Giá trị đất được tính không sát thị trường, thấp hơn nhiều so với khi bàn giao... là những bất cập của cơ chế đầu tư BT, theo Tổng kiểm toán Hồ Đức Phớc.

Tại hội thảo Cơ chế đầu tư BT - Những vấn đề đặt ra và giải pháp hoàn thiện, do Kiểm toán Nhà nước tổ chức ngày 19/10, ông Hồ Đức Phớc - Tổng kiểm toán Nhà nước nhận định, dù ít bị dư luận lên tiếng chỉ trích nhưng hình thức đầu tư BT (đầu tư đổi đất lấy hạ tầng) lại dễ bị bóp méo, biến tướng do thiếu công khai, minh bạch. "Đầu tư theo hình thức BT đang tạo ra những khoản sinh lời vô cùng lớn từ cơ hội sở hữu đất vàng, vị trí đắc địa", Tổng kiểm toán Nhà nước nhận xét. 

Theo ông Phớc, hầu hết các dự án BT (đầu tư đổi đất lấy hạ tầng) được giao đất trước khi hoàn thành công trình, giá đất lúc ấy thấp hơn nhiều so với đơn giá đất tại thời điểm bàn giao công trình, dẫn đến việc thanh toán không đảm bảo nguyên tắc ngang giá, làm lợi cho nhà đầu tư, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước.

images2035876_ho_duc_phoc_8346_1508399944.jpgTổng kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc lo lắng những biến tướng trong đầu tư dự án BT khiến đây trở thành "mảnh đất màu mỡ cho tiêu cực, tham nhũng".

Dẫn ví dụ dự án đầu tư Bảo tàng Hà Nội khi hoàn thành lại trở thành biểu tượng của sự lãng phí nguồn lực Nhà nước, Tiến sĩ Lê Huy Trọng - Kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành V cho rằng, khoảng trống trong quy định pháp luật khiến dự án BT khi hoàn thành lại thành "mảnh đất màu mỡ của tham nhũng, tiêu cực để nhà đầu tư trục lợi".

“Chúng ta áp dụng một hình thức quản lý tiên tiến trong khuôn khổ hành lang pháp lý chưa đủ mạnh, còn nhiều chồng chéo và kẽ hở để các nhà đầu tư thao túng”, Kiểm toán trưởng Kiểm toán nhà nước chuyên ngành V nói thêm.

Tiến sĩ Phạm Quang Tú - chuyên gia Tổ chức Oxfam Việt Nam đồng tình. Sau khi xây dựng các công trình hạ tầng thì những khu đất vốn bị định giá thấp trở thành “đất vàng”, từ giá đất nông nghiệp được tính thành đất đô thị, giá trị đất đai tăng lên hàng chục, trăm lần, nhà đầu tư được hưởng lợi rất lớn.

“Hiện không có quy định chi tiết về định giá, chất lượng công trình. Hai điểm này Nhà nước thiệt kép là định giá công trình và giá đất đều không đúng thực tế. Giá đất thấp hơn thực tế còn giá công trình lại được nâng lên", ông Tú đánh giá.

Một điểm bất cập nữa là hầu hết các dự án BT đều chỉ định thầu, làm giảm sự cạnh tranh trong lựa chọn nhà đầu tư và tiềm ẩn rủi ro chọn nhà đầu tư không có đủ năng lực thực hiện dự án. Đơn cử như tại Hà Nội, thanh tra 15 dự án BT, nhưng chỉ 1 dự án thực hiện đấu thầu, còn lại đều là chỉ định thầu.

Các dự án được thực hiện không thông qua đấu thầu, chủ đầu tư hầu như chỉ “một mình môt chợ” đã làm giảm tính cạnh tranh, thiếu minh bạch. Quyền sử dụng đất lại không được xác định chính xác và đầy đủ. Như vậy, Nhà nước cũng như nền kinh tế phải gánh chịu thiệt hại kép.

Phân tích sâu hơn Tiến sĩ Nguyễn Đình Hòa, Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán cho hay, bản chất dự án BT là hoạt động mua – bán nhưng không theo cơ chế thị trường. Giá cả dễ bị thay đổi theo hướng tăng lên bởi nhiều yếu tố phi thị trường. Khi dự án hoàn thành, lẽ ra phải thực hiện kiểm toán kỹ thuật, kiểm toán tài chính để xác định chính xác chất lượng, giá trị, làm cơ sở cho việc “thanh toán” bằng quỹ đất. Song chưa có dự án BT nào được kiểm tra, kiểm toán mà chỉ là quyết toán.

“Đã đến lúc vĩnh biệt thực sự cơ chế 'đổi đất lấy hạ tầng' tại các địa phương đã phát triển tốt, có thể chỉ cho phép áp dụng tại một số địa phương chậm phát triển, ngân sách địa phương còn yếu kém, hạ tầng còn rất thiếu”, ông Hòa bình luận.

Bất cập khác trong đầu tư BT, theo bà Trương Hải Yến - Phó vụ trưởng Vụ Tổng hợp (Kiểm toán Nhà nước), là việc đội vốn tổng mức đầu tư dự án. Qua kiểm toán, một số chi phí trong tổng mức đầu tư lập cao so với thực tế và quy định, thiếu căn cứ; dẫn tới tăng tổng mức đầu tư, chiếm dụng tiền của ngân sách Nhà nước.

Bà Yến cũng cho biết, việc ký kết hợp đồng BT còn chưa phù hợp, không chặt chẽ, thiếu ràng buộc chế tài khi nhà đầu tư vi phạm về tiến độ, thời gian thực hiện dự án, chất lượng công trình… Cụ thể, trong trường hợp dự án BT đã được thanh toán bằng dự án giao đất khác trước khi hoàn thành dự án BT, nhà đầu tư không bị áp lực phải thực hiện dự án đúng theo tiến độ cam kết.

Theo số liệu từ kết quả kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính hơn 3.815 tỷ đồng trên tổng số 30.425 tỷ tại 21 dự án, tương đương 12,54% giá trị được kiểm toán.

Trước những khoảng trống khiến BT dễ thành mảnh đất bị xà xẻo, Giáo sư Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường đề xuất, cần bổ sung các quy định về kiểm toán kỹ thuật để đánh giá chất lượng, kiểm toán tài chính để đánh giá giá trị đối với công trình hạ tầng; về định giá đất trả cho nhà đầu tư, cũng như trách nhiệm thanh tra định kỳ, đột xuất của các Bộ, UBND cấp tỉnh nơi có dự án BT.

“Cần có quy định chi tiết về yêu cầu phân tích chi phí - lợi ích giữa cơ chế BT và Nhà nước đấu giá tài sản công để lấy tiền xây dựng hạ tầng, làm cơ sở cho quyết định thực hiện dự án BT. Đồng thời, không cho phép giao đất để trả cho nhà đầu tư hạ tầng trước khi nghiệm thu, hoàn thành đánh giá chất lượng, định giá giá trị...”, ông Võ đề xuất.

Các dự án BT thực hiện qua hình thức hợp đồng xây dựng – chuyển giao, là một hình thức của đầu tư đối tác công tư (PPP). Trong hợp đồng BT, sau khi xây dựng xong, nhà đầu tư chuyển giao công trình đó cho nhà nước và được tạo điều kiện thực hiện dự án khác để thu hồi vốn đầu tư. Dự án BT còn được gọi là “đổi đất lấy hạ tầng”, sau một thời gian trầm lắng, nay phát triển rầm rộ trở lại ở nhiều địa phương.
 


Theo VNE

TIN LIÊN QUAN