Ban đầu, thị trường hoan nghênh thỏa thuận này, song tinh thần lạc quan này chỉ kéo dài trong thời gian ngắn. Một số tiếng nói ở cả Bắc Kinh và Washington và ngay trong Nhà Trắng cho rằng cả hai bên sẽ không thể tìm ra điểm chung trong thời hạn 90 ngày, đồng thời dấy lên lo ngại cuộc chiến thuế quan có thể làm chậm nền kinh tế toàn cầu.
Theo ông Adam Triggs, có nhiều lý do để không thích thỏa thuận hơn là lý do khung thời gian hạn hẹp. Chuyên gia này chia sẻ: "Thỏa thuận là một sai lầm bởi nó làm suy yếu hệ thống thương mại toàn cầu, sẽ làm chệch hướng thương mại của các quốc gia khác và sẽ không giảm thâm hụt thương mại Mỹ. Đây cũng là sai lầm bởi đang tồn tại các vấn đề thực chất trong hệ thống thương mại mà hội nghị G20 đáng nhẽ cần thảo luận".
Ông Triggs nhận định, một tổ chức đa quốc gia như G20 cần được tận dụng để thống nhất một thỏa thuận đa phương về các vấn đề như sự cần thiết phải dỡ bỏ hàng rào thuế quan cho tới hoạt động giao dịch dịch vụ.
Ông nói: "Sự tập trung liên tục của Tổng thống Trump đối với các thỏa thuận song phương làm sao nhãng G20 khỏi các vấn đề thực sự, bởi các vấn đề này chỉ có thể được giải quyết một cách đa phương chứ không phải song phương".
Theo ông Triggs, nếu Tổng thống Trump muốn Chủ tịch Tập Cận Bình giải quyết thông lệ thương mại thiếu công bằng của Trung Quốc, thì ông ấy nên phối hợp chặt chẽ với các đồng minh khác của Mỹ để đương đầu với Bắc Kinh với tư cách là một liên minh.
Ngoài ra, một trong những lời chỉ trích mà giới chuyên gia đưa ra liên quan tới thỏa thuận Mỹ-Trung hồi cuối tuần qua đó là không có các nhượng bộ cụ thể.
Phó Giáo sư Stephen Nagy thuộc Trường Đại học Công giáo Quốc tế tại Tokyo nhận xét, lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc hứng thú với thỏa thuận này là để bù đắp những sức ép trong nước mà họ đang phải đối mặt, khi mà cuộc chiến thương mại tăng nhiệt.
Theo ông Nagy, động lực của chính quyền Tổng thống Trump mang tính "chiến thuật" hơn với việc ông Trump cố gắng "giành lợi thế chính trị khi các lực lượng đối lập gia tăng trong vòng vài tháng qua".
Trong khi đó, Trung Quốc có mục tiêu dài hạn hơn, đó là nước này nỗ lực điều chỉnh chiến lược để đối phó tốt hơn với sức ép từ Mỹ trong tương lai. Ông Nagy còn nhận định, sau 90 ngày tạm đình chiến, căng thẳng thương mại sẽ tiếp tục và thậm chí còn sâu sắc thêm./.