Tổng thống Nga Putin đề nghị Thổ Nhĩ Kỳ thành ‘trung tâm khí đốt’ để cung cấp cho bên thứ ba ảnh 1

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ và người đồng cấp Nga. Ảnh: Reuters

Theo nguồn tin DW, Tổng thống Nga Vladimir Putin mới đây đã đề xuất Thổ Nhĩ Kỳ xem xét trở thành trung tâm để đưa khí đốt của Nga đến các bên thứ ba, trong đó bao gồm cả châu Âu.

Cụ thể, theo hãng thông tấn Interfax, trong cuộc gặp với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan bên lề một hội nghị an ninh đang diễn ra tại Kazakhstan, ông Putin cũng đã đề xuất thành lập thêm một thị trường trao đổi khí đốt tự nhiên tại Thổ Nhĩ Kỳ để xác định giá cả.

Tổng thống Nga Putin nói: “Chúng ta có thể xem xét xây dựng thêm một đường ống dẫn khí đốt khác và tạo ra một trung tâm khí đốt tại Thổ Nhĩ Kỳ để bán cho các nước thứ ba, đặc biệt là tại châu Âu”.

Đường ống Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ là gì?

Theo ông Putin, có thể chuyển thêm khí đốt tới châu Âu trung chuyển qua Thổ Nhĩ Kỳ nhờ đường ống Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ. Nhà lãnh đạo xứ bạch dương khẳng định, đây là “tuyến đường cung ứng an toàn nhất hiện nay”.

Đường ống Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ chạy xuyên qua Biển Đen và Thổ Nhĩ Kỳ tới Đông Nam châu Âu, hiện là đường ống dẫn duy nhất vẫn đang cung cấp lượng đáng kể khí đốt của Nga cho châu Âu.

Tuy nhiên, truyền thông Nga hôm 13/10 cho biết, Điện Kremlin khẳng định, Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ không thể thay thế cho Dòng chảy phương Bắc qua Biển Baltic.

Về phần mình, ông Erdogan đã công bố các kế hoạch phát triển thỏa thuận về xuất khẩu ngũ cốc và phân bón từ Nga qua Thổ Nhĩ Kỳ để cung cấp cho “các quốc gia đang phát triển”.

Phản ứng của các đối tác NATO trước quan hệ của Thổ Nhĩ Kỳ với Nga

Nhờ vai trò trung gian của Thổ Nhĩ Kỳ và Liên hợp quốc, hồi tháng 7, một hiệp định đã ra đời, cho phép xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp của Nga và Ukraine.

Dù vậy, Tổng thống Erdogan đã nhấn mạnh, hầu hết các đợt cung ứng kể từ đó đều chuyển tới các quốc gia thịnh vượng hơn.

Trong bối cảnh vấp phải chỉ trích từ các đối tác NATO của Thổ Nhĩ Kỳ, ông Erdogan đã lên tiếng bảo vệ sự hợp tác của mình với Moskva kể từ khi Nga khởi động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine hồi tháng 2.

Về cuộc đối thoại với ông Putin, ông Erdogan cho biết, sự hợp tác giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ “chắc chắn sẽ bị một số người phản đối, nhưng cũng sẽ chắc chắn giúp các nước đang phát triển vui mừng hơn”.

Mỹ và Liên minh châu Âu gần đây đã gây sức ép đối với quốc gia thành viên NATO Thổ Nhĩ Kỳ, yêu cầu Ankara tham gia các biện pháp trừng phạt chống Nga liên quan đến chiến dịch quân sự đặc biệt của Moskva tại Ukraine. Tuy nhiên, ông Erdogan lập luận rằng, Thổ Nhĩ Kỳ là chủ thể trung lập, có khả năng giúp đạt được lệnh ngừng bắn khả thi giữa Kiev và Moskva.