Chuyến công du lần thứ 2 của ông Macron đến Trung Quốc bắt đầu từ ngày 4/11 được cho là chuyến đi mang nặng trọng trách không chỉ bảo vệ lợi ích của Pháp mà của cả châu Âu. Không chỉ tìm kiếm các thỏa thuận hợp tác thương mại song phương, Tổng thống Macron còn muốn sự đảm bảo rằng, châu Âu sẽ không trở thành kẻ thua cuộc và chịu thiệt hại nặng nề từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung!
Biến thách thức thành cơ hội
Suốt thời gian cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung diễn ra, không chỉ Pháp mà giới lãnh đạo châu Âu luôn trong trạng trái nơm nớp lo âu, rằng khối này sẽ trở thành đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề hàng đầu. Trước một Tổng thống Donald Trump với chính sách “Nước Mỹ trên hết”, châu Âu hiểu rằng, kể cả với các nước đồng minh thì ông Trump cũng chẳng e dè. Đặc biệt là đặt trong trường hợp, một thỏa thuận thương mại nếu có đạt được giữa Mỹ và Trung Quốc vào thời gian tới thì trong đó, các lợi ích của châu Âu cũng sẽ không hề được tính tới.
Bởi thế, thay bằng tâm trạng lo sợ, các nước châu Âu đã ngầm biến căng thẳng Mỹ - Trung trở thành những cơ hội để mở rộng hợp tác với Trung Quốc. Pháp với vai trò là một trong những đầu tàu của châu Âu đang tích cực hiện thực hóa chiến lược này. Chuyến thăm Trung Quốc lần này của Tổng thống Pháp Macron cũng bao trùm các mục tiêu và động lực hợp tác kinh tế - thương mại. Phái đoàn tháp tùng Tổng thống Macron lần này là 30 doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực.
Điểm đến đáng chú ý là Tổng thống Macron sẽ tham dự Hội chợ nhập khẩu quốc tế Trung Quốc tại Thượng Hải. Hội chợ thu hút 63 quốc gia và hơn 3.000 công ty của khoảng 150 nước và vùng lãnh thổ tham gia. Đây sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp Pháp tìm kiếm các hợp đồng với các đối tác phù hợp.
Bên cạnh đó, dự kiến Pháp và Trung Quốc cũng sẽ ký kết khoảng 30 - 40 thỏa thuận hợp tác trong hàng loạt vấn đề, từ kinh tế - thương mại đến nông nghiệp, du lịch, năng lượng, hàng không, y tế… Hiện nay, Trung Quốc đang là thị trường xuất khẩu lớn thứ 7 và thị trường nhập khẩu lớn thứ 2 của Pháp.
Hai bên cũng lạc quan về việc đạt được Hiệp định đầu tư Trung Quốc - EU thông qua đàm phán. Chắc hẳn dư luận còn nhớ, Tổng thống Macron vốn đóng vai trò chính trong việc soạn thảo chiến lược mới của Liên minh châu Âu về Trung Quốc. Ông Macron cũng từng có bài phát biểu đáng chú ý tại thành phố Tây An hồi năm 2018, trong đó khẳng định cách tiếp cận thị trường châu Âu của Bắc Binh thông qua sáng kiến “Vành đai, Con đường” không thể là “con đường một chiều”.
Vì thế, tại Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc - Liên minh châu Âu lần thứ 21 tổ chức tại Brussels (Bỉ) hồi tháng 4 năm nay, hai bên đã ra Tuyên bố chung với cam kết sẽ đạt tiến triển mang tính quyết định cần thiết để đạt được Hiệp định đầu tư Trung Quốc - EU với trình độ cao hơn vào năm 2020. Với cá nhân Tổng thống Pháp, ông Macron từng được nhận định là có chính sách ngoại giao thực dụng trong mối quan hệ Trung Quốc - EU. Bất chấp là đồng minh của Mỹ nhưng Pháp muốn thắt chặt quan hệ với Bắc Kinh, từ đó tạo sân chơi bình đẳng hơn cho các doanh nghiệp châu Âu tại Trung Quốc. Thể hiện là thời gian qua, đã không ít lần Pháp kêu gọi Bắc Kinh mở cửa hơn nữa thị trường trong đó trọng tâm là minh bạch hóa và chấm dứt trợ cấp không công bằng cho các doanh nghiệp trong nước.
