Từ trải nghiệm thời thơ ấu…
Khi bước vào vai trò mới Tổng giám đốc WHO cách đây 2,5 năm, ông Tedros cam kết sẽ cải tổ WHO và giải quyết các căn bệnh khiến hàng triệu người thiệt mạng mỗi năm như sốt rét, sởi, HIV/AIDS. Trong một bài viết trên tạp chí y khoa Lancet cùng năm, Tedros khẳng định, đó là cơ hội để ông có thể thực hiện “bảo hiểm y tế toàn cầu” - mục tiêu mà ông cho là “thách thức cả đời” của mình.
“Tất cả các con đường đều dẫn đến bảo hiểm y tế toàn cầu, và đây là ưu tiên hàng đầu của tôi tại WHO. Bảo hiểm y tế toàn cầu là vấn đề đạo đức. Có bảo hiểm, mọi người sẽ không chết vì nghèo và bần cùng”, ông viết ngay sau khi nhậm chức. Mục tiêu đó được định hình từ những trải nghiệm tuổi thơ đầy ám ảnh của ông.
Khi ông Tedros lên bảy tuổi và sống ở Ethiopia, em trai ông đã chết vì một căn bệnh lạ, nghi là sởi. “Cho đến giờ, tôi vẫn không thể chấp nhận điều đó”, Tiến sĩ Tedros, 55 tuổi nói với tạp chí Time trong một cuộc phỏng vấn năm 2019. Những mất mát thời thơ ấu đã khiến ông đau đáu về sự bất công trong một thế giới nơi mà trẻ em có thể sống hoặc chết chỉ dựa trên sức mạnh của hệ thống chăm sóc sức khỏe của đất nước mà chúng sống. Điều đó đã thôi thúc ông làm điều gì đó để không còn ai phải trải qua những cảm giác đáng sợ ấy.
Ông Tedros bắt đầu sự nghiệp y khoa của mình ở Ethiopia, nơi ông lấy bằng Cử nhân Khoa học Sinh học năm 1986 từ Đại học Asmara, cũng chính là quê hương ông. Sau đó ông tới Anh học Thạc sĩ Khoa học về Miễn dịch bệnh truyền nhiễm của Trường Y học Nhiệt đới và Vệ sinh London bằng học bổng của WHO và bằng Tiến sĩ về Sức khỏe Cộng đồng của Đại học Nottingham.
Tedros cũng là một thành viên của đảng Mặt trận Giải phóng Nhân dân Tigray và được bổ nhiệm làm Bộ trưởng y tế Ethiopia từ 2005 - 2012. Trong thời gian này, ông nhận được tín nhiệm rộng rãi vì những nỗ lực cải cách hệ thống y tế của đất nước như giảm tỷ lệ tử vong ở phụ nữ mang thai, đào tạo và triển khai 38.000 nhân viên y tế cộng đồng trên khắp Ethiopia…Từ năm 2012 - 2016, ông là Bộ trưởng Ngoại giao Ethiopia - một bước đệm để ông tranh cử chức Tổng giám đốc WHO.
Những người ủng hộ miêu tả ông là người lôi cuốn, can đảm và thân thiện. Ngay tại buổi họp báo đầu tiên trên cương vị mới, ông Tedros đã khiến các nhà báo cảm thấy ấn tượng. Ông Tedros tươi cười, nói chuyện một cách thư giãn với tông giọng nhỏ nhẹ. Nhưng đằng sau phong thái đó là một người đàn ông quyết đoán.
“Tôi đã biết bác sĩ Tedros trong 27 năm... Ông ấy là người có nguyên tắc và sự lãnh đạo bình tĩnh nhưng kiên định, đầy dũng cảm” - Laura Hammond, một giáo sư của Đại học London nhận xét. Suerie Moon, đồng giám đốc Trung tâm Sức khỏe Toàn cầu nhấn mạnh trên Twitter rằng “Tedros đã chứng tỏ mình là một nhà lãnh đạo mạnh mẽ, lành nghề và nhà ngoại giao giàu kinh nghiệm”.
