Mỹ không cấp thêm bất kỳ miễn trừ khỏi lệnh cấm nhập khẩu dầu Iran

dau_mo_iran_buwh.jpgDầu mỏ là nguồn thu hàng đầu của Iran. Ảnh: Nikkei Asian Review

Đặc phái viên Mỹ về vấn đề Iran Brian Hook hôm 12/1 cho biết, Mỹ sẽ không cấp thêm bất kỳ miễn trừ khỏi lệnh cấm nhập khẩu dầu Iran nào nữa. Ông Brian Hook không tiết lộ chính quyền Tổng thống Donald Trump sẽ làm gì khi lệnh miễn trừ trên hết hạn vào tháng 5/2019 mà chỉ nhấn mạnh, Mỹ sẽ  cắt đứt mọi nguồn thu của Iran. Theo ông Brian Hook, 80% nguồn thu của Iran đến từ xuất khẩu dầu mỏ và đây là khoản tài trợ khủng bố hàng đầu.

Trước đó, vào tháng 11/2018, Mỹ tung ra lệnh trừng phạt mới nhắm vào các ngành vận tải biển, ngân hàng và năng lượng của Iran. Nhưng thời điểm đó Mỹ cho phép 8 nhà nhập khẩu trong đó có Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc tiếp tục mua dầu.

Tổng thống Emmanuel Macron "thêm dầu vào lửa" khi chỉ trích người dân Pháp

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ảnh: Sputnik

Tổng thống Emmanuel Macron chỉ trích một số người dân Pháp chỉ muốn có nhiều thứ mà không cần quá cố gắng, vào thời điểm các cuộc biểu tình “Áo vàng” bước sang tuần thứ 9 và chưa có dấu hiệu dừng lại. "Nhiều công dân của chúng ta nghĩ rằng có thể có được thứ gì đó mà không cần nỗ lực tương xứng. Tỉnh thoảng mọi người quên mất bên cạnh quyền còn có trách nhiệm" - ông Macron tuyên bố ngày 11/1. Ông cũng nhắc lại điều này khi đề cập đến giới trẻ Pháp.

Ngày 15/1 tới đây, ông Macron dự định sẽ khởi động một cuộc tranh luận quốc gia kéo dài trong 3 tháng để giải quyết các vấn đề nóng của đất nước. Theo trung tâm nghiên cứu ELABE của Pháp, khoảng 41 % người dân dự định tham gia vào cuộc tranh luận. Trong khi đó, Angry France, một nhóm liên kết với phong trào "Áo vàng" đã từ chối lời mời của ông Macron để tham gia vào cuộc tranh luận quốc gia, coi đó là một cái bẫy chính trị.

Quốc hội Macedonia đồng ý đổi tên nước

Thủ tướng Macedonia Zoran Zaev phát biểu tại cuộc bỏ phiếu. Ảnh: Reuters

Quốc hội Macedonia vừa phê chuẩn dự thảo sửa đổi hiến pháp để đổi tên nước thành Cộng hòa Bắc Macedonia. Động thái này được kỳ vọng sẽ chấm dứt cuộc tranh chấp kéo dài với Hy Lạp, vốn khiến chính quyền Athens liên tục phủ quyết việc Macedonia gia nhập EU và NATO.

Cộng hòa Macedonia tách khỏi Liên bang Nam Tư vào năm 1991 nhưng từ đó bị Hy Lạp phản đối vì có tên trùng với một tỉnh của nước này. Athens lo ngại nếu nước láng giềng được gọi là Macedonia thì sẽ hàm ý đòi hỏi về chủ quyền đối với vùng lãnh thổ phía bắc.

Thượng đỉnh Mỹ-Triều dự kiến diễn ra vào trung tuần tháng 2

Cờ Triều Tiên và Mỹ. Ảnh: Eurasia Review

Hãng thông tấn Yonhap ngày 13/1 dẫn tuyên bố của Chủ tịch đảng Dân chủ cầm quyền tại Hàn Quốc Lee Hae-chan cho biết, nhiều khả năng cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều sẽ  được tổ chức vào trung tuần tháng 2 tới, song hai bên cần tiến hành các cuộc đàm phán giữa các quan chức cấp cao.

Trước đó, tờ Korea Herald dẫn lời một quan chức Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết, Việt Nam cùng Singapore là một trong hai địa điểm cuối cùng được cân nhắc trở thành nơi đăng cai hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ 2.

Israel khẳng định hoàn tất chiến dịch phá hủy đường hầm xuyên biên giới

Binh sĩ Israel phá hủy đường hầm xuyên biên giới từ Liban sang lãnh thổ Israel ngày 26/12/2018. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 13/1, quân đội Israel tuyên bố đã phát hiện toàn bộ các đường hầm dùng để tấn công xuyên biên giới do phong trào Hezbollah tại Liban đào và đang lên kế hoạch phá hủy những đường hầm này. Người phát ngôn quân đội Israel, Trung tá Jonathan Conricus cho biết đường hầm mới nhất bị Israel phát hiện vào ngày 12/1 bắt đầu từ làng Ramyeh của Liban, cách Israel khoảng 800m, đã tiến được vài chục mét vào Israel, có độ sâu 55m.

Đây là đường hầm thứ 6 được công bố và đánh dấu việc kết thúc chiến dịch với mật danh "Lá chắn phương Bắc" của Israel. Trung tá Conricus khẳng định vẫn chưa phát hiện thêm đường xuyên biên giới nào do Hezbollah đào từ Liban sang Israel, song quân đội Israel vẫn sẽ theo dõi những địa điểm mà Hezbollah đào bên trong lãnh thổ Liban.