Mỹ muốn Netanyahu tái cử?

Trên thực tế, việc thành lập liên minh phòng thủ giữa Mỹ và Israel không phải là một bước tiến lớn, vì các thỏa thuận hiện có giữa 2 nước đã quy định Washington phải bảo vệ Tel Aviv trong trường hợp có chiến tranh. Hơn nữa Israel là quốc gia nhận nhiều viện trợ kinh tế quân sự nhất từ Mỹ.

Trung bình mỗi năm Mỹ viện trợ trực tiếp cho Israel chừng 3 tỉ USD. Với dân số chỉ hơn 6 triệu người, mức viện trợ như vậy tính ra mỗi người dân Israel được hưởng gần 500 USD/năm.

anh_1__my_israel8283471_1592019.jpgÔng Benjamin Netanyahu (trái) nằm trong số ít các nhà lãnh đạo trên thế giới duy trì mối quan hệ hữu hảo và thân tình với Tổng thống Doanald Trump. Ảnh: Getty

Israel cũng nhận sự “ưu ái” nhiều hơn từ Mỹ chẳng hạn như tài trợ cho Israel trong việc chế tạo các loại vũ khí tối tân, được tham khảo bản vẽ các loại vũ khí mới, ưu tiên bàn giao hợp đồng vũ khí sớm…. Nói cách khác, dù chưa ký liên minh phòng thủ với Mỹ nhưng Israel đã hưởng nhiều ưu đãi bằng hoặc hơn các nước đã ký kết. 

Ngoài NATO và Hiệp ước Rio với các nước Mỹ Latinh, Mỹ mới ký hiệp ước phòng thủ chung với Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines, và Australia và New Zealand.

Ý tưởng về một hiệp ước phòng thủ chung Mỹ - Israel đã từng được đề cập ở các đời Tổng thống Mỹ trước đây và được xác định là không cần thiết. Vậy tại sao Tổng thống Donal Trump muốn ký hiệp ước này? 

Thứ nhất, quan hệ đồng minh giữa Washington và Tel Aviv được đánh giá là thân thiết hơn bao giờ hết dưới thời Tổng thống Trump. Một hiệp ước quân sự chung chính thức với Israel nếu được ký kết sẽ là biểu tượng đầy ý nghĩa cho mối quan hệ nồng ấm giữa hai nước và cá nhân Tổng thống Trump với Thủ tướng Benjamin Netanyahu. Như thế, cả trên lý thuyết lẫn thực tiễn, liên minh Mỹ - Israel sẽ trở nên gắn kết và mạnh mẽ nhất. 

Thứ hai, việc Tổng thống Trump thông báo về ý định ký hiệp ước với Israel chỉ 3 ngày trước cuộc tổng tuyển cử ở nước này cho thấy rõ ràng nhà lãnh đạo Mỹ muốn ông Netanyahu tái cử.

 

Sau cuộc điện đàm với nhà lãnh đạo Israel, ông Trump viết trên Twiter: “Tôi mong chờ sự thảo luận thêm sau cuộc bầu cử của Israel và khi chúng tôi gặp nhau ở Liên hợp quốc trong tháng này”. Viễn cảnh đó chẳng khác nào ông Trump đặt niềm tin tưởng chắc nịch, ông Benjamin Netanyahu sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử ngày 17/9, tiếp tục giữ chức Thủ tướng và đến Mỹ dự họp của Liên hợp quốc. 

Xét trên nhiều khía cạnh, việc ông Netanyahu tái cử mang lại nhiều thuận lợi cho ông Trump. Về cá nhân, ông Netanyahu nằm trong số ít các nhà lãnh đạo trên thế giới duy trì mối quan hệ hữu hảo và thân tình với Tổng thống Doanald Trump. Dưới thời thủ tướng 69 tuổi này, Israel được xem là đồng minh “trung thành” giúp Mỹ duy trì sự hiện diện về quân sự và tầm ảnh hưởng về chính trị ở Trung Đông, nhất là trong việc đối phó với Iran. 

