(Baonghean) - Mặc dù mở ra nhiều cơ hội, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được tiếp xúc với luồng vốn ngoại của khu vực song chúng ta cũng sẽ đối mặt với không ít thách thức bởi hiện hệ thống ngân hàng vẫn còn những hạn chế nhất định.
Tính đến nay trên địa bàn tỉnh có 11 Ngân hàng thương mại nhà nước, 21 ngân hàng TMCP, 55 tổ chức tín dụng và 2 ngân hàng chính sách. Thời gian qua, việc tiếp cận dịch vụ ngân hàng trên địa bàn Nghệ An đã có những tiến bộ. Các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn đã tăng cường đầu tư lắp đặt thêm cơ sở hạ tầng để phủ sóng mạng lưới ATM và nâng cao chất lượng dịch vụ nhằm phục vụ tốt nhu cầu thanh toán không dùng tiền mặt của người dân.
Dịch vụ thanh toán qua POS cũng được đầu tư. Hiện có gần 1.000 POS được lắp đặt tại các đơn vị kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, chấp nhận thanh toán thẻ của các ngân hàng khác trên địa bàn. Nhiều ngân hàng đã ứng dụng công nghệ vào các hoạt động dịch vụ, đưa các tiện ích nắm bắt nhu cầu của khách hàng để phục vụ ngày một tốt hơn.
Tuy nhiên, khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng trên địa bàn nhìn chung chưa cao, mức độ phân bố các chi nhánh và phòng giao dịch chưa đồng đều; quản trị rủi ro tại các ngân hàng còn có những bất cập... Trong khi đó, sản phẩm dịch vụ của các ngân hàng còn đơn điệu, tính tiện ích chưa cao, công nghệ ngành ngân hàng còn lạc hậu so với thế giới. Đây là những bất cập của hệ thống ngân hàng hiện nay, nhất là khi chúng ta gia nhập TPP với xu hướng quốc tế hóa hệ thống ngân hàng.
Tham gia TPP- Hiệp định đối tác chiến lược kinh tế Thái Bình Dương, đối với lĩnh vực dịch vụ tài chính, ngân hàng, các điều kiện tiếp cận thị trường sẽ dần được xóa bỏ. Hiệp định TPP khi được ký kết sẽ nằm trong xu thế chung toàn cầu về tự do hóa tài chính, tạo điều kiện cho dòng vốn đầu tư gián tiếp vào ra giữa các quốc gia với nhau. Việc quan tâm đến tiến trình TPP của ngành tài chính – ngân hàng là cần thiết vì đây vẫn là cơ hội lớn để hệ thống ngân hàng bứt phá phát triển, nếu mỗi ngân hàng có sự chuẩn bị chiến lược kinh doanh chu đáo, phù hợp.
Thực tế, không phải bây giờ mà từ khi Việt Nam gia nhập WTO, hệ thống ngân hàng đã có những đổi mới đáp ứng yêu cầu hội nhập. Gia nhập TPP, mức độ cam kết sâu hơn, các yêu cầu cao hơn, đòi hỏi các ngân hàng cần nâng khả năng nâng khả năng cạnh tranh về vốn, quản lý tài sản, khả năng thanh khoản và nguồn lực quản lý đưa ra các sản phẩm về dịch vụ ngày càng tốt hơn. Trong thời gian tới, cần thực hiện có kết quả lộ trình tái cơ cấu hệ thống tài chính mà trọng tâm là khối NHTM nhằm nâng cao chất lượng phục vụ, hiệu quả kinh doanh và đảm bảo an toàn của cả hệ thống, thực hiện các giải pháp xử lý phù hợp đối với nhóm ngân hàng yếu kém...
Cơ hội cho hệ thống ngân hàng Các luồng vốn đầu tư quốc tế vào Việt nam sẽ tăng trưởng mạnh trong thời gian tới tạo thuận lợi cho hệ thống ngân hàng tăng cường thanh khoản và gia tăng cơ hội kinh doanh. Ngoài ra, hệ thống ngân hàng có điều kiện tiếp cận với các nguồn vốn ủy thác trên thế giới với chi phí thấp hơn do vị thế của Việt Nam sẽ cải thiện nhiều sau khi gia nhập TPP. Theo đó, ngành Ngân hàng “có dịp” lặp lại giai đoạn phát triển thần kỳ như năm 2006 khi Việt Nam gia nhập WTO, nhưng cường độ có thể thấp hơn. Hiệp định TPP sẽ mở triển vọng cho ngành thương mại Việt Nam đạt mức tăng trưởng mạnh mẽ, mở ra cơ hội cho các NHTM Việt Nam đồng hành hỗ trợ vốn, dịch vụ cho các doanh nghiệp xuất khẩu trong tương lai; Lĩnh vực tài chính – ngân hàng sẽ được mở rộng hơn theo các cam kết chung. Theo đó, Việt Nam có cơ hội thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào ngành ngân hàng – một ngành cần vốn, công nghệ và năng lực quản lý điều hành cao. Hơn nữa, các NHTM VN có nhiều khả năng nới “room” thêm nữa cho các đối tác chiến lược nước ngoài. Việc tham gia sâu rộng của nhà đầu tư nước ngoài cũng sẽ tạo điều kiện mở rộng hợp tác, nâng cao năng lực quản trị và tài chính cho các ngân hàng nội địa. Đây có thể là cơ sở để phát triển ngành ngân hàng Việt Nam trong tương lai. |
Việt Phương