(Baonghean) - Những ngày gần đây, khi mọi quan tâm đều đổ dồn về cuộc khủng hoảng đang diễn ra tại Hy Lạp, nhưng bên cạnh đó cũng đã diễn ra một sự kiện không kém phần đáng chú ý. Hồi đầu tuần, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tổ chức một buổi họp báo tại Lầu Năm Góc, được đánh giá là có ý nghĩa lớn đối với di sản của ông trước khi kết thúc nhiệm kỳ vào năm sau. Điều quan trọng không nằm ở những điều vị tổng thống này đã phát biểu, mà lại ở những điều ông không đề cập đến: đó là hầu như không có cơ hội tiêu diệt Nhà nước Hồi giáo (IS) trong tương lai gần. Thay vào đó, Tổng thống Obama đã nhấn mạnh rằng cuộc chiến chống lại tổ chức của lực lượng nổi loạn Hồi giáo dòng Sunni sẽ “lâu dài” và kinh nghiệm cho thấy lực lượng này chỉ có thể “bị làm cho suy yếu” bằng các lực lượng bộ binh địa phương hoạt động hiệu quả.
 
images1189161_640x_1__1_.jpgTổng thống Barack Obama tại buổi họp báo ở Lầu Năm Góc hồi đầu tuần. Ảnh: Bloomberg.
Trên thực tế, Obama đã thừa nhận rằng cho đến khi ông rời nhiệm sở, IS vẫn sẽ còn tồn tại. Và ông phát tín hiệu rằng mục tiêu thực sự của ông hiện nay là giữ không để lực lượng chiến binh thánh chiến này tiến vào Baghdad trước khi nhiệm kỳ tổng thống của ông kết thúc. Đây hẳn không phải nội dung gì xa lạ, về cơ bản đó chính là chiến lược mà Mỹ đã áp dụng đối với lực lượng Taliban tại Afghanistan. Chắc chắn Obama nghĩ rằng khả năng giành chiến thắng trong cuộc chiến chống IS không nhiều gì so với khả năng đánh bại Taliban - nhưng dù sao ông cũng không muốn bại trong bất cứ trận chiến nào.
 
Thế nên người ta mới đặt câu hỏi tại sao Obama còn tổ chức họp báo tại Lầu Năm Góc về IS làm gì nếu ông gần như chẳng có gì để nói ngoài chuyện Mỹ ủng hộ kế hoạch tái chiếm Ramadi của Iraq?
 
Câu trả lời là ông đang tìm cách để thực hiện 2 vấn đề không tương thích. Thứ nhất, ông muốn khiến tình hình có vẻ như là Mỹ và Iraq sở hữu một chiến lược phối hợp để chống IS.
 
7 tháng trước, Lầu Năm Góc muốn Iraq tập trung chiếm lại thành phố có tầm quan trọng đặc biệt về mặt chiến lược là Mosul. Tuy nhiên, người Iraq lại muốn dành sự chú ý cho Ramadi, tuy không mang nhiều ý nghĩa quân sự, nhưng giữ vai trò then chốt về chính trị - thủ phủ tỉnh Anbar của người Sunni. Nếu Ramadi vẫn nằm trong tay IS, Iraq sẽ ngày càng giống với một nhà nước của người Shiite, và điều này rõ ràng gây tổn hại cho tính chính danh của Chính quyền Baghdad.
 
Do Iraq phải trang bị cho các lực lượng trên bộ để thực hiện kế hoạch tái chiếm, đàm phán này có phần chỉ mang tính đơn chiều. Thêm vào đó, nếu Mỹ từ chối hỗ trợ về không quân, những nỗ lực chống IS khó tránh khỏi thất bại, và điều này cũng có tác động rất xấu đến Obama. Chắc hẳn Bộ Ngoại giao đã thuyết phục Obama nỗ lực hết sức trong bối cảnh bất lợi và chấp thuận với Iraq về việc tái chiếm Ramadi trước. Việc xác nhận đường hướng này tại Lầu Năm Góc cũng phát đi tín hiệu rằng quân đội hiện đang chuẩn bị sẵn sàng tham gia.
 
