Ngày 3/10, ngày làm việc thứ hai của Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Ban Chấp hành Trung ương đã thống nhất rất cao (với tỉ lệ 100%) giới thiệu đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng để Quốc hội bầu giữ chức vụ Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV.

Phó Chủ tịch phụ trách kiêm Tổng Thư ký Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị Việt Nam Đôn Tuấn Phong cho rằng, việc Trung ương giới thiệu Tổng Bí thư để Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước là quyết định sáng suốt. Bởi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người lãnh đạo hội tụ đầy đủ các yếu tố cần thiết của người đứng đầu Nhà nước, đây cũng là bước đột phá trong công tác nhân sự của lãnh đạo cao nhất Đảng, Nhà nước.

tbtphatbieukhaim656735_4102018.jpgTổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu khai mạc hội nghị Trung ương 8. Ảnh: Nhật Bắc/LĐO

“Nhìn từ góc độ công tác đối ngoại, việc Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước sẽ thuận lợi. Khi người đứng đầu Đảng cũng là người đứng đầu Nhà nước thì công tác lãnh đạo phát triển đất nước về kinh tế - xã hội nói chung sẽ thuận lợi hơn trong tình hình mới” - ông Đôn Tuấn Phong nêu ý kiến.

Còn theo PGS.TS Nguyễn Viết Thông, Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương, từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và XII, Đảng đã bàn về vấn đề này. Tổng Bí thư đồng thời là Chủ tịch nước sẽ có lợi trên nhiều phương diện, kể cả đối nội, đối ngoại.

Hơn nữa, trong văn kiện Đảng đã hướng dẫn, quyết định Bí thư cấp ủy các cấp đồng thời là Chủ tịch HĐND và sắp tới sẽ tiến hành ở cấp xã, huyện và tỉnh. Lần này tiến hành ở cấp Trung ương càng tạo ra sự đồng bộ theo tinh thần các Nghị quyết Đảng gần đây, nhất là Nghị quyết Trung ương 6 và 7.

Ông Nguyễn Đình Hương – nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương cho rằng, đây là thời điểm chín muồi để thực hiện phương án Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước. Cơ chế Tổng Bí thư - Chủ tịch nước đã từng được ông Nguyễn Đình Hương nêu ý kiến ủng hộ từ Đại hội VII. Hơn nữa, nhìn rộng ra các nước XHCN như Trung Quốc, Lào cũng đã có cơ chế này. Rõ ràng, không phải các nước thực hiện mô hình nào chúng ta cũng áp dụng y như vậy, nhưng việc nào bạn bè quốc tế làm đúng, làm tốt thì Việt Nam cũng nên rút kinh nghiệm để áp dụng cho tốt.

Đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân cũng cho rằng, việc Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước sẽ tạo điều kiện rất tốt để công cuộc phòng chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước tiếp tục đạt hiệu quả cao trong thời gian tới.

Trung tướng Khuất Duy Tiến, nguyên Tư lệnh Binh đoàn Tây Nguyên chia sẻ: “Không chỉ riêng tôi mà rất nhiều cán bộ thấy việc này là hợp lý”.

Ông Vũ Mão - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cũng cho rằng, niềm tin của người dân đặt vào Tổng Bí thư ngày càng mạnh mẽ, đây sẽ là thời điểm chín muồi để Trung ương triển khai việc thực hiện mô hình Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước.

“Tôi tin nếu chúng ta làm tốt, có những bổ sung về mặt pháp luật, về quy định trong Điều lệ Đảng, hiệu quả mang lại sẽ rất lớn”, ông Vũ Mão nói.

Chị Phan Thị Diễm Trinh (ở phường Tứ Liên, quận Tây Hồ, Hà Nội) thì nhấn mạnh rằng, với 100% đại biểu ủng hộ đã nói lên sự tín nhiệm dành cho Tổng Bí thư là tuyệt đối. Do đó, việc giới thiệu đồng chí Nguyễn Phú Trọng để bầu làm Chủ tịch nước là hoàn toàn xứng đáng.

“Tôi tin tưởng, với vị trí mới, đồng chí Nguyễn Phú Trọng sẽ đưa đất nước hội nhập và phát triển tốt hơn nữa” - chị Diễm Trinh bày tỏ.

Ông Trần Văn Tung (phường 5, thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau) bày đồng tình với quyết định của Ban Chấp hành Trung ương về việc giới thiệu Tổng Bí thư để Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch nước. Theo ông, thời gian vừa qua, Tổng Bí thư đã có chỉ đạo quyết liệt và sát sao trong công tác phòng, chống tham nhũng.

Qua những vụ việc lớn được xử lý đã củng cố niềm tin của quần chúng, đảng viên và nhân dân trong cả nước. Ông tin tưởng và kỳ vọng rằng, Tổng Bí thư sẽ làm tốt hơn nữa công tác phòng, chống tham nhũng cũng như góp phần trong công tác đối nội đối ngoại.