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu trong cuộc vận động tranh cử ở Jerusalem. Ảnh: EPA

Nếu đối thủ của ông Netanyahu chiến thắng, rất có thể Mỹ sẽ gặp nhiều trắc trở trong việc triển khai kế hoạch hòa bình Trung Đông - một “thỏa thuận thế kỷ” - dự kiến sẽ công bố trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, việc thể hiện mối quan tâm sâu sắc đến an ninh Israel sẽ giúp ông Trump giành được sự ủng hộ của các cử tri Mỹ gốc Do Thái trong cuộc bầu cử Tổng thống vào năm sau. Chiến thắng của ông Trump năm 2016 nhờ 1 phần sự ủng hộ của lực lượng cử tri như vậy.

Vì thế, tuyên bố mới nhất về hiệp ước phòng thủ chung với Israel lần này cũng có thể coi là nỗ lực “tiếp sức” từ Washington để ông Netanyahu tái đắc cử. 

Món quà nhiều ý nghĩa

Đối với Thủ tướng Israel Netanyahu, cuộc bầu cử sắp tới được cho là sẽ quyết định vận mệnh chính trị của ông. Sau cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 3 vừa qua, dù tuyên bố đã giành chiến thắng nhưng ông Netanyahu không thể thành lập được chính phủ mới trong vòng 42 ngày và buộc phải giải tán Quốc hội để tổ chức tổng tuyển cử lại.

Nếu Đảng của ông để thua trong cuộc bầu cử lần này, ông Netanyahu sẽ phải rời khỏi chính trường. Điều này không chỉ là một thất bại chính trị mà còn có nguy cơ khiến ông phải đối mặt với các vụ kiện tụng vì những cáo buộc gian dối và nhận hối lộ.

Trước thềm cuộc bầu cử quan trọng này, nhiều cuộc thăm dò cho thấy, Đảng Likud của ông Netanyahu gặp nhiều bất lợi khi đối thủ “nặng ký” là đảng trung dung Xanh - Trắng do cựu Tham mưu trưởng quân đội Benny Gantz đứng đầu đang giành sự ủng hộ sít sao. 

Với thực tế “sống còn” như vậy, trong cuộc tranh cử lần này, ông Netanyahu đang nỗ lực tung mọi “lá bài” nhằm giành lợi thế. Cách đây mấy ngày ông tuyên bố sẽ sáp nhập Thung lũng Jordan vào lãnh thổ Israel nếu tái đắc cử.

Quân đội Mỹ và Israel tập trận chung ở miền Nam Israel tháng 12/2018. Ảnh: Reuters

Động thái này vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế, nhất là Palestines và thế giới Arab nhưng lại làm hài lòng lực lượng cánh hữu của Israel. Trước đó, ông Netanyahu không ngừng vận động để chính quyền Mỹ ký hiệp ước phòng thủ chung với Israel. Và nay, với cam kết của Tổng thống Donald Trump, ông Netanyahu chẳng khác nào nhận được “món quà” đúng lúc. 

Trên thực tế, không phải người Israel nào cũng hoan nghênh thỏa thuận quốc phòng chung với Mỹ. Đối thủ của ông Netanyahu là Benny Gantz chỉ trích đó là “ý định sai lầm” có thể gây rắc rối cho vấn đề chủ quyền của Israel.

Tuy nhiên, phần đông người bảo thủ và cực hữu ở Irael lại mong chờ thỏa thuận này, giúp củng cố cho lợi ích của quốc gia Do Thái ở Trung Đông, đặc biệt trong bối cảnh Iran nhiều lần đánh tiếng sẽ trở lại việc nghiên cứu và phát triển hạt nhân. 

Một khi thỏa thuận được ký kết, Israel sẽ nhận được sự bảo vệ an ninh một cách tối đa ở Trung Đông. Tất nhiên, tuyên bố của Tổng thống Mỹ cũng chỉ ra điều kiện rõ ràng rằng, một khi ông Netanyahu tái cử, Mỹ mới thảo luận chính thức vấn đề này.

Thế nên, dù mới chỉ là tuyên bố, một thông báo về hiệp ước phòng thủ Mỹ - Israel trước mắt sẽ giúp ông Netanyahu thêm khả năng tái cử một nhiệm kỳ nữa. Nếu những kịch bản này trở thành hiện thực, Trung Đông sẽ còn nhiều xáo trộn và bất ngờ được quyết định bởi “cặp đôi” lãnh đạo Trump - Netanyahu./.