(Baonghean.vn) - Sáng 20/2, tại TP Vinh, ngành Y tế tổ chức Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện đề án "Nâng cao y đức", sơ kết 2 năm thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia y tế xã và Kỷ niệm 59 năm “Ngày thầy thuốc Việt Nam 27/2”.
Tới dự có đồng chí Đinh Thị Lệ Thanh - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh, đại diện các ban, ngành cấp tỉnh cùng đông đảo các cán bộ ngành Y tế qua các thời kỳ, các thầy thuốc ưu tú được tôn vinh trong đợt này.
Hội nghị đã nghe lãnh đạo ngành Y tế báo cáo kết quả sau 10 năm thực hiện đề án "Nâng cao y đức”, trong đó nhấn mạnh: Điều đáng ghi nhận nhất là đa số cán bộ y tế đã hiểu được nâng cao y đức trước tiên là phải nâng cao tinh thần thái độ phục vụ, trách nhiệm của những người thầy thuốc, nâng cao tay nghề, nâng cao trình độ nghiên cứu, chẩn đoán, làm chủ trang thiết bị hiện đại để nhanh chóng tìm ra nguyên nhân gây bệnh, biện pháp điều trị và cách điều trị, nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ bệnh nhân.
Để đảm bảo công tác khám, chữa bệnh, ngành đã tập trung đầu tư phát triển chuyên môn kỹ thuật chuyên sâu một số bệnh viện đầu ngành như: Hữu nghị Đa khoa tỉnh, Sản – Nhi, Y học cổ truyền, Nội tiết... ;xây dựng quy hoạch một số bệnh viện mới như Ung bướu, Chấn thương chỉnh hình, Mắt... Phát triển thêm kỹ thuật mới, phẫu thuật nội soi tất cả các chuyên khoa, đặt stein mạch vành, phẫu thuật tim... Phát triển nhiều kỹ thuật cận lâm sàng: chụp CT, MRI, chụp mạch, can thiệp mạch, khí máu ... Chú trọng đào tạo phát triển nguồn nhân lực bằng nhiều loại hình đào tạo về chuyên môn, quản lý, ngoại ngữ, trong đó tập trung đào tạo dài hạn như tiến sỹ, bác sỹ chuyên khoa 2... đào tạo ngắn hạn theo chuyên ngành, đào tạo chuyên sâu, đào tạo tại chỗ và thu hút cán bộ có trình độ cao... Trong 10 thực hiện đề án, nhiều tập thể, cá nhân được Chính phủ, Nhà nước, Bộ, tỉnh, ngành tặng các danh hiệu thi đua: 2 thầy thuốc được phong tặng danh hiệu Thầy thuốc nhân dân, 96 thầy thuốc được phong tặng danh hiệu Thầy thuốc ưu tú... Riêng danh hiệu “Gương sáng y đức” 2 năm xét duyệt một lần, đã có 143 cá nhân được công nhận.
Ngành cũng đã chỉ rõ những hạn chế cần khắc phục như: Chất lượng chăm sóc, khám chữa bệnh của một số cán bộ ở một số bệnh viện còn yếu. Đặc biệt là các cơ sở khám, chữa bệnh còn chậm xử lý những cán bộ vi phạm và biểu dương, khen thưởng kịp thời những cán bộ phục vụ tốt. Cán bộ được công nhận gương sáng y đức qua các năm còn chiếm tỷ lệ thấp; nguồn lực đầu tư cho ngành Y tế chưa đồng bộ; tình trạng thiếu bác sỹ ở tất cả các tuyến, thiếu bác sỹ chuyên sâu cho các chuyên ngành... chưa được khắc phục.
Để đề án ngày càng phát huy hiệu quả, giai đoạn 2014 – 2023, ngành Y tế tiếp tục triển khai đề án thường xuyên, có chất lượng với nhiều hình thức sinh hoạt phong phú. Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, nâng cao y đức, giảm phiền hà cho người bệnh. Tăng dần số lượng bệnh viện đạt “tiêu chuẩn quản lý chất lượng bệnh viện” và nhiều cán bộ, nhân viên đạt danh hiệu “Gương sáng y đức”.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Đinh Thị Lệ Thanh ghi nhận những kết quả đạt được của ngành Y tế trong 10 năm thực hiện đề án, đồng thời mong muốn thời gian tới, ngành tiếp tục triển khai mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa những nội dung chính của đề án với một mục tiêu duy nhất: làm thế nào để nâng cao hơn nữa công tác khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế, từng bước đáp ứng yêu cầu của người bệnh, xứng đáng là “lương y như từ mẫu”.
Dịp này, thừa ủy quyền Chủ tịch nước, đồng chí Đinh Thị Lệ Thanh đã trao Huân chương Lao động hạng Ba cho Thầy thuốc nhân dân Dương Công Hoạt - nguyên Giám đốc Bệnh viện Sản - Nhi; Cờ thi đua của Bộ Y tế cho Sở Y tế, Chi cục ATVSTP, Chi cục dân số KHHGĐ, và danh hiệu gương sáng y đức cho 53 cá nhân có thành tích xuất sắc trong 10 năm thực hiện đề án.
.
Tại hội nghị, ngành Y tế đã tổ chức ký cam kết tiếp tục thực hiện đề án “Nâng cao y đức” với sự tham dự của tất cả lãnh đạo các bệnh viện, các cơ sở y tế trên địa bàn toàn tỉnh. Phát động phong trào thi đua yêu nước toàn ngành năm 2014.
Chiều cùng ngày, ngành Y tế tổ chức sơ kết 2 năm thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia y tế xã.
Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện như về cơ sở vật chất, về nhân lực, tài chính... thế nhưng tính đến cuối năm 2013, toàn tỉnh có 245 xã/480 xã đạt Bộ tiêu chí quốc gia y tế xã, trong đó có một số huyện đạt kết quả khả quan như: Thành phố Vinh 92%, Thị xã Cửa Lò 71,4%, Đô Lương 72,7%, Nam Đàn 66,7%, Nghi Lộc 63,3%...Các huyện đạt tỷ lệ thấp chủ yếu rơi vào những huyện miền núi cao, vùng khó khăn như Kỳ Sơn không có một xã nào, Con Cuông 15,4%, Quế Phong 21,4%, Hưng Nguyên 13,3%... Phấn đấu đến năm 2015, toàn tỉnh có 60% số xã và đến năm 2020 có 80% số xã đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế.
Dịp này, ngành Y tế đã trao bằng khen của UBND tỉnh cho 5 tập thể (Phòng Kế hoạch tổng hợp Sở Y tế, Trung tâm Y tế Diễn Châu, Trung tâm Y tế Nghi Lộc, UBND huyện Đô Lương, UBND TP Vinh) và 10 cá nhân có thành tích xuất sắc trong hai năm thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã.
Thanh Thủy-Từ Thành