Tuy nhiên cũng có không ít ý kiến chỉ trích nói rằng, ông giống một chính trị gia hơn là quan chức y tế. Trong chiến dịch vận động cho vị trí Tổng giám đốc WHO, ông Tedros đã bị buộc tội che đậy sự bùng phát dịch tả có thể xảy ra ở Ethiopia vào năm 2006, 2009 và 2011. Ông phủ nhận làm như vậy và khẳng định đó là một “chiêu trò” nhằm “đánh gục” ông trong cuộc đua. Sau đó, năm 2017 khi đã nhậm chức ở WHO, Tedros lại gây tranh cãi khi chọn Tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe làm đại sứ thiện chí của WHO, một quyết định mà sau đó ông buộc phải đảo ngược do làn sóng chỉ trích tập trung vào sự độc tài của nhà lãnh đạo quá cố của Zimbabwe. Sự chỉ trích nhằm vào ông Tedros lại nổi lên khi thế giới đối mặt với đại dịch Covid - 19 tồi tệ.
Đến “Quả bom kép” trong sự nghiệp
Đại dịch Covid-19 và lời đe dọa của Tổng thống Mỹ Donald Trump ngừng tài trợ cho WHO trở thành thách thức lớn chưa từng có với người đứng đầu tổ chức y tế này. Kể từ khi dịch bùng phát ở Vũ Hán và sau đó lan nhanh ra hầu khắp các quốc gia trên thế giới với những thiệt hại chưa thể đong đếm hết, WHO phải đảm nhận trách nhiệm toàn cầu trong ứng phó với dịch bệnh khi tiềm lực còn hạn chế.
Với ngân sách hàng năm là 2,5 tỷ USD và hầu như chưa hề thay đổi trong ba thập kỷ trở lại đây, công bằng mà nói với số tiền thấp hơn nhiều bệnh viện lớn ở Mỹ sẽ rất khó để WHO có thể đáp ứng nhu cầu y tế toàn cầu đang ngày một gia tăng.
Ngoài ra, áp lực lớn nữa với WHO là sự chỉ trích của nhiều quốc gia về cách đối phó với dịch bệnh. Trong bối cảnh dịch bệnh ngày một nghiêm trọng, không ít người đã “đổ” trách nhiệm này lên WHO vì những phản ứng chậm chạp, như không công bố mức độ nguy hiểm của virus SARS-CoV-2 sớm hơn hay không có những bước đi quyết đoán để phản ứng khẩn cấp với dịch bệnh…
Trong 2 tháng qua, một thư kiến nghị của công chúng được tung lên mạng đòi ông Tedros Adhanom Ghebreyesus từ chức Tổng Giám đốc WHO đã thu được chữ ký của 800.000 người, nhiều hơn 10 lần so với số người ký vào kiến nghị ủng hộ ông.
Mới đây nhất là phản ứng của Mỹ khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố ngừng tài trợ cho WHO vì cách xử lý “yếu kém” của tổ chức này khiến toàn cầu nhiễm Covid-19. Giới quan sát cho rằng, động thái này của Mỹ một mặt vì “không ưa” các tổ chức đa phương như WHO, phần nữa là “lấy cớ” nhắm vào Trung Quốc. Trước đó, nhà lãnh đạo Mỹ chỉ trích Tổng giám đốc WHO là người “thiên vị” Trung Quốc.
Một số tờ báo của Mỹ cho rằng Trung Quốc là nước đã có nhiều tác động để ông Tedros có được vị trí như hiện nay. Trung Quốc được cho là đã sử dụng những cam kết về tài chính làm đòn bẩy để lôi kéo các quốc gia đang phát triển bầu cho Tedros năm 2017, từ đó giúp ông vượt qua ứng cử viên David Nabarro của Anh. Đáp trả những chỉ trích này, ông Tedros khẳng định, WHO không thiên vị Trung Quốc đồng thời kêu gọi “không chính trị hóa virus”.
Một số nhà quan sát trung lập nói rằng, không thể phủ nhận WHO không phải một thể chế hoàn hảo nhưng tổ chức này có thể không đáng phải chịu toàn bộ trách nhiệm cho sự phản ứng chậm trước cuộc khủng hoảng y tế hiện nay như những cáo buộc của Mỹ. Nhận định đầy cảm thông đó xuất phát từ việc xem xét tiềm lực WHO và sự khó khăn của tổ chức này trong tiếp cận các chính sách của từng quốc gia. Nó có thể phần nào xoa dịu những công chúng tỏ ra tức giận đại dịch lan tràn nhưng sẽ khó lòng giúp người đứng đầu WHO vượt qua thách thức kép trong nhiệm kỳ của mình./.