Chiều 7/12, tại thành phố Vinh, Trung tâm Bảo tồn và Phát huy di sản dân ca xứ Nghệ tổ chức báo cáo tổng duyệt vở diễn “Hừng đông” của tác giả Nguyễn Thế Kỷ trước Hội đồng Nghệ thuật tỉnh để xin ý kiến chỉ đạo trước khi biểu diễn phục  vụ nhiệm vụ chính trị và quần chúng nhân dân.

bna_15531815_7122019.jpgTác giả, Hội đồng Nghệ thuật tỉnh, các đồng chí lãnh đạo tỉnh, đại diện các sở, ban, ngành theo dõi tổng duyệt vở diễn.

Tham dự buổi tổng duyệt có các đồng chí: PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam; Lê Hồng Vinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Hồ Mậu Thanh - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao; các đồng chí trong Hội đồng Nghệ thuật tỉnh; đại diện các sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh; lãnh đạo huyện Nam Đàn, Yên Thành, thành phố Vinh cùng đại diện dòng họ Phan Đăng ở xã Hoa Thành (Yên Thành).

Vở diễn “Hừng đông” của PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, do NSƯT Nguyễn An Ninh chuyển thể kịch bản dân ca và NSND Lê Hùng đạo diễn.

Nội dung vở diễn tập trung ca ngợi cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của đồng chí Phan Đăng Lưu (1902 - 1941), quê xã Hoa Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An), là chiến sĩ cộng sản, nhà lãnh đạo kiên trung, xuất sắc, mẫu mực, có tầm nhìn xa trông rộng, mưu lược, khôn khéo, bản lĩnh, nhân văn, xả thân vì nghĩa lớn.

Cảnh đồng chí Phan Đăng Lưu từ biệt gia đình, quê hương lên đường làm cách mạng.

Đồng thời, ông còn là nhà báo, nhà văn, một nhà lý luận tiên phong xuất sắc, tiêu biểu của Đảng và cách mạng nước ta. Trí tuệ, bản lĩnh, tài năng, đạo đức và nhân cách của ông đã góp phần xuất sắc cho Đảng, cho cách mạng, nhân dân ở một giai đoạn vẻ vang, tạo tiền đề quan trọng tiến tới Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công.

Những cống hiến xuất sắc và hy sinh to lớn của đồng chí Phan Đăng Lưu - tấm gương cộng sản sáng ngời của ông mãi mãi được toàn Đảng, toàn dân ta và các thế hệ mai sau đời đời trân trọng, ghi nhớ, ra sức học tập, noi theo.

Cảnh Phan Đăng Lưu gặp chí sỹ cách mạng Phan Bội Châu ở Huế.

Vở diễn bao gồm các phân cảnh: Cảnh 1, Quê nhà: Phan Đăng Lưu là nhân viên Trại tơ tằm Thanh Ba, Phú Thọ về thăm nhà. Cảnh này nêu bật trí thông minh, bản lĩnh, hoài bão của chàng thanh niên xứ Nghệ; truyền thông văn hóa, yêu nước của gia đình và quê hương ông. Cảnh 2, Vinh, Nghệ An: Phan Đăng Lưu từ bỏ vị trí một viên chức trong bộ máy của Thực dân, trở thành nhà hoạt động cách mạng.

Cảnh 3, Huế: Hoạt động cách mạng của Phan Đăng Lưu ở Huế. Cảnh 4: Phan Đăng Lưu trong nhà tù Buôn Ma Thuột (1929-1936). Cảnh 5: Phan Đăng Lưu chỉ đạo đấu tranh nghị trường, báo chí, văn hóa, tư tưởng ở Huế (1936-1939). Cảnh 6: Nam Kỳ sục sôi chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa. Cảnh 7: Phan Đăng Lưu ra Bắc, dự Hội nghị tái lập BCH Trung ương Đảng, xin chủ trương đình hoãn cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ.

Và cảnh kết, Hừng đông: Phan Đăng Lưu bị địch bắt ngay khi về đến Sài Gòn, Khởi nghĩa Nam Kỳ nổ ra trong khí thế cách mạng ngút trời của quần chúng; kẻ thù đàn áp hết sức dã man; Phan Đăng Lưu cùng nhiều chiến sỹ cách mạng ưu tú ngã xuống trước hừng đông của độc lập, tự do…

Cảnh đồng chí Phan Đăng lưu chỉ đạo đấu tranh cách mạng.

Sau khi tổng duyệt, Hội đồng Nghệ thuật của tỉnh sẽ có thêm những ý kiến đóng góp về nội dung và cách trình bày, diễn xuất để vở diễn “Hừng đông” tiếp tục được hoàn thiện trước lúc công diễn phục vụ các sự kiện chính trị và quần chúng nhân dân.