(Baonghean) - Trong 3 ngày từ ngày 20/3, Tổng thống Mỹ Barack Obama có chuyến công du lịch sử đến Cuba. Chuyến thăm chính thức Cuba lần đầu tiên của một nguyên thủ Mỹ kể từ năm 1928 đánh dấu bước ngoặt quan trọng sau hơn nửa thế kỷ hai nước cắt đứt quan hệ ngoại giao. Chuyến thăm cũng là một bước dài trong lộ trình bình thường hóa quan hệ, mở ra hàng loạt cơ hội hợp tác mới tiếp nối sự kiện hai bên tái thiết lập quan hệ ngày 20/7 năm ngoái. Cơ hội lớn nhưng thách thức vẫn bộn bề. Đâu là những việc cần làm của cả hai bên kể từ chuyến thăm lịch sử này?

Tiến trình “không thể đảo ngược”
 
Để có được chuyến thăm lịch sử này, suốt thời gian vừa qua, các nhà lãnh đạo Mỹ và Cuba đã có hàng loạt bước đi tích cực. Trước hết, đó là việc hai nước tiến hành mở lại đại sứ quán tại thủ đô của nhau. 
 
images1487696_anh_my___cuba___1.jpgTổng thống Mỹ Barack Obama được Ngoại trưởng Cuba Bruno Rodriguez chào đón tại sân bay. Ảnh: AP
Trong các lĩnh vực cụ thể, về phía Mỹ, nước này đã nới lỏng hạn chế đi lại đối với người dân Cuba hay cho phép Cuba dễ dàng tiếp cận với các định chế tài chính của Mỹ hơn… 
 
Ngược lại về phía Cuba, nước này đã tuyên bố bãi bỏ mức phạt chiết khấu 10% đánh vào đồng USD trong các hoạt động trao đổi tiền mặt trên lãnh thổ Cuba... 
 
Tổng thống Barack Obama cùng phu nhân Michelle và hai con gái Malia and Sasha dừng lại thăm quan bức vẽ Tổng thống Abraham Lincoln tại Bảo tàng thành phố Havana. Ảnh: Getty Images
Không thể phủ nhận, chuyến công du lần này của Tổng thống Obama đến Cuba sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác về kinh tế cho cả hai bên, tuy nhiên, chuyến thăm có lẽ lại mang nhiều ý nghĩa biểu tượng hơn.
 
Thông điệp đầu tiên mà Tổng thống Obama gửi gắm đó là khẳng định tiến trình bình thường hóa “không thể đảo ngược” giữa hai nước, nhằm khép lại quá khứ chiến tranh lạnh không có lợi cho cả hai bên.
 
Thứ hai với cá nhân Tổng thống Obama, chuyến thăm sẽ hoàn thành ý nguyện để lại một dấu ấn trọn vẹn trong lịch sử quan hệ Mỹ - Cuba của ông.
 
Thứ ba, một vị Tổng thống Mỹ lần đầu tiên xuất hiện tại Cuba sau 88 năm như một luồng gió mát lành thổi vào cả khu vực Mỹ Latinh. Sự kiện này được đánh giá mở ra những chương hợp tác mới với các quốc gia tại đây, cũng là bước quan trọng để Mỹ khẳng định lại vị trí ở khu vực vốn được coi là sân sau này. 
 
Đường dài còn lắm chông gai
 
Chuyến thăm bước đầu đã báo hiệu thành công khi chưa bao giờ, người ta lại thấy một vị Tổng thống Mỹ được chào đón nhiệt thành tại Cuba như lần này, với bạt ngàn pano, áp phích, biển hiệu chào mừng, in ảnh Tổng thống Obama và Chủ tịch Castro khắp đường phố Thủ đô Havana.
 
Thế nhưng, câu chuyện tiếp sau chuyến thăm này lại là những điều dư luận đặc biệt quan tâm. Bởi chính các nhà lãnh đạo Mỹ và Cuba cũng đã thừa nhận, vẫn còn nhiều vấn đề phải giải quyết trong lộ trình bình thường hóa giữa hai nước. 
 
Người dân Cuba treo cờ Mỹ và Cuba để chào đón Tổng thống Mỹ. Ảnh: AP
Trước hết phải kể đến đó là cấm vận kinh tế - một trong những bất đồng lớn nhất giữa Mỹ và Cuba hiện nay. Tiếp đó là việc căn cứ hải quân Mỹ đóng ở vịnh Guantanamo hay sự ủng hộ của Mỹ đối với các nhân vật bất đồng chính kiến ở Cuba... 
 
Vì vậy, để có thể kéo gần hơn nữa hai quốc gia chỉ cách nhau một eo biển nhỏ rộng 150 km, sẽ còn rất nhiều việc phải bận tâm. Khó khăn thể hiện ngay trong chuyến thăm là Ngoại trưởng Cuba Bruno Rodriguez trong một tuyên bố đã nhấn mạnh, vấn đề cải cách chính trị, kinh tế sẽ không được đề cập trong cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo.
 
Ông Bruno cũng tuyên bố, sẽ không có chuyện Cuba từ bỏ những nguyên tắc riêng để đẩy nhanh việc bình thường hóa quan hệ với Mỹ; đồng thời thừa nhận, hai nước vẫn còn những khác biệt lớn về hệ thống chính trị, dân chủ, nhân quyền hay áp dụng và diễn giải luật pháp quốc tế.
 
Trong khi đó về phía Mỹ, chính bản thân Tổng thống Obama cũng đang phải đối diện với những sức ép từ đảng Cộng hòa vốn phản đối việc nới lỏng cấm vận với Cuba.
 
Thể hiện là mới đây, Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan của phe Cộng hòa đã nhấn mạnh, lệnh cấm vận sẽ tiếp tục được duy trì bất chấp việc Tổng thống Obama đã dùng quyền hành pháp để nới lỏng các rào cản thương mại và du lịch với Cuba thời gian qua.
 
Trong khi đó, cuộc bầu cử Tổng thống quan trọng tại Mỹ cuối năm nay mới diễn ra. Khi đó, chính sách đối với Cuba mới thực sự được nhận diện dưới sự cầm quyền của một vị chủ nhân mới của Nhà Trắng.
 
Như thế, khó khăn là chồng chất, nhưng có thể nói chuyến thăm của Tổng thống Obama đến Cuba lần này đã trở thành một biểu tượng sống động của xu thế hợp tác và có sức lan tỏa mạnh mẽ. Chỉ có điều, hai nước sẽ nắm bắt cơ hội “trăm năm có một” này như thế nào. Điều đó lại phụ thuộc vào nỗ lực và quyết tâm chính trị của cả hai bên trong thời gian tới đây.
Khang Duy