TBT Nguyễn Phú Trọng, CTN Trần Đại Quang, TT Nguyễn Xuân Phúc, CTQH Nguyễn Thị Kim Ngân ứng cử tại Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng và Cần Thơ.
Lãnh đạo cấp cao được phân bổ đều các vùng miền
Tại cuộc họp báo chiều 26/4, Chánh văn phòng Hội đồng Bầu cử Quốc gia Nguyễn Hạnh Phúc đã công bố Nghị quyết danh sách 870 người chính thức ứng cử đại biểu Quốc hội khoá XIV ở 184 đơn vị bầu cử trong cả nước để bầu 500 đại biểu Quốc hội khoá XIV.
Theo đó, số người ứng cử do Trung ương giới thiệu là 197; địa phương giới thiệu là 673, đạt tỉ lệ 1,74 người ứng cử trên 1 đại biểu được bầu (trong đó có 11 người tự ứng cử).
Danh sách các vị lãnh đạo cấp cao, các Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng cũng được phân bổ đều ở các vùng miền, nhất là vùng sâu vùng xa.
“Qua các kỳ bầu cử đều có việc địa phương có đơn mong muốn đồng chí lãnh đạo nào đó về ứng cử tại địa phương mình, có đồng chí được nhiều địa phương đề nghị. Tuy nhiên, do sự phân công công tác nên các vị trí được bố trí đều ở các vùng miền”, ông Phúc cho biết thêm.
Theo dánh sách ứng cử tại các đơn vị được công bố, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ứng cử tại Đơn vị bầu cử số 1 của Hà Nội, gồm các quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Tây Hồ.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang ứng cử tại Đơn vị bầu cử số 1 của TPHCM (quận 1, quận 2, quận 4).
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân ứng cử tại đơn vị bầu cử số 1 ở TP Cần Thơ (2 quận Ninh Kiều, Cái Răng và huyện Phong Điền).
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ứng cử tại Đơn vị bầu cử số 3 tại TP Hải Phòng (gồm các quận: Kiến An, Đồ Sơn và các huyện: An Lão, Tiên Lãng, Vĩnh Bảo).
Tín nhiệm cao nơi cư trú vẫn bị loại là việc bình thường
Trả lời câu hỏi của phóng viên cho biết quan điểm về danh sách những người tự ứng cử, Chánh văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia Nguyễn Hạnh Phúc bày tỏ hoan nghênh và cho rằng điều này thể người dân quan tâm và muốn tham gia diễn đàn Quốc hội, đóng góp vào hoạt động Quốc hội
“Vừa qua rất nhiều người dân ở nhiều vị trí khác nhau có đơn tự ứng cử, qua đối chiếu tiêu chuẩn và lấy tín nhiệm ở nơi cứ trú, qua các vòng hiệp thương trước để chốt danh sách chính thức. Kể cả người tự ứng cử và người được giới thiệu đều qua các vòng chặt chẽ theo quy định pháp luật”, ông Phúc nhấn mạnh.
Về việc một số người tự ứng cử được cử tri nơi cư trú tín nhiệm rất cao, thậm chí 100% nhưng bị loại ở vòng hiệp thương lần 3, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng đó là việc bình thường.
“Vòng hiệp thương lần 3 là rất quan trọng, quyết định lựa chọn lập danh sách trên cơ sở kết quả các vòng, từ nơi cư trú, 2 vòng hiệp thương trước để đánh giá toàn diện”, ông Nguyễn Hạnh Phúc nói và đề cập như trường hợp của ông Trần Đăng Tuấn chỉ có 13/83 người ủng hộ tại Hội nghị hiệp thương cuối cùng là rất thấp.
Trước băn khoăn về hình thức biểu quyết giơ tay tại vòng hiệp thương, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, tại hội nghị, chủ toạ xin ý kiến cử tri cho phép dùng hình thức bỏ phiếu kín hoặc giơ tay và đó là quyền của cử tri, không ai bắt buộc phải bỏ phiếu kín hoặc phải giơ tay. Hơn nữa, người kiểm phiếu chính là cử tri tham dự hội nghị được cử ra nên kết quả là chính xác.
Liên quan đến quyền của người bị tạm giam, tạm giữ, ông Nguyễn Hạnh Phúc có biết, những người này vẫn được bỏ phiếu vì họ chưa mất quyền công dân và việc tổ chức bỏ phiếu thông qua nhiều hình thức để đảm bảo quyền công dân./.
Theo VOV