Phát biểu trong một cuộc họp nội các ở Nhà Trắng, Tổng thống Trump cho rằng Mỹ vẫn "đang làm rất tốt" khi áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga, và Tổng thống Nga Vladimir Putin "hiểu rõ điều này hơn bất cứ ai".
Khi được hỏi liệu Nga có tiếp tục nhằm mục tiêu vào Mỹ nữa hay không, Tổng thống Trump đã đáp lại rõ ràng: "Không", và nói rằng chính quyền của ông đang hợp tác tốt với Nga. Tuy nhiên, ông chủ Nhà Trắng cũng lưu ý rằng chưa có Tổng thống Mỹ nào cứng rắn với Điện Kremlin như ông. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn với hãng CBS sau đó, Tổng thống Trump cho biết trong cuộc gặp thượng đỉnh với người đồng cấp Nga Putin tại thủ đô Helsinki (Phần Lan) vừa qua, ông đã khẳng định rằng Mỹ sẽ không dung thứ cho hành động can thiệp vào các cuộc bầu cử của nước này, điều mà Moskva luôn bác bỏ.
Trước đó, ông Trump từng bày tỏ sự tin tưởng và ủng hộ đối với các cơ quan tình báo của Mỹ, đồng thời lưu ý rằng sự can thiệp của Nga không ảnh hưởng đến kết quả cuộc bầu cử tổng thống năm 2016, khẳng định Washington sẽ làm mọi cách để bảo vệ cuộc bầu cử Quốc hội sắp tới.
Chỉ vài giờ sau tuyên bố của Tổng thống Trump, người phát ngôn Nhà Trắng Sarah Sanders tuyên bố Mỹ vẫn tin rằng mối đe dọa từ Nga vẫn tồn tại, đồng thời khẳng định nước này đang tiến hành các bước đi để ngăn chặn mối đe dọa này.
Tổng thống Trump đang đối mặt với sự chỉ trích của chính giới Mỹ khi các nghị sĩ thuộc cả 2 đảng Cộng hòa và Dân chủ đều bày tỏ sự không hài lòng về kết quả cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Nga vừa qua, cho rằng đây là "cơ hội bị bỏ lỡ" để quy trách nhiệm cho Nga can thiệp vào bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.
Trong bối cảnh đó, giới nghị sĩ Mỹ đang ngày càng quan tâm tới vai trò của phiên dịch viên của Tổng thống Trump trong cuộc họp kín kéo dài 2h đồng hồ với người đồng cấp Putin hôm 16/7 vừa qua.
Một số nghị sĩ đảng Dân chủ đã hối thúc Quốc hội yêu cầu phiên dịch viên của tổng thống điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ. Theo các nghị sĩ này, việc điều trần có thể giúp các nghị sĩ và người dân Mỹ "xác định cụ thể những gì đã được (Tổng thống Trump) thảo luận và nhất trí với tư cách là đại diện của nước Mỹ".
Tuy nhiên, cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Nga tại Helsinki và những phát biểu của Tổng thống Trump sau cuộc hội đàm dường như không ảnh hưởng tới mức độ ủng hộ của công chúng đối với ông chủ Nhà Trắng.
Kết quả thăm dò dư luận do Reuters/Ipsos tiến hành sau cuộc họp báo Tổng thống Trump với người đồng cấp Nga Putin hôm 16/7 vừa qua cho thấy có 42% số cử tri đăng ký đi bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ ủng hộ cách làm việc của ông Trump.
Tỷ lệ này không giảm so với mức ủng hộ bình quân hàng ngày dao động từ 40-44% trong tháng này.
Cũng theo kết quả thăm dò, 55% số cử tri Mỹ ghi danh bầu cử không ủng hộ phong cách ngoại giao của ông Trump với Nga, trong khi có 37% ủng hộ. Trong số những cử tri Cộng hòa, có 71% ủng hộ ông Trump về cách thức liên hệ với Nga, trong khi tỷ lệ ủng hộ của các cử tri Dân chủ chỉ là 14%.
Điều này cho thấy Tổng thống Trump vẫn có được sự ủng hộ rộng lớn của cử tri Cộng hòa, cho dù bị các lãnh đạo trong đảng chỉ trích vì những phát biểu tại cuộc họp báo chung vừa qua./.