(Baonghean) - “Thảm đỏ” là từ đã quen thuộc, thể hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước tạo môi trường đầu tư thuận lợi nhất. Tuy nhiên, tinh thần khuyến khích kinh doanh, phát triển kinh tế đang gặp phải những lực cản lớn.

Như một đại biểu đã phát biểu trên diễn đàn Quốc hội: “Chúng ta mời gọi các nhà đầu tư, nhưng trên rải thảm dưới rải đinh. Các nhà đầu tư đi trên thảm nhung nhưng vẫn nhức nhối vì hàng đinh ở dưới”. Tình trạng trên thảm, dưới đinh diễn ra cả ở cấp Trung ương và địa phương. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Vậy thì “đinh” nằm ở đâu? Trước hết, “đinh” nấp trong các văn bản quy phạm pháp luật và cả văn bản hành chính, ví dụ ở cấp địa phương chủ yếu là quyết định của UBND các cấp, văn bản của các sở, ngành. Theo rà soát của Bộ Tư pháp năm 2015 trên toàn quốc, hàng ngàn văn bản như vậy đã có sai sót về thủ tục ban hành, cũng như nội dung quy định, dù ít hay nhiều đều là những rào cản đối với môi trường kinh doanh, nhiều khi nấp dưới những mục tiêu tốt đẹp. Đây được coi là “chùm khế ngọt”; thậm chí “siêu ngọt” đối với không ít cán bộ, công chức; sự cài cắm lợi ích riêng ở những câu tưởng vô hại.

Đặc biệt, “đinh” được rải rất nhiều trong tổ chức thực hiện, trong hành vi cụ thể, kể cả do hành động và không hành động. Nhiều doanh nghiệp đã bày tỏ, trong mối quan hệ giữa doanh nghiệp với cơ quan nhà nước có sự xin - cho, anh nào chạy giỏi thì được; luật pháp bị xô đẩy, cho khung rộng thì rộng, cho bé thì bé. Đến nỗi một chuyên gia trước đây từng chuyên về kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật nhận xét, có hiện tượng “lưu manh hóa” của không ít quan chức, công chức, hễ thấy “ghế” là nghĩ đến túi tiền của mình...

Chính phủ mới thể hiện quyết tâm rất cao trong việc tiếp tục “rải thảm đỏ”, đồng thời “nhổ đinh”; xây dựng thể chế được đặt lên hàng đầu; Nhà nước kiến tạo, cung cấp dịch vụ, hỗ trợ năng lực, thúc đẩy hiệp hội, gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp. 

Ở Nghệ An, UBND tỉnh cũng đã có chương trình cụ thể thực hiện Nghị quyết 35/NĐ-CP của Chính phủ về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp; đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là giảm các chi phí không cần thiết cho các doanh nghiệp; chú trọng gặp gỡ, tiếp xúc để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Trước đó, UBND đã ban hành Chương trình hành động giai đoạn 2013 - 2020, với nhiều giải pháp tập trung cải thiện môi trường kinh doanh của tỉnh. HĐND tỉnh thông qua tờ trình về việc ban hành một số cơ chế chính sách thu hút đầu tư vào địa bàn Nghệ An.

Lần này chính quyền nỗ lực khắc phục những tồn tại trước, đó là doanh nghiệp được hưởng chính sách nhưng không triển khai; đồng thời mức hỗ trợ cao hơn và tập trung ưu tiên các dự án lớn, sử dụng nhiều lao động. Tất cả các hành động xuất phát từ phương châm đồng hành cùng doanh nghiệp, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư sản xuất kinh doanh có hiệu quả bền vững tại Nghệ An. 

Cùng với những “thảm đỏ” như vậy, doanh nghiệp rất cần chính quyền “nhổ đinh” cho họ, ví dụ như “tăng tốc" giải quyết các thủ tục hành chính, giảm bớt thủ tục rườm rà cho nhà đầu tư. Với doanh nghiệp “cơ hội” là quyết định thành công cho dự án, nếu để đánh mất “cơ hội” thì xem như dự án sẽ nguy cơ đổ bể hoặc mất khả năng cạnh tranh tốt.

Tỉnh cũng cần minh bạch hóa mặt bằng đầu tư, như đất đai và thủ tục hành chính; nhất quán về chính sách; bình đẳng giữa doanh nghiệp trong tỉnh và ngoài tỉnh, lớn và nhỏ, dân doanh và nhà nước, trong và ngoài nước để tạo hiệu ứng tốt cho doanh nghiệp mới vào đầu tư.

Để vừa “trải thảm”, vừa “nhổ đinh”, trong quá trình soạn thảo, xây dựng các dự thảo văn bản, cần nghiên cứu khảo sát, hoạch định chính sách, xin ý kiến của doanh nghiệp là đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của nội dung dự thảo; vận dụng cơ chế đa ngành, huy động trí tuệ tập thể, chống đơn tuyến, lợi ích nhóm, lợi ích ngành, cục bộ địa phương; xác định trách nhiệm của cơ quan, người ban hành văn bản.

Đặc biệt, cần kiểm tra nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các văn bản trái pháp luật; rà soát, kịp thời bãi bỏ những văn bản, quy định trái với các quy định mới hoặc không còn phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội. 

Chương trình Cafe Doanh nhân tỉnh Hòa Bình được tổ chức định kỳ vào ngày 14 và 29 hàng tháng với mục đích tạo ra một “Diễn đàn mở” để các nhà đầu tư, các doanh nghiệp chia sẻ, trao đổi những khó khăn, vướng mắc với lãnh đạo tỉnh và các cơ quan quản lý Nhà nước. Ảnh: Internet.

Đồng thời, những mô hình hay của các tỉnh thành (như Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Đà Nẵng, Đồng Tháp, Tuyên Quang...) có thể được nghiên cứu, học hỏi, vận dụng một cách phù hợp. Ví dụ như “Nụ cười công sở”, “Ngày thứ sáu nghe dân nói”, “Cafe doanh nghiệp”, chính quyền điện tử với trang web hiện đại, thân thiện, giảm 30% cuộc họp để lãnh đạo các ngành, địa phương có nhiều thời gian đi cơ sở nghe người dân, doanh nghiệp, tháo gỡ vướng mắc.

Hoặc như xuất phát từ quan ngại của doanh nghiệp trước tình trạng tuy có sáng kiến hay ở cấp tỉnh nhưng chưa được thực thi tốt ở sở ngành, cấp huyện, các tỉnh Lào Cai, Quảng Ninh đã thực hiện đánh giá năng lực cạnh tranh cấp huyện, cấp sở, ngành để thúc đẩy các đơn vị này nâng cao hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp.

Tất cả những hành động của chính quyền, nói một cách dân dã, là làm sao cho “đất lành chim đậu”. Tuy nhiên, cũng lại phải tránh tình trạng như doanh nghiệp nêu ra mà một đại biểu Quốc hội từng trích dẫn tại nghị trường: “Chim chưa đậu đã nhậu mất chim”!. 

Đại hội Đảng XII đã khẳng định chủ trương kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, theo chuẩn mực chung của thế giới. Trong đó, khối tư nhân là động lực, chìa khóa thành công của nền kinh tế. Mong chính quyền tỉnh hãy hành động theo “nhịp trống” cải cách nhanh hơn, mạnh hơn, đưa địa phương phát triển kịp với yêu cầu của thời cuộc.

Nguyễn Đức Lam

TIN LIÊN QUAN