Pháp có ngây thơ?
Nếu như Pháp tìm kiếm các thỏa thuận hợp tác song phương, nâng cao vị thế chính trị và khẳng định một châu Âu đoàn kết trong “mớ hỗn độn” của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung thì Bắc Kinh cũng có những mục tiêu chiến lược riêng. Sự đón tiếp trọng thị, một bữa ăn tối riêng tư cùng cuộc gặp giữa Tổng thống Pháp và Chủ tịch Tập Cận Bình trong chuyến thăm lần này đang báo hiệu một vị trí quan trọng mà Bắc Kinh dành cho Paris. Rõ ràng, đa dạng hóa các mối quan hệ hợp tác là cách mà Trung Quốc đã và đang xúc tiến để hạn chế tối đa các thiệt hại do cuộc chiến thương mại với Mỹ gây ra. Bắc Kinh cũng muốn thông qua Pháp để thực hiện cam kết đối với chủ nghĩa đa phương và gửi thông điệp đến chính sách “Nước Mỹ trên hết” của Tổng thống Donald Trump…
Thế nhưng, Tổng thống Macron cũng cần nhìn nhận thực tế rằng, cho đến nay, nhiều ngành công nghệ cao liên quan lĩnh vực quốc phòng của Pháp vẫn còn bị giới hạn hợp tác do lệnh cấm vận vũ khí của EU áp đặt vào Trung Quốc kể từ năm 1989.
Chưa hết, rất nhiều doanh nghiệp Pháp và cả châu Âu do điều kiện khó khăn tại Trung Quốc đã buộc phải rút chân khỏi thị trường châu Á rộng lớn này. Cũng có một thực tế khác, các chuyên gia còn nhận định, Pháp còn đang phải cẩn trọng với một cuộc “tấn công về công nghệ” của Trung Quốc nhằm chiếm lĩnh ngôi vị hàng đầu về công nghệ mà Mỹ đang nắm giữ. Thậm chí theo nhiều nguồn tin, tình báo Pháp những năm gần đây đã phát hiện nhiều trường hợp gián điệp, tin tặc tại các tập đoàn lớn của Pháp là có nguồn gốc hoặc liên quan đến Trung Quốc…
Với những thực tế và rào cản này, giới chuyên gia nhận định, ngoài các vấn đề chính là hợp tác thương mại và kinh tế hoặc một vài thỏa thuận nhỏ khác, dư luận có lẽ không nên quá chờ đợi vào kết quả chuyến thăm Trung Quốc lần này của Tổng thống Pháp Macron. Bởi chắc chắn, hai bên sẽ vì mối bận tâm chung là kinh tế - thương mại mà “né” loạt vấn đề như nhân quyền, quân sự hay tin tặc…
Thế nhưng cũng có ý kiến khác lại bình luận, Pháp và châu Âu dường như vẫn quá “ngây thơ” khi cho rằng, Trung Quốc có thể toàn tâm toàn ý hợp tác để chống lại Mỹ. Dù Tổng thống Macron trong một tuyên bố khẳng định, Pháp và châu Âu biết cần phải làm gì trong mối quan hệ với Trung Quốc chứ không “ngây thơ” như người ta nghĩ.
Nhưng rõ ràng, lợi ích quốc gia và chính sách ngoại giao thực dụng của Pháp sẽ cần có thời gian để chứng thực kết quả. Ít nhất là cho đến khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung dần đi đến hồi kết!