Các đồng chí: Nguyễn Kim Sơn - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; Nguyễn Hữu Độ - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam chủ trì hội nghị.
Tại điểm cầu Nghệ An có các đồng chí Bùi Đình Long -Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Thái Văn Thành - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo; Trần Xuân Bí – Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh và các đồng chí đại diện lãnh đạo sở, ban, ngành liên quan.
Đề án “Xây dựng xã hội học tập, giai đoạn 2012 – 2020” được triển khai từ năm 2013 với 4 mục tiêu chính, đó là xóa mù chữ và phổ cập giáo dục; kết quả học tập nâng cao trình độ Tin học, Ngoại ngữ; kết quả học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tay nghề lao động có hiệu quả hơn và hoàn thiện kỹ năng sống, xây dựng cuộc sống cá nhân và cộng đồng ngày càng hạnh phúc hơn.
Qua 8 năm triển khai với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự phối hợp chặt chẽ hiệu quả giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo với các bộ, ngành liên quan trong việc hướng dẫn, theo dõi đôn đốc thực hiện và sự nỗ lực của các địa phương, các mục tiêu đề ra trong đề án 89 về cơ bản đã hoàn thành, các nhiệm vụ đã được thực hiện đúng tiến độ và đạt được kết quả quan trọng.
Nhờ đó, công tác phổ cập giáo dục và xóa mù chữđược củng cố vững chắc, trong đó, tỷ lệ người biết chữ độ tuổi từ 15 – 60 tuổi là 97,85%; 94,92% cán bộ, công chức từ Trung ương đến huyện được đào tạo đáp ứng tiêu chuẩn quy định. Bên cạnh đó, số lao động nông thôn, công nhân lao động được học nghề ngày một nhiều; tỷ lệ học sinh, sinh viên được học kỹ năng sống thông qua các môn học tại các cơ sở giáo dục đạt tỷ lệ 64,6%. Việc học tập cho người lớn đã được chú trọng, trình độ dân trí được nâng lên.
Tại hội nghị, nhiều tham luận cũng chia sẻ về một số khó khăn trong quá trình thực hiện đề án. Chẳng hạn, việc đào tạo nghề cho công nhân có trình độ còn hạn chế, tỷ lệ lao động có trình độ bậc 6, bậc 7 còn rất thấp, chỉ đạt khoảng 7%. Tại nhiều nơi, người lao động chưa được quan tâm đầu tư để nâng cao tay nghề, việc đào tạo nghề ở nông thôn còn chưa hiệu quả. Một số địa phương chưa quan tâm đến công tác này và chưa có kinh phí để hỗ trợ công tác đào tạo nghề nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng nhấn mạnh đến yếu tố tự học và điều đó sẽ góp phần xây dựng xã hội học tập: Khi người ta xem một con người thế nào thì phải xem khả năng tự học, tự giải quyết vấn đề của bản thân – đây là kỹ năng gốc để giải quyết các kỹ năng.
Vì vậy, một dân tộc thiếu những con người biết tự học thì dân tộc ấy sẽ thiếu năng lực để giải quyết các vấn đề và vì thế việc phát triển xã hội học tập là phát triển nguồn lực đặc biệt của quốc gia. Do đó, trách nhiệm hiện nay là phải xây dựng xã hội hiếu học và tập hợp được một tập thể những con người hiếu học, biết học, biết tạo ra những nhu cầu học tập và có đầy đủ khả năng để thỏa mãn các nhu cầu học tập.
Trong thời gian tới, để đề án hiệu quả thì cần phải có sự đổi mới trong quá trình hoạt động và phương pháp thực hiện. Trọng tâm là phải xác định được rõ vai trò của các thành tố và các bên liên quan của quá trình xây dựng xã hội học tập và mỗi người phải nhận thức được nhu cầu hoạt động để phát triển bản thân. Đồng thời các cá nhân phải được tạo điều kiện được ghi nhận về thái độ học tập.
Các cơ sở giáo dục cũng phải đóng vai trò then chốt trong sự phát triển xã hội học tập. Bên cạnh đó, cũng phải có sự tham gia của các doanh nghiệp để tạo động lực cho sự phát triển của xã hội học tập.Thời gian tới, bộ sẽ đánh giá lại mô hình Trung tâm GDTX và các trung tâm học tập cộng đồng để củng cố các thành tố sao cho hoạt động hiệu quả.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cho rằng, để xây dựng xã hội học tập thì cần tăng cường hệ thống học tập từ xa, gia tăng nguồn dữ liệu tài nguyên số phục vụ cho việc học tập thường xuyên…
Trong giai đoạn tới, Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030” đặt mục tiêu tạo chuyển biến cơ bản trong xây dựng xã hội học tập theo hướng hình thành hệ thống giáo dục mở, linh hoạt, liên thông, bảo đảm đến năm 2030 mọi người dân đều có cơ hội bình đẳng trong việc tiếp cận giáo dục suốt đời có chất lượng.