(Baonghean) - Đây không phải lần đầu ông Nicolás Maduro đối mặt với tình trạng bất ổn, thế nhưng vị Tổng thống của đất nước Nam Mỹ lại đang lệ thuộc nhiều vào những biện pháp mang tính trấn áp, thay vì thúc đẩy các chương trình xã hội được người dân ủng hộ để giành lại quyền kiểm soát.

Thêm một ngày trôi qua là thêm một cuộc biểu tình tại thủ đô Caracas. Tổng thống Nicolás Maduro vẫn ngang ngạnh cho rằng Venezuela sẽ không trở thành quân cờ domino tiếp theo của đảng cánh tả đổ xuống tại Mỹ Latinh, nhưng nhà lãnh đạo này nhiều khả năng không có quyền đưa ra lựa chọn.

resize_images1553551_nh_n_v_t_s__ki_n_20_5__nh_1.jpgNgười biểu tình đụng độ với cảnh sát trong cuộc biểu tình tại Caracas. Ảnh: EPA.
Chiến dịch của phe đối lập đòi trưng cầu dân ý bãi nhiệm Tổng thống vấp phải bức tường vững chắc của lực lượng cảnh sát chống bạo loạn và hơi cay hôm 18/5 vừa qua. 
 
Cần nhắc lại rằng, đây vốn không phải lần đầu ông Maduro đối mặt với tình cảnh bạo loạn, thế nhưng điều đáng lưu ý là giờ đây Tổng thống Venezuela đang có xu hướng ngả về các biện pháp trấn áp thẳng tay, thay vì các chương trình xã hội được lòng nhân dân hòng giành lại quyền kiểm soát đất nước.
 
Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Guardian hồi năm 2014, khi Maduro thành công dẹp yên những cuộc biểu tình được mệnh danh là “sự nổi loạn của giới nhà giàu” khiến 43 người bỏ mạng, ông tuyên bố Venezuela là đất nước mà “người giàu biểu tình còn người nghèo hồ hởi với phúc lợi xã hội”.
 
Vậy mà, giờ đây, không một cá nhân nào dám lên tiếng khoa trương về phúc lợi xã hội tại quốc gia Nam Mỹ này. Trong 2 năm qua, nền kinh tế Venezuela trên đà đi xuống một cách báo động, tỷ lệ lạm phát cao nhất thế giới (theo nhiều nguồn ước tính từ 180-450%), suy thoái nghiêm trọng nhất tại Mỹ Latinh (GDP dự kiến giảm 8% năm nay) và khủng hoảng thiếu lương thực, dược phẩm và điện năng.
 
Ngoài các siêu thị, người dân buộc phải xếp hàng ít nhất 5 giờ đồng hồ, thậm chí tới 10 giờ đồng hồ chỉ để chờ đến lượt mua nhu yếu phẩm chẳng hạn như bột ngô, sữa và… giấy vệ sinh. Nhiều thành phố lâm vào cảnh “dở khóc dở cười” vì mất điện liên miên. Lao động trong khu vực công giờ chỉ làm việc 2 ngày mỗi tuần để tiết kiệm năng lượng.
 
Cũng chẳng một ai dám quả quyết rằng hiện chỉ tầng lớp trung lưu trong nước đang nổi giận. Không ít cuộc biểu tình diễn ra rải rác trong những tháng qua tại các khu vực nghèo khổ, nơi tình trạng thiếu thốn lương thực, nước sạch, điện và thuốc men cũng khiến người dân rơi vào hố sâu tuyệt vọng.
 
Ông David Smilde, thuộc văn phòng Washington phụ trách vấn đề Mỹ Latinh nhận định: “Những cuộc biểu tình kiểu này của người nghèo thực sự là hiện tượng mới gặp. Phe đối lập luôn quả quyết rằng chúng vốn có từ trước, nhưng khi người ta trao đổi với nhóm người biểu tình, họ đều thuộc tầng lớp trung lưu. Còn giờ đây, chính người nghèo mới phải gánh chịu nhiều ảnh hưởng nhất”. 
 
