố Sài Gòn.

Theo PGS.TS Hà Minh Hồng thì ông Dương Văn Minh là một con người có nhiều kinh nghiệm trận mạc. Ông đã từng tham gia vào các cuộc đảo chính, đặc biệt là đảo chính năm 1963. Trong những ngày tháng tư lịch sử ấy, ông Dương Văn Minh hiểu rõ xu thế, yêu cầu của cuộc chiến, hiểu rõ sự rút bỏ của Mỹ khỏi miền Nam, hiểu rõ bản chất và năng lực của quân đội VNCH và dường như đã có câu trả lời có “tử thủ” cũng không giữ được Sài Gòn do phòng tuyến cầu Rạch Chiếc thất thủ chóng vánh.Chúng tôi đặt câu hỏi vì sao quân đội VNCH “tử thủ” ở cầu Rạch Chiếc để ngăn bước tiến công của bộ đội ta? PGS.TS Hà Minh Hồng cho biết, thực ra việc “tử thủ” đã được chính quyền VNCH lên kế hoạch không chỉ ở cầu Rạch Chiếc mà cả Sài Gòn từ trước đó. Phòng tuyến cầu Rạch Chiếc là điểm quyết định ở phía Đông của địch có ý nghĩa quyết định liệu có giữ được Sài Gòn, có “tử thủ” được ở Sài Gòn hay không? Thế trận và sức tiến công của quân cách mạng với tốc độ “một ngày bằng 20 năm”, một khi đã áp sát xung quanh Sài Gòn thì địch không thể “tử thủ” ở đâu được nữa. Cho đến khi địch hoàn toàn thất thủ ở cầu Rạch Chiếc thì cùng lúc đó nhiều nơi khác chúng cũng thất thủ, địch cũng không thể rút bỏ hay co cụm về nội đô được; ý định “tử thủ” Sài Gòn cũng tự tiêu tan. Tổng thống Dương Văn Minh chỉ có thể đầu hàng vô điều kiện.

Trận đánh cầu Rạch Chiếc được xem là một trong những trận đánh lớn cuối cùng trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mở đường cho bộ đội ta tiến vào giải phóng Sài Gòn. Và để đánh chiếm giữ một cây cầu chỉ dài hơn 100 m ấy, 52 chiến sĩ đã anh dũng hi sinh. Ngày nay cầu Rạch Chiếc đã được xây dựng bề thế với chiều dài hơn 735m với 10 làn xe.

“Cần xây dựng một tượng đài thật xứng đáng như một Khải hoàn môn khắc tên những chiến sĩ đã hi sinh ở cầu Rạch Chiếc, nơi cửa ngõ phía Đông của thành phố để nhắc nhở mọi người, đặc biệt là thế hệ trẻ về trận đấu quyết tử giữ cầu khi thời khắc chiến thắng đã đến rất gần”, PGS.TS Hà Minh Hồng nói.

Trận đánh cầu Rạch Chiếc diễn ra từ 3h sáng 27/4/1975. Hơn 200 chiến sĩ đặc công của Tiểu đoàn D81, Z22, Z23 (Lữ đoàn 316) đã chiến đấu với hơn 2 nghìn lính địch và sáng 28/4, đã chiếm được cầu. Do địch đánh trả quyết liệt, tối 28/4, đặc công của ta phải rút lui. Đến tối 29/4, các đơn vị tiếp tục đánh chiếm cầu Rạch Chiếc và giữ cầu. 9h30 phút sáng 30/4/1975, xe tăng của Lữ đoàn 203 quân giải phóng qua cầu Rạch Chiếc an toàn để tiến thẳng vào Dinh Độc Lập... 
Theo Báo Giao thông