Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ thể hiện cam kết ủng hộ mạnh mẽ với tự do thương mại khi dự Cấp cao APEC tại Việt Nam.

Đại sứ Nga tại Việt Nam chia sẻ về sự tham gia của Tổng thống Putin tại APEC. Video: Trần Huấn.

"Chúng ta hãy chờ đón Tổng thống Vladimir Putin phát biểu, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Bộ trưởng Kinh tế cũng đến dự. Họ sẽ có sự tham gia tích cực nhất trong các thảo luận trong APEC năm nay", Đại sứ Nga tại Việt Nam Konstantin Vnukov trao đổi với VnExpress trước khi diễn ra Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại Đà Nẵng. 

Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và người đồng cấp Donald Trump được cho là sẽ gặp nhau khi tham dự APEC 2017 tại Đà Nẵng, Việt Nam. Ảnh: Reuters.

Đại sứ Vnukov khẳng định việc Tổng thống Putin đến Việt Nam sẽ giúp thúc đẩy một số dự án và sáng kiến có tính chất song phương trong năm nay. Trong APEC, đoàn đại biểu Nga sẽ tham dự các hội nghị cấp bộ trưởng ngoại giao và kinh tế, trong khi nhiều đại diện doanh nghiệp lớn của Nga sẽ tham dự Hội đồng kinh doanh APEC.

Ủng hộ tự do thương mại

Nói đến các mối quan tâm của Nga tại APEC sắp diễn ra ở Đà Nẵng, ông Vnukov cho hay Moscow ưu tiên việc xây dựng Khu vực thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP), gia tăng vai trò của doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ, cũng như hình thành chương trình nghị sự của APEC sau năm 2020. Nga đã soạn thảo các đề xuất mang tính dài hạn, có tác dụng đến sau năm 2020. 

Ông cho biết các công ty hàng đầu mang tầm quốc tế của Nga sẽ tham gia Hội nghị hội đồng doanh nghiệp APEC và đưa ra các khuyến cáo, khuyến nghị.

Trong Cấp cao APEC năm nay, Nga hy vọng các nền kinh tế thành viên sẽ thành công trong việc khẳng định sự trung thành với các nguyên tắc thương mại tự do và đấu tranh chống chủ nghĩa bảo hộ. Đại sứ Nga khẳng định Moscow chống các biểu hiện của chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch đang có xu hướng hình thành trên thế giới. 

"Chúng tôi ủng hộ các nguyên tắc của thương mại và đầu tư mở và tự do, các tiến trình liên kết khu vực phải thúc đẩy việc xây dựng FTAAP", Đại sứ Nga nhấn mạnh.

Đại sứ Vnukov khuyến nghị các nước sử dụng những nghiên cứu hiện có trong khuôn khổ đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), cùng với các cơ chế khác, kể cả Hiệp định khu vực thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á - Âu trong các cuộc thảo luận FTAAP.

Ông Vnukov cho rằng Hợp tác với các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương đáp ứng được các lợi ích căn bản của Nga và tham gia APEC nằm trong nỗ lực của Nga nhằm đem lại xung lực mới cho hướng Đông trong chính sách đối ngoại của mình.  

"Tôi cho rằng các lãnh đạo APEC sẽ có bước tiến đẩy mạnh ý tưởng này. Chúng ta cần phải lạc quan", ông nói.

Coi trọng quan hệ với Việt Nam

Coi Việt Nam là nước tiên phong trong ủng hộ tự do thương mại thông qua ký các hiệp định thương mại tự do (FTA) với nhiều nước, ông Vnukov khẳng định Nga và Việt Nam có quan điểm giống nhau trong vấn đề này. 

Đại sứ lấy ví dụ, sau một năm ký FTA với Liên minh kinh tế Á - Âu, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Nga trong hơn 6 tháng qua đã tăng lên hơn 14%, kim ngạch với Liên minh kinh tế Á - Âu tăng 28%. "Nếu các nước hành động theo chủ nghĩa bảo hộ thì sẽ không có những kết quả như vậy", ông nhấn mạnh.

Đề cập tới hợp tác song phương với Việt Nam, Đại sứ Nga cho biết hai bên đang duy trì hình thức quan hệ ở mức cao nhất là quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện. Thương mại hai chiều vẫn rất lớn, các liên doanh dầu khí hai bên vẫn làm ăn có lãi dù thế giới có khủng hoảng tài chính, giá dầu giảm. Việt - Nga cũng duy trì đối thoại an ninh ở nhiều cấp, hình thành sự tin cậy lẫn nhau. 

Ông Vnukov cũng nhắc lại tầm quan trọng của Việt Nam trong chính sách của Nga ở châu Á. "Trong Học thuyết về chính sách đối ngoại đã được Tổng thống Putin phê duyệt cách đây một năm, có một mục nói về quan hệ với Việt Nam mang tính định hướng, cũng như xác định 4 nước quan trọng ở phương Đông là Việt Nam, Nhật Bản, Trung Quốc và Ấn Độ", Đại sứ Nga cho biết.

"Với những nhà ngoại giao như chúng tôi, học thuyết đó được coi như là Hiến pháp", ông Vnukov nói.

Theo VNE

TIN LIÊN QUAN