Tình hình hiện nay được cho là còn “khó chịu” hơn năm 2014, khi mọi chuyện đang dần đi quá xa đến mức chính phủ khó bề che đậy. Và có quá nhiều khả năng để khiến chuyện này bùng phát và lan rộng hơn trong xã hội vốn dĩ đã bất ổn này.
 
Nhà lãnh đạo này giờ đang nắm quyền bằng các biện pháp trấn áp ngày càng mạnh tay. Hồi tuần trước, ông đã ban bố tình trạng khẩn cấp trong 60 ngày. Vấp phải phản ứng từ Quốc hội, hiện ông lại đưa ra các sắc lệnh để điều hành đất nước. Khác với cách ông Chávez đối diện và vượt qua cuộc trưng cầu bãi nhiệm, ông Maduro thiếu sự tự tin khi phải đối mặt với cuộc bỏ phiếu.
 
 
Ông Nicolás Maduro trong cuộc họp báo tại dinh tổng thống ở Caracas. Ảnh: EPA.
Phe đối lập khẳng định đã thu thập gấp 9 lần con số 200.000 chữ ký cần thiết để tiến hành bỏ phiếu thu hồi chức vụ. Tuy nhiên, Ủy ban bầu cử và Tòa án tối cao đang tìm cách “câu giờ” khi nói rằng còn nhiều nghi ngờ về tính xác thực của các chữ ký trên. 
 
Các nhà lãnh đạo chính phủ không hề giấu diếm khát khao dẹp yên làn sóng kiến nghị, như Phó Tổng thống Aristobulo Isturiz hồi đầu tuần khẳng định: “Ông Maduro sẽ không thể bị lật đổ bởi một cuộc trưng cầu ý dân bởi sẽ chẳng có cuộc trưng cầu nào diễn ra cả”.
 
Thời gian đang đứng về phía họ. Nếu không có cuộc trưng cầu nào trước thời điểm 10/1 năm tới, tức giữa nhiệm kỳ 6 năm của ông Maduro, thì sẽ chẳng có cuộc bầu cử sớm nào cả. Thay vào đó, ông Isturiz sẽ lên nắm quyền nếu ông Maduro bị miễn chức.
 
Khi mà thời hạn trên đang đến gần, căng thẳng cũng được đẩy lên cao. Lãnh đạo phe đối lập Henrique Capriles nhấn mạnh sự cấp bách phải có một cuộc trưng cầu ý dân để “tránh xảy ra bất ổn xã hội”, song ông này cũng kêu gọi quân đội chọn lựa đứng về một phe.
 
Bất chấp những đồn đoán thường được gán với các nguồn tình báo giấu tên của Mỹ về một cuộc đảo chính quân đội đang ngấm ngầm chuẩn bị, đến nay các lực lượng an ninh vẫn trung thành với Tổng thống. Họ cũng tỏ ra tinh vi hơn trong các kỹ thuật của mình.
 
Trước các cuộc biểu tình hôm 18/5, lực lượng này đã cho đóng cửa một số ga tàu điện ngầm gần các điểm tập trung lực lượng nhất, khiến cho những người phản đối khó đến được địa điểm biểu tình hơn.
 
Dù những sự thiếu hụt tại quốc gia Nam Mỹ đang khiến người dân ngày càng tuyệt vọng, song đáng chú ý nhiều khả năng sẽ không có thêm các cuộc biểu tình. Nhiều nhà quan sát khẳng định họ lấy làm ấn tượng trước sự kiên nhẫn của người dân Venezuela trong tình cảnh tai ương hiện nay. Tuy nhiên, nhiều người lại cảm thấy rằng lòng kiên nhẫn này sẽ chỉ có giới hạn nhất định chứ không thể dài hơi hơn. Bởi lẽ tình hình đã trở nên quá đỗi mong manh, khi người dân trở nên vô vọng, lựa chọn còn lại chỉ là thay đổi hay hỗn loạn mà thôi.
 
Phú Bình
(Theo Guardian)