Nhà lãnh đạo của Nga cho rằng các biện pháp trừng phạt thêm nữa đối với Triều Tiên cũng không ngăn được chương trình hạt nhân của nước này.
"Dân Triều Tiên sẽ ăn cả cỏ chứ sẽ không từ bỏ chương trình phát triển hạt nhân nếu không cảm thấy an toàn", tổng thống Nga Vladimir Putin lên tiếng đánh giá về các giải pháp trừng phạt đang được thúc đẩy ở Hội đồng Bảo an LHQ.
Theo trang Sputnik của Nga, trong cuộc họp báo tại TP Hạ Môn (Trung Quốc) khi dự hội nghị thượng đỉnh các quốc gia mới nổi (nhóm BRICS), nhà lãnh đạo của Nga chất vấn lại các nhà báo: "Thế quí vị nghĩ rằng nếu áp đặt các biện pháp trừng phạt thì Triều Tiên sẽ từ bỏ mục tiêu đã ấn định à, sẽ từ bỏ việc chế tạo vũ khí hủy diệt hàng loạt à?".
Ông nhấn mạnh về việc Bình Nhưỡng hẳn hiểu rõ số phận của nhà lãnh đạo Iraq Saddam Hussein - người bị treo cổ sau khi chính quyền của ông thất thủ vì cuộc tấn công do Mỹ dẫn dắt nhằm tìm kiếm vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Sau vụ thử hạt nhân lần thứ 6 của Bình Nhưỡng, Matxcơva cũng đã lên án hành động của Triều Tiên nhưng vẫn giữ quan điểm tìm kiếm giải pháp cho bán đảo Triều Tiên thông qua con đường ngoại giao và đối thoại.
Từ Trung Quốc, tổng thống Nga cảnh báo: "Việc gây cơn sốt như lên đồng về các giải pháp quân sự sẽ chẳng đưa đến điều gì tốt đẹp. Tất cả chỉ dẫn đến thảm họa toàn cầu với thiệt hại nhân mạng rất lớn".
Lời cảnh báo này rõ ràng muốn nhắm đến những phát ngôn từ Mỹ về việc "các giải pháp, gồm cả quân sự, đã được đặt trên bàn làm việc" và sẵn sàng dùng đến năng lực hạt nhân để bảo vệ hai đồng minh ở Đông Á.
Ngay cả các giải pháp tăng thêm trừng phạt nhằm "cô lập hoàn toàn" Triều Tiên mà Hàn Quốc và Nhật ra sức vận động cũng bị ông Putin cho rằng "vô ích và không hiệu quả".
"Chẳng có giải pháp nào khác cho vấn đề hạt nhân của Triều Tiên ngoài giải pháp hòa bình và ngoại giao", nhà lãnh đạo của Điện Kremlin nhấn mạnh.
Một cuộc chiến mới ở Đông Bắc Á, nếu xảy ra, hậu quả sẽ tác động tới cả thế giới về cả chính trị lẫn kinh tế. Theo tính toán của các chuyên gia được trang mạng CNBC đăng tải ngày 4-9, có tới 40% giá trị của nền kinh tế sẽ chịu tác động trực tiếp nếu chiến tranh Triều Tiên bùng nổ.
Đặc biệt, mở rộng chiến tranh ra cả Đông Bắc Á (bên cạnh các chiến trường ở Trung Đông và Tây Nam Á) sẽ càng khiến tình hình tài chính của nước Mỹ bị suy yếu.
Cho đến nay, Trung Quốc và Nga luôn phản đối việc Mỹ sử dụng sức mạnh quân sự chống lại Triều Tiên. Cả Matxcơva và Bắc Kinh đều đề xuất phương án "cùng ngừng" để giải quyết cuộc khủng hoảng, trong đó Mỹ và Hàn Quốc phải chấm dứt các cuộc tập trận chung ở Hàn Quốc để đổi lấy việc Triều Tiên ngừng thử tên lửa, hạt nhân, tuy nhiên Washington kiên quyết bác bỏ.