Sau khi có hiện tượng các tài xế ô tô sử dụng loại tiền mệnh giá nhỏ 100 đồng, 200 đồng, 500 đồng để trả phí khi qua trạm BOT, dư luận đặt ra câu hỏi là ngành ngân hàng có cần thiết in loại tiền 100 đồng để đáp ứng nhu cầu ở các trạm thu phí hay không?
Về vấn đề này, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, trường hợp sử dụng tiền mệnh giá nhỏ và tài xế đòi trả tiền lẻ chỉ là vấn đề xảy ra cục bộ tại một số trạm thu phí BOT địa phương. Hiện việc một số tài xế sử dụng các loại tiền mệnh giá nhỏ 100 đồng, 200 đồng hay 500 đồng để trả phí khi qua trạm BOT đã tạm lắng nhờ sự chỉ đạo, vào cuộc quyết liệt của Chính phủ trong việc xử lý điểm nóng BOT.
“Đây là hình thức thanh toán không tích cực và NHNN không ủng hộ, kể cả người lái xe sử dụng loại tiền này. Giải pháp để xử lý điểm nóng, công trình BOT phải được thực hiện bằng các giải pháp khác. NHNN luôn đáp ứng đủ nhu cầu tiền mặt, cung ứng các loại tiền đủ tiêu chuẩn lưu thông nhưng đủ là về mặt cơ cấu, cái nào cần chi nhiều thì đáp ứng nhiều, chi ít thì đáp ứng ít nhưng phải phục vụ cho nhu cầu thanh toán thiết thực”, Phó Thống đốc NHNN bày tỏ quan điểm.
Trước đó ngày 11/12 tại trạm BOT Quốc lộ 5, huyện Văn Lâm, Hưng Yên, một số tài xế ô tô đã sử dụng loại tiền mệnh giá 200 đồng, 500 đồng để trả phí khi qua trạm BOT quốc lộ 5 khiến thời gian lưu thông qua trạm kéo dài gần 10 phút. Trước tình trạng này, doanh nghiệp dự án đã phải tăng cường nhân viên và chuẩn bị tiền lẻ nhiều mệnh giá để đảm bảo thanh toán khi cần thiết cho lái xe.
Vào ngày 30/11, khi cho xe qua trạm thu phí BOT Cai Lậy (Tiền Giang), một số tài xế đưa 25.100 đồng (1 tờ 20.000, 9 tờ 500, 3 tờ 200) và yêu cầu trả lại tiền thừa là 100 đồng khiến phí chủ đầu tư BOT Cai Lậy lúng túng.