Trao đổi với phóng viên, PGS.TS Nguyễn Viết Thông - Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương, Ủy viên Thường trực Tổ biên tập Văn kiện Đại hội XIII nhấn mạnh, trong nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng tiếp tục tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng với quyết tâm chính trị cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt hơn, đặc biệt là công tác cán bộ và công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Lỗi không phải ở quy trình

PV: Trong dự thảo các văn kiện ghi rõ, trong nhiệm kỳ Đại hội XII, công tác cán bộ được đổi mới mạnh mẽ và đạt được một số kết quả quan trọng, trong đó kịp thời chấn chỉnh và xử lý các trường hợp sai phạm về công tác cán bộ; bước đầu kiềm chế, ngăn chặn tình trạng chạy chức, chạy quyền; tham nhũng từng bước được kiềm chế, ngăn chặn; công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng được chỉ đạo quyết liệt, nhất là các vụ án nghiêm trọng, phức tạp. Ông có thể làm rõ hơn về vấn đề này?
084931-1.jpgPGS.TS Nguyễn Viết Thông - Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương, Ủy viên Thường trực Tổ biên tập Văn kiện Đại hội XIII.
Ông Nguyễn Viết Thông: Chưa có nhiệm kỳ nào như nhiệm kỳ này, Đảng ta rất quan tâm đến công tác tổ chức, cán bộ. Đảng đã ban hành nhiều quy định, quy chế và chỉ đạo quyết liệt. Cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng cũng được đẩy mạnh hơn. 

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu, trong dự thảo Báo cáo chính trị, dự thảo Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng nhiệm kỳ Đại hội XII cũng đã thẳng thắn chỉ rõ công tác cán bộ còn nhiều hạn chế, khuyết điểm. Đảng ta đã từng chỉ rõ có tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy bằng cấp, chạy huân chương, bổ nhiệm người nhà, người thân, họ hàng, cánh hẩu hay dư luận hay nói có 4 “ệ”: hậu duệ, quan hệ, tiền tệ, trí tuệ. 

Vừa rồi mới Đại hội cấp xã, cấp huyện cũng đã bộc lộ một số vấn đề. Như chuyện chỉ định nhân sự làm Bí thư cấp ủy. Việc chỉ định nhân sự không trái quy định, nhưng lại diễn ra ngay trong Đại hội hoặc ngay sau Đại hội dẫn đến có dư luận không tốt. Ban Tổ chức Trung ương cũng đã lưu ý việc hạn chế tối đa việc chỉ định Bí thư ngay trong Đại hội và ngay sau Đại hội.

Phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp về công tác xây dựng Đảng nói chung, công tác cán bộ nói riêng được nói rõ trong dự thảo Văn kiện. Nhưng quan trọng nhất là sau khi Đại hội thông qua các Văn kiện thì cấp ủy khóa mới từ Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư cho đến cấp ủy các cấp phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm Nghị quyết.

PV: Mặc dù chúng ta đã có một loạt quy định, quy chế rất chặt chẽ nhưng trong thực tế vẫn xảy ra tình trạng bổ nhiệm cán bộ đúng quy định, quy trình nhưng lại không đúng người, đúng việc. Ông nhận định gì về vấn đề này?

Ông Nguyễn Viết Thông: Lỗi không phải ở quy trình. Trước đây thời Bác Hồ quy trình không có nhiều, nhưng tại sao chọn ai đúng người đó? Còn hiện nay, quy định, quy trình nhiều nhưng vẫn chọn sai người? Vấn đề ở chỗ, ai là người thực hiện quy trình ấy. Nếu người đứng đầu không trong sáng, không minh bạch thì họ sẽ có những cách làm, thậm chí là thủ đoạn tinh vi để qua mặt tập thể. 

Như vấn đề chỉ định Bí thư cấp ủy, trường hợp nào được chỉ định, trường hợp nào không được chỉ định. Ví dụ như ở Bắc Ninh, vừa Đại hội xong thì Bí thư Tỉnh đoàn được chỉ định làm Bí thư Thành ủy Bắc Ninh. Quy định cho phép chỉ định, nhưng chỉ định ai, chỉ định như thế nào thì phụ thuộc phần lớn ở người đứng đầu. Nên tôi cho rằng, quy định, quy trình vẫn tiếp tục hoàn thiện, nhưng dù hoàn thiện đến bao nhiêu thì quan trọng nhất vẫn là người thực hiện quy trình và đặc biệt là người đứng đầu. Trong các nghị quyết của Đảng, đều đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu. Vì thế người đứng đầu phải chịu trách nhiệm chính, không thể vô can được.

Nhiệm kỳ Đại hội XIII tiếp tục thể hiện quyết tâm đấu tranh phòng, chống tham nhũng

PV: Phương hướng nhiệm vụ công tác phòng, chống tham nhũng nhiệm kỳ tới được nêu rõ trong dự thảo văn kiện như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Viết Thông: Liên quan đến đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, dự thảo Văn kiện đề cập đến 4 không “không muốn, không thể, không dám, không cần”.

Tinh thần trong dự thảo Văn kiện lần này thể hiện quyết tâm chính trị rất cao trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Bởi đây là vấn đề quốc nạn, nhiệm kỳ vừa qua đã đấu tranh quyết liệt đạt nhiều thành tựu quan trọng, tạo dấu ấn nổi bật, được nhân dân đồng tình, ủng hộ nhưng cũng xuất hiện lo lắng nhiệm kỳ tới có tiếp tục phất cao ngọn cờ này hay không? Đó là nỗi lo chính đáng. Bởi vì Tổng Bí thư, Chủ tịch nước hiện nay rất gương mẫu, giương cao ngọn cờ này và chỉ đạo quyết liệt, kể cả sắp diễn ra Đại hội nhưng vẫn tiếp tục “đưa củi vào lò”. Như tại kỳ họp mới nhất của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, 3 tướng bị kỷ luật; nhiều vụ án, bị can được khởi tố, trong đó có nguyên Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng và nhiều người khác.

Điều này thể hiện quyết tâm của Đảng ta với tinh thần đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không ngừng nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Điều này tiếp tục được khẳng định trong dự thảo Văn kiện. 

Trong văn kiện lần này thể hiện quyết tâm cao hơn nhưng quan trọng nhất là người đứng đầu tới đây phải giương cao ngọn cờ này.  

PV: Xin cảm ơn ông!

"Văn kiện Đại hội không chỉ là sản phẩm của thực tiễn mà phải có tính lý luận, tính khoa học rất cao. Văn kiện có văn phong chính luận, ai cũng hiểu được và hiểu một nghĩa. Cần học theo văn phong của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người nói, viết để ai cũng hiểu được, trí thức cũng hiểu và người nông dân cũng hiểu, người dân ở thành thị, người dân ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa cũng hiểu. Yêu cầu của văn phong văn kiện Đảng là phải chính xác, mọi người cùng hiểu. Khái niệm nào người dân còn chưa hiểu rõ thì không nên đưa vào văn kiện" - ông Nguyễn Viết Thông./.