Tuy nhiên, theo AP, chỉ 2 tuần sau khi nhậm chức và theo đuổi đường lối “tự mình hành động” mà không thông qua Quốc hội và Tòa án này, ông Trump đã vấp phải nhiều thách thức từ hệ thống “kiểm soát và cân bằng quyền lực” của nước Mỹ.

Cuộc chiến pháp lý liên quan đến sắc lệnh cấm người nhập cư vào Mỹ của ông Trump chính là một “bằng chứng rất sớm và rõ rệt” về một bài học mà tất cả những người tiền nhiệm của ông Trump đều phải ngộ ra.

Đó là, việc quản lý đất nước theo mệnh lệnh hành chính có thể dễ dàng và nhanh chóng hơn nhưng vẫn có thể kèm theo những rủi ro về mặt pháp lý và chính trị.

image_2411226.jpgTổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters

Bài học từ chính Tổng thống Barack Obama

Chính Tổng thống Obama cũng từng phải đối mặt với những thách thức từ Hạ viện do Đảng Cộng hòa kiểm soát trong nhiệm kỳ thứ 2 của ông. Để vượt qua những rào cản của Đảng Cộng hòa, ông Obama đã thực hiện chính thuật mà ông gọi là “cây bút và chiếc điện thoại” để đẩy nhanh việc hiện thực hóa chính sách của mình.

Tuy nhiên, sau đó, chính ông Obama đã phải chấp nhận rằng, chính sách nới lỏng việc đưa người tị nạn ra khỏi Mỹ đã bị Tòa án nước này ngăn chặn và Đảng Cộng hòa chỉ trích ông là “đã lạm quyền”. Chủ tịch Hạ viện Mỹ tại thời điểm đó là John Boehner đã cáo buộc ông Obama đã hành xử “như một vị vua hoặc một hoàng đế”.

Ngược lại, các thành viên Đảng Cộng hòa đã “hoàn toàn im lặng” khi ông Trump tiến hành các bước đi tương tự với ông Obama nhưng với một chính sách hoàn toàn ngược với ông Obama.

Tuy nhiên, sự ủng hộ của Đảng Cộng hòa hiện đang kiểm soát cả 2 viện trong Quốc hội Mỹ cũng không ngăn được một thẩm phán liên bang tại Seattle ra phán quyết dừng sắc lệnh cấm người nhập cư, đặc biệt là từ 7 quốc gia Hồi giáo, của ông Trump.

Dù đã tuyên bố sẽ kháng án, nhưng chính quyền của ông Trump tiếp tục vấp phải một thách thức không nhỏ khi Tòa Phúc thẩm số 9 tiếp tục bác yêu cầu của Chính phủ Mỹ trong việc cho phép khôi phục ngay lập tức lệnh cấm của ông Trump.

Ông Trump không phải là Tổng thống duy nhất muốn tối đa hóa sức mạnh hành pháp của mình. Hầu hết các Tổng thống Mỹ đều không muốn quyền lực của mình bị giới hạn và thường tiến hành một loạt hành động đơn phương để thúc đẩy các chính sách của mình và gây sức ép với Quốc hội để tạo dấu ấn cá nhân.

“Vượt mặt” cả Đảng Cộng hòa

Dù vậy, với những gì đang diễn ra hiện nay, có thể thấy ông Trump đang phải dựa vào Đảng Cộng hòa hiện đang chiếm đa số trong Quốc hội Mỹ để có thể nhanh chóng thực thi việc dừng Dự luật chăm sóc y tế toàn diện Obamacare, thay đổi luật thuế và nâng cấp cơ sở hạ tầng tại Mỹ.

Tổng thống Trump cũng tận dụng sự ủng hộ của Đảng Cộng hòa để ngay lập tức ký thông qua một loạt những sắc lệnh liên quan đến việc bảo đảm an ninh biên giới, chăm sóc y tế và các quy định về tài chính và vẫn không có dấu hiệu gì cho thấy ông Trump sẽ giảm dần tốc độ ký thông qua các sắc lệnh mới.

Gần đây nhất, chính quyền của ông Trump đã tuyên bố áp đặt một loạt các lệnh trừng phạt nhằm vào các công ty và cá nhân tại Iran để đáp lại việc nước này tiến hành thử tên lửa đạn đạo. Lệnh trừng phạt này được ông Trump đưa ra sau khi ông nhiều lần chỉ trích ông Obama về thỏa thuận hạt nhân lịch sử giữa Iran và nhóm P5+1 mà Mỹ là một thành viên.

Thậm chí, ông Trump còn đi xa hơn nữa khi tìm cách “vượt mặt” cả Đảng Cộng hòa trong một số vấn đề quan trọng cần có sự thông qua của Quốc hội Mỹ. Ông Trump không ngần ngại bỏ qua việc tham vấn các quan chức Đảng Cộng hòa để “bắt tay ngay” vào việc thực hiện kế hoạch của mình.

“Tôi cho rằng, ông Trump đã quá quyết liệt trong việc thực hiện những gì ông ấy muốn làm và vội vã đưa ra những sắc lệnh mà lẽ ra cần phải có sự xem xét và cân nhắc của Quốc hội Mỹ”, Giáo sư Kenneth Mayer tại Đại học Wisconsin chuyên nghiên cứu về các sắc lệnh hành chính của Tổng thống, nhận định.

Những hệ lụy được dự báo trước

Đảng Dân chủ cũng đã liên tục chỉ trích dữ dội các đề xuất của ông Trump như cải cách dịch vụ chăm sóc y tế, tiến hành thực hiện dự án xây dựng đường ống dẫn dầu và xây tường dọc biên giới Mỹ-Mexico.

Chiến lược gia của Đảng Dân chủ Steve Elmendorf tuyên bố: “Những gì ông ấy đang làm là rất đáng bị chỉ trích. Cách thức hành xử “tự ý” của ông Trump đã khiến sự chia rẽ giữa 2 Đảng Dân chủ và Cộng hòa càng thêm sâu rộng và khiến Đảng Dân chủ khó có thể hợp tác với ông Trump trong một số vấn đề”.

Không chỉ có Đảng Dân chủ mà cả các thành viên Đảng Cộng hòa cũng không mấy mặn mà với việc ông Trump “tự tách rời bản thân” khỏi Đảng Cộng hòa, đặc biệt là trong vấn đề nhập cư.

Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Lindsey Graham cho rằng, ông Trump đã “không suy nghĩ thấu đáo” khi công bố sắc lệnh cấm người nhập cư” và cho rằng “đây là ví dụ kinh điển về việc một Tổng thống công bố một sắc lệnh quan trọng vào thời điểm không phù hợp”.

Tuy nhiên, ông Graham cho rằng, khởi đầu đầy chông gai của ông Trump vẫn “chưa là gì” so với những gì mà ông Obama phải trải qua vào cuối nhiệm kỳ của mình khi ông Obama liên tục bị Tòa án Liên bang ngăn chặn các sắc lệnh hành chính về vấn đề người nhập cư và chính sách chăm sóc y tế.

“Hãy xem ông Obama đã phải trải qua những gì. Các sắc lệnh hành chính của ông ấy bị Tòa bãi bỏ. Tôi sẽ không đếm xỉa gì đến những gì mà các nghị sĩ Đảng Dân chủ than phiền về ông Trump khi trước đó chính họ đã chọn cách “đứng ngoài cuộc” và không làm gì để giúp ông Obama cả”, ông Graham nói./.

Theo VOV

TIN LIÊN QUAN