Những điểm đến không thể bỏ lỡ
Vào dịp cuối tuần, chúng tôi hòa vào dòng du khách thập phương hành hương về chiêm bái Đền thờ Hoàng đế Quang Trung, tọa lạc trên đỉnh Dũng Quyết. Di tích lịch sử này luôn là điểm đến không thể thiếu trong hành trình du lịch tâm linh của du khách về với thành Vinh.
Vào dịp cuối tuần, chúng tôi hòa vào dòng du khách thập phương hành hương về chiêm bái Đền thờ Hoàng đế Quang Trung, tọa lạc trên đỉnh Dũng Quyết. Di tích lịch sử này luôn là điểm đến không thể thiếu trong hành trình du lịch tâm linh của du khách về với thành Vinh.
Anh Nguyễn Quang Phú - du khách đến từ Quảng Nam chia sẻ: “Ấn tượng đặc biệt của khu di tích này là khung cảnh thiên nhiên kỳ vĩ, đứng trên đỉnh núi chúng tôi có thể ngắm phong cảnh núi Hồng - sông Lam, thành phố Vinh hiện đại... Ngôi đền qua năm tháng càng trầm mặc, linh thiêng giàu ý nghĩa lịch sử, văn hóa, tâm linh làm cho mỗi người lắng lại tâm trí khi đến đây”.
Đến nay, Đền đã được công nhận là điểm đến du lịch Nghệ An và được liên kết tour du lịch tâm linh với đền ông Hoàng Mười, Khu di tích Đại thi hào Nguyễn Du (Hà Tĩnh). Mỗi năm, nơi đây thu hút hơn 12.000 lượt khách thăm quan, hành lễ (tăng trung bình từ 1,5 - 2 nghìn du khách/ năm).
Ông Nguyễn Văn Xuân - Phó BQL Đền Quang Trung cho biết: Hằng năm, Ban Quản lý (BQL) Đền thờ Hoàng đế Quang Trung đã vận động xã hội hóa gần 1 tỷ đồng để đầu tư nâng cấp. Chúng tôi tiếp tục vận động xã hội hóa để tiếp tục tôn tạo, chỉnh trang cảnh quan.
Phường Trung Đô cũng có kế hoạch làm đường hoa từ chân núi lên đến cổng Đền; Cùng đó, BQL hoàn chỉnh thiết chế văn hóa tâm linh… để ngày càng thu hút du khách”.
Về với thành Vinh, nếu du khách mong muốn thưởng ngoạn non nước hữu tình thì du thuyền Sông Lam là điểm hẹn du lịch lý tưởng. Dọc theo dòng Lam giang êm đềm, du khách vừa được vãn cảnh thiên nhiên nên thơ, được đắm mình trong câu hò điệu ví và thưởng thức ẩm thực riêng có của xứ Nghệ.
Năm 2017, tổng số khách du lịch đến TP Vinh đạt 1.950.000 lượt, doanh thu toàn ngành đạt 800 tỷ đồng, tăng 31,2% so với cùng kỳ. Số lượt khách du lịch 6 tháng đầu năm 2018 đạt 1.105.000; doanh thu đạt 590 tỷ đồng.
Thời gian qua, bên cạnh đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch các vùng du lịch, TP Vinh đã phát huy nội lực tích cực hoàn thiện hạ tầng, kết nối giao thông xuyên Việt, xuyên Á, tạo thuận lợi kết nối với các điểm du lịch nổi tiếng trong tỉnh, cả nước và quốc tế.
Đồng thời chú trọng phát triển du lịch tham quan, tìm hiểu lịch sử văn hóa thông qua tổ chức hội thảo, sự kiện văn hóa, thể thao; đẩy mạnh các hoạt động liên kết, quảng bá, phát triển thị trường du lịch. Nhờ vậy, du lịch thành phố những năm gần đây thực sự khởi sắc; có nhiều điểm đến tạo được nét đặc trưng, ấn tượng với du khách.
Kết nối điểm đến, tạo dấu ấn với du khách
Tuy nhiên, theo đánh giá chung, tốc độ phát triển của du lịch thành phố Vinh chưa xứng tầm của một đô thị trung tâm; nhiều sản phẩm du lịch chưa có tính cạnh tranh cao, chưa kêu gọi được các nhà đầu tư có thực lực để đầu tư xây dựng các dự án du lịch. Thời gian lưu trú khách du lịch tại thành phố còn thấp. Công tác xúc tiến quảng bá du lịch hiệu quả chưa cao…
Theo ông Võ Hồng Sáng - Tổng Giám đốc Công ty CP Lữ hành quốc tế Thái Sơn: Du khách cảm nhận khá tốt về một số điểm di tích, danh thắng, mua sắm ở thành phố Vinh nhưng họ còn thiếu thông tin, chưa biết nhiều về các điểm du lịch ở Vinh. Du lịch đêm của Vinh chưa có điểm nhấn khiến du khách mong muốn khám phá, thưởng thức như nhã nhạc Huế trên sông Hương hay chợ đêm sông Hàn.
Còn ông Võ Bá Nguyên - Giám đốc Công ty Du lịch Vinh Guru thì băn khoăn một số điểm đến ở Vinh, khách có nhu cầu tham quan, khám phá nhưng các dịch vụ tại đây chưa thực sự hấp dẫn, thiếu chuyên nghiệp nên khó níu chân du khách.
Trao đổi về những “điểm yếu”, khiến du lịch thành phố chưa tạo được bước đột phá, ông Bùi Quang Phương - Trưởng phòng Văn hóa thông tin TP Vinh cho rằng: Nguyên nhân là bởi công tác tuyên truyền quảng bá xúc tiến du lịch còn hạn chế, chưa thu hút được sự quan tâm của các doanh nghiệp lữ hành tham gia xây dựng liên kết tour tuyến trong vùng; chưa có các giải pháp cụ thể để xây dựng có hiệu quả nếp sống văn minh đô thị, văn hóa ứng xử. Công tác quản lý nhà nước chưa được tăng cường, đội ngũ cán bộ làm du lịch còn hạn chế về năng lực, kinh nghiệm.
Với định hướng phát triển Vinh trở thành trung tâm dịch vụ du lịch thì bên cạnh nỗ lực khắc phục những tồn tại nói trên, thành phố xác định, phát triển du lịch trên nền đô thị đồng nghĩa với chú trọng đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng đô thị, xây dựng văn minh đô thị, văn hóa ứng xử, ý thức bảo vệ tài nguyên, môi trường du lịch cho người dân.
Cùng với đó, chú trọng khai thác, phát huy hiệu quả tiềm năng du lịch tâm linh. Đồng thời đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch bằng cách tạo điều kiện thu hút đầu tư phát triển các khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí khu vực ven sông Lam như: Dự án khu đô thị sinh thái Vinh Tân, Khu du lịch giải trí ven sông Lam, Khu du lịch sinh thái gắn với sản xuất nông nghiệp sạch khu vực Hưng Hòa, Khu đô thị Vingroup, T&T...
Thành phố cũng cần có các giải pháp phát huy giá trị của di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại - dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh để tạo điểm nhấn du lịch văn hóa độc đáo, tạo ấn tượng mạnh mẽ về loại hình, sản phẩm du lịch mới và ghi dấu ấn trên hành trình du lịch “Con đường di sản miền Trung”./.