Vladimir Putin gần như chắc chắn trúng cử trong cuộc bầu cử Tổng thống Nga vào ngày 18/3 tới. Một câu hỏi được đặt ra là ông sẽ làm gì tiếp khi nhiệm kỳ tới của ông kết thúc?
Chiến thắng của Putin là điều không gây nghi ngờ vì ông có uy tín cao (theo các cuộc thăm dò dư luận hiện nay) cũng như lại là đương kim tổng thống nên có trong tay cả bộ máy nhà nước - điều tạo lợi thế rất lớn cho ông trong cuộc bầu cử sắp tới.
Tuy nhiên người ta không rõ về việc Putin sẽ tiếp tục ngự trị trên chính trường Nga thêm bao nhiêu năm sau khi đã làm lãnh đạo của nước này liên tục 18 năm (14 năm làm Tổng thống, 4 năm làm Thủ tướng).
Gleb Pavlovsky, một cựu cố vấn của điện Kremlin, cho biết: “Đa phần các thảo luận trong giới tinh hoa nắm quyền ở Nga hiện nay tập trung vào không phải giai đoạn tiếp theo của kỷ nguyên Putin mà là vào giai đoạn hậu Putin”.
Vygaudas Usackas, cựu Đại sứ của EU tại Nga, cho biết: “Đây là thời khắc nhiều rủi ro đối với hệ thống chính quyền Nga”.
Đường đi nước bước của Putin
Hiện chính trị gia Putin có ít nhất 3 lựa chọn.
Thứ nhất, ông có thể “bắt chước” Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình để dỡ bỏ giới hạn nhiệm kỳ. Thứ hai, ông trao quyền cho một người giữ chỗ. Thứ ba, ông chỉ định một người kế vị và rút khỏi cuộc sống công vụ.
Hiện nay hình ảnh Putin đã bám chắc trong bộ máy chính quyền Nga đến mức mà các thành viên của bộ máy này không thể nghĩ ra một nhà lãnh đạo nào khác nữa. Nhiều người tại các công ty và ngân hàng lớn của nhà nước cho biết họ không thấy có sự thay đổi thực sự nào sẽ diễn ra khi ông Putin kết thúc nhiệm kỳ tiếp theo.
Một nguồn tin trong một bộ của chính phủ Nga nói: “Không hề có các cuộc thảo luận bên hành lang về việc kế vị. Như thể mọi người đều biết chắc ông Putin sẽ còn tại vị dài dài”.
Nếu Putin muốn thay đổi Hiến pháp để cho phép nhiệm kỳ thứ 3 liên tiếp, ông sẽ cần sự ủng hộ của 2/3 số nghị sĩ trong Hạ viện Nga, và 3/4 số nghị sĩ trong Thượng viện Nga, cũng như sự phê chuẩn của 2/3 cơ quan lập pháp khu vực.
Các thể chế trên đều có sự hiện diện áp đảo của các đồng minh của điện Kremlin nhưng Putin đã khẳng định sẽ không thay đổi Hiến pháp để tiếp tục cầm quyền.
Đây có lẽ là một tính toán khôn ngoan của ông Putin. Bởi lẽ nếu làm vậy, ông có nguy cơ vấp phải phản ứng tiêu cực từ phía các cử tri với quan điểm coi động thái đó là ép nước Nga quay lưng lại với nền dân chủ.
Trước đó, vào năm 2008, Putin cũng từng lảng tránh sự lôi cuốn của phương án sửa đổi Hiến pháp Nga để mở rộng số lượng nhiệm kỳ cầm quyền của ông. Khi đó ông bước vào cuối nhiệm kỳ thứ 2. Putin đã lựa chọn phương án là tạm đứng sang một bên, và để cho người phụ tá trung thành của mình, là Dmitry Medvedev, ra ứng cử Tổng thống. Putin lúc ấy chắc chắn rằng trợ lý của mình sẽ đắc cử với sự hậu thuẫn của điện Kremlin. Ông Putin sau đó làm Thủ tướng Nga trong 4 năm, để rồi tái đắc cử Tổng thống vào năm 2012, khi ông Medvedev kết thúc nhiệm kỳ của mình. Đến lúc này, Medvedev lại chuyển sang làm Thủ tướng cho Putin.
Giai đoạn 2008-2012, Putin tiếp tục tác động đến chính trường Nga từ chức vụ thấp hơn.
Trở lực của ông Putin là gì?
Có lẽ tuổi tác là lực cản đáng kể nhất đối với Putin.
Hiện nay ông Putin vẫn khỏe mạnh. Nhưng khi nhiệm kỳ thứ 4 của ông kết thúc, ông đã 71 tuổi. Nếu ông lại tạm đứng sang một bên để đợi chờ đến cuộc bầu cử kế tiếp thì khi đó ông đã 77 tuổi. (Nhiệm kỳ Tổng thống được mở rộng từ 4 năm lên 6 năm vào năm 2008, trong nhiệm kỳ của Medvedev).
Một trong các nguồn tin thân cận với điện Kremlin cho biết Putin đôi lúc cảm thấy mệt mỏi vô cùng, nhưng chủ yếu là do bực bội vì tình trạng thiếu năng lực của các quan chức hay tình trạng lười nhác, quan liêu.
Trong một cuộc họp của Tổng thống Nga Putin với Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko hồi năm 2006, người ta bắt được đoạn tâm sự của Putin với Lukashenko do micro vẫn bật: “Tôi không ngủ đủ. Hôm kia, tôi chỉ chợp mắt được 4 tiếng. Hôm qua cũng chỉ 5 tiếng”.
Có thể Putin sẽ ngại cầm quyền khi ông đã ở tuổi gần 80, bởi ông thường mô tả bản thân là nhà lãnh đạo lành mạnh tràn đầy năng lượng kể từ khi thay thế nhà lãnh đạo Boris Yeltsin và mang lại sinh khí mới mà hầu hết các nhà lãnh đạo Nga đều thiếu vào những ngày cuối cùng của nhà nước Liên Xô.
Trước Putin, lãnh tụ Josef Stalin đã cầm quyền ở Liên Xô tới 3 thập kỷ, còn nhà lãnh đạo Leonid Brezhnev thì tại vị trong 18 năm liền, từ năm 1964-1982.
Những người trong điện Kremlin cho biết, Putin chưa lựa chọn người kế vị nào cả và những tên được nêu lên cho vị trí đó hiện nay chẳng qua chỉ là đồn thổi.
Trong số các tên đó có Igor Sechin - người đứng đầu hãng dầu quốc gia Rosneft, Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu; Igor Dyumin - cựu vệ sĩ của Putin và hiện là một thống đốc vùng, và Thị trưởng Moscow Sergei Sobyanin.
Một số người dự đoán, ông Putin chưa chỉ định người kế vị sớm vì hai lý do. Thứ nhất, có thể điều đó ảnh hưởng đến việc tranh cử của Putin (thu hút bớt sự ủng hộ dành cho ông). Thứ hai, ông cần một người bảo vệ dự án chính trị mà ông đã gây dựng trong nhiều năm qua./.