Tổng thống Nga đối thoại trực tuyến thường niên
Ngày 20/6, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tiến hành cuộc họp báo lớn thường niên lần thứ 17 để đối thoại với người dân Nga ở trong và ngoài nước. Người đứng đầu nước Nga đã trực tiếp giải đáp những vấn đề mà người dân quan tâm, tập trung về các biện pháp trợ cấp xã hội, lương hưu, các vấn đề về nhà ở, giáo dục và chăm sóc sức khỏe.
Đây là cuộc đối thoại trực truyến lần thứ 17 của Tổng thống Nga Putin với người dân từ khắp mọi miền đất nước. Từ năm 2001 người đứng đầu nước Nga đã 12 lần đối thoại với người dân trong vai trò Tổng thống và 4 lần là Thủ tướng.
Trường quay của chương trình “Đối thoại trực tuyến” với Tổng thống Nga V.Putin được bố trí ở cung Gaschynnyi. Tại đây, người đứng đầu nước Nga không chỉ trực tiếp trả lời, mà ông còn có thể kết nối với những người đứng đầu các địa phương và các bộ trưởng để yêu cầu giải đáp về những vấn đề mà người dân đặt ra.
Tập Cận Bình và Kim Jong-un họp thượng đỉnh tại Bình Nhưỡng
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và phu nhân Bành Lệ Viện sáng 20/6 đến sân bay quốc tế Sunan, Bình Nhưỡng. Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và phu nhân Ri Sol-ju đã ra sân bay chào đón. Truyền thông Trung Quốc đưa tin Chủ tịch Tập Cận Bình và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã họp thượng đỉnh khi ông Tập thăm chính thức Bình Nhưỡng, song không nêu cụ thể nội dung thảo luận giữa hai bên.
Ông Tập thăm chính thức Triều Tiên trong 2 ngày theo lời mời của Kim Jong-un, trở thành Chủ tịch Trung Quốc đầu tiên thăm Bình Nhưỡng kể từ năm 2005. Theo lịch trình, sau cuộc họp thượng đỉnh với Kim Jong-un, ông Tập sẽ dự tiệc chào mừng và xem buổi biểu diễn nhạc cụ dân tộc.
Ngoại trưởng Mỹ kêu gọi Nga truy tố nghi phạm bắn rơi MH17
"Chúng tôi kêu gọi Nga đảm bảo rằng bất kỳ cá nhân nào bị truy tố đang ở Nga đều phải đối mặt với công lý", Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết trong thông báo ngày 19/6, đề cập đến các nghi phạm bị cáo buộc bắn rơi máy bay MH17 năm 2014 khiến gần 300 người thiệt mạng.
Nhóm Điều tra Chung (JIT) do Hà Lan dẫn đầu ngày 19/6 phát lệnh bắt và truy tố tội giết người với ba công dân Nga là Igor Girkin, Sergey Dubinskiy, Oleg Pulatov cùng một người Ukraine là Leonid Kharchenko về vụ bắn rơi máy bay MH17. Các điều tra viên của JIT tin rằng những người này có vai trò trong việc chuyển hệ thống tên lửa BUK đến miền đông Ukraine và bắn rơi chiếc Boeing 777 của Malaysia Airlines vào ngày 17/7/2014, khiến toàn bộ 298 người trên máy bay thiệt mạng, hầu hết là người Hà Lan.
Bộ Ngoại giao Nga gọi cáo buộc trên là vô căn cứ và nhằm làm mất uy tín của Nga. Moskva nhấn mạnh rằng họ sẵn sàng "hỗ trợ toàn diện cho cuộc điều tra" nhưng đã bị phớt lờ.
'20 triệu USD' cho kế hoạch 'lấy mạng' Tổng thống Venezuela
Đài RT ngày 20/6 đưa tin lãnh đạo Venezuela đã cảm ơn quân đội và các lực lượng tình báo đã giúp ngăn chặn được vụ ám sát, đồng thời tuyên dương họ vì sự dũng cảm. Ông Maduro cũng nhấn mạnh quân đội và lực lượng tình báo đã giúp cứu được nền hòa bình của Venezuela.
Theo Tổng thống Venezuela, kế hoạch trên cần nguồn tài trợ từ nước ngoài và chỉ ra Julio Borges, chính khách đối lập đang sống lưu vong tại Colombia, là tác giả chính của vụ ám sát hụt trên.
Ấn Độ sắp vượt mặt Trung Quốc trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới
Trung Quốc và Ấn Độ hiện chiếm 37% trong 7,7 tỷ dân trên toàn cầu, trong đó Trung Quốc có khoảng 1,4 tỷ người, còn Ấn Độ là 1,3 tỷ. Tuy nhiên, theo báo cáo Triển vọng Dân số Thế giới 2019 của Liên hợp quốc được công bố hôm 17/6, đến năm 2027, Ấn Độ sẽ có đông dân hơn Trung Quốc và vào năm 2050, khoảng cách giữa 2 nước sẽ khá xa.
"Từ năm 2019 đến 2050, 55 quốc gia hoặc khu vực dự kiến giảm dân số ít nhất 1%", báo cáo cho hay, nêu ra nguyên nhân chủ yếu là tỷ lệ sinh thấp và một số nước có lượng người di cư cao. "Tại quốc gia đứng đầu về dân số, Trung Quốc, dân số dự kiến giảm 31,4 triệu người, tương đương 2,2%". Điều này có nghĩa là dân số Trung Quốc dự kiến giảm còn 1,1 tỷ người, trong khi dân số của Ấn Độ sẽ là 1,5 tỷ người.
Đến năm 2050, báo cáo dự đoán dân số toàn cầu là 9,7 tỷ người, mức tăng đáng kinh ngạc chỉ trong một thế kỷ. 5 năm sau khi Liên hợp quốc thành lập vào năm 1950, dân số thế giới khi đó chỉ là 2,6 tỷ người.