Thứ 2, điều mâu thuẫn Obama cố gắng làm hồi đầu tuần là hạ thấp những kỳ vọng đối với cuộc chiến chống IS - và đẩy trách nhiệm trước thất bại sang cho Iraq. Obama đã nói rõ rằng sự thành công tại Iraq phụ thuộc vào sự sẵn có các lực lượng bộ binh địa phương khả tín. Cho đến nay quân đội của Chính phủ Iraq hầu như không giành được chiến thắng nào trước IS. Lực lượng vũ trang người Kurd và lực lượng dân quân người Shiite biểu hiện có phần còn tốt hơn - nhưng Mỹ không muốn những thành phần này chiến đấu trong các khu vực do người Sunni chi phối, e sợ sự hiện diện của họ góp phần làm trầm trọng thêm các căng thẳng giáo phái.
 
Bằng việc tập trung vào tầm quan trọng của một nỗ lực mang tính địa phương, Obama đang muốn nói rằng nỗ lực đối với Ramadi có thể sẽ không thành công, và ông cũng bày tỏ nếu thất bại, lỗi nằm ở quân đội của Chính phủ Iraq, không phải do Mỹ. Thông điệp này không củng cố lòng tin rằng người Iraq và người Mỹ thực sự đang cùng hội cùng thuyền với nhau.
 
Sự đùn đẩy trách nhiệm trong buổi họp báo chắc chắn không thể hiện sự cam kết của Mỹ về cuộc chiến dài hạn chống IS, mà thay vào đó là cam kết tiếp diễn phụ thuộc vào phía Iraq. Vậy chiến lược thực sự của chính quyền Obama là gì?
 
Sự thật đáng buồn là hiện nay, chiến lược này dường như là chiến lược kiềm chế. Thông báo về một chiến dịch tấn công Ramadi phụ thuộc vào quân đội Iraq cũng gần như công bố rằng không một ai trong giới quyền uy của Mỹ tin tưởng vào một chiến thắng có ý nghĩa trong tương lai gần. Nếu IS thất thủ tại Ramadi, Mosul sẽ là mục tiêu hợp lôgích tiếp theo - nhưng Obama đã không nói vậy, có lẽ là bởi đó có vẻ giống một kế hoạch trò chơi có thể không hiện thực hóa được.
 
Điều mà chính quyền Obama không thể chấp nhận là có thêm các vùng của Iraq, cụ thể hơn là, các khu vực thuộc Baghdad, rơi vào tay IS. Trường hợp tương tự nhất là tình hình tại Afghanistan, cả hiện tại lẫn thời điểm kết thúc nhiệm kỳ của chính quyền Bush.
 
Tổng thống George W. Bush đã cố không làm thay đổi tình hình tại Afghanistan sau khi chính quyền của ông đánh giá cuộc chiến ở đây là không thể giành chiến thắng - do ông lo sợ việc rút quân sẽ dẫn tới Kabul thất thủ. Vì những lý do chính trị phức tạp, Obama sau đó đã tiếp nhận cuộc chiến Afghanistan - và ông cũng đã thất bại. Hiện Mỹ đã công bố ý đồ duy trì quân đội tại Afghanistan đến năm 2017 - do Obama không mong muốn thu về một thất bại lớn, cũng giống như Bush trước đó. Nếu cứ tiếp tục như vậy, có thể người kế nhiệm của ông sẽ có khả năng đàm phán một thỏa thuận hòa bình với Taliban.
 
Baghdad đang nhanh chóng trở thành một Kabul thứ hai. Obama phải tiếp tục duy trì vẻ ngoài của những nỗ lực chống IS, và dĩ nhiên ông sẽ lấy làm vui mừng nếu người Iraq có thể giành được vài chiến thắng. Nhưng mục tiêu ngầm của ông hẳn là phải duy trì các lực lượng chiến binh trong thế phòng ngự để họ không phát động cuộc tấn công vào các khu vực ngoại ô Baghdad. Nếu họ làm vậy, và nếu quân chính phủ tiếp tục thể hiện yếu kém như trong hầu hết các sự việc vừa qua, thành phố này có thể bước vào giai đoạn hỗn loạn và rối ren. Các lực lượng dân quân Shiite với sự hậu thuẫn của Iran có thể sẽ chống chọi dưới sự hỗ trợ không quân của Mỹ - nhưng thành phố vẫn có thể bị chia rẽ, khi IS giành được quyền kiểm soát một số khu vực của người Sunni.
 
Điều đó nhiều khả năng sẽ khiến Obama trở thành tổng thống chiến bại trong cuộc chiến tại Iraq, chứ không phải là vị nguyên thủ chấm dứt cuộc chiến ấy. Dư luận vẫn băn khoăn tự hỏi: Chừng nào mà IS còn tồn tại, làm thế nào để giải quyết dứt điểm hoàn toàn vấn đề Iraq?
 
Thu Giang 
(Theo Bloomberg)