Chiều 6/3 tại Phủ Chủ tịch, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã gặp mặt phụ nữ tiêu biểu nhân kỷ niệm 105 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, 55 năm “Đội quân tóc dài”, 50 năm phong trào “Ba đảm đang”.

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan gửi tới các mẹ, các chị lời chúc sức khỏe, sự biết ơn chân thành

Buổi gặp mặt là dịp thể hiện tình cảm và sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đối với các mẹ Việt Nam anh hùng, các Anh hùng Lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, các đại diện tiêu biểu của “Đội quân tóc dài” và phong trào “Ba đảm đang”.

Bày tỏ niềm xúc động, tự hào, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan gửi tới các mẹ, các chị lời chúc sức khỏe, sự biết ơn chân thành. Các mẹ, các chị - những tấm gương tiêu biểu của hai phong trào “Đội quân tóc dài” và “Ba đảm đang” tại 63 địa phương là biểu tượng của khí phách anh hùng, lòng dũng cảm của phụ nữ Việt Nam. Không chỉ thay chồng chăm sóc cha mẹ, làm việc đồng áng mà các mẹ, các chị còn sẵn sàng cầm súng chiến đấu, bảo vệ quê hương, đất nước. Tinh thần ấy đã làm nên vẻ đẹp riêng của phụ nữ Việt Nam, góp phần cho cách mạng thành công.Phó Chủ tịch nước khẳng định đóng góp của các mẹ, các chị đã làm cho lịch sử của phụ nữ Việt Nam vẻ vang hơn, xứng đáng với các bậc anh hùng như Bà Trưng, Bà Triệu, xứng với 8 chữ Bác Hồ đã tặng phụ nữ Việt Nam “Anh hùng - Bất khuất - Trung hậu - Đảm đang”.

Phó Chủ tịch nước mong muốn các mẹ, các chị sống khỏe, sống có ích, đóng góp nhiều hơn cho sự nghiệp cách mạng của đất nước, tiếp tục truyền lửa cho các thế hệ con cháu để tạo sức lan tỏa lớn hơn nữa.

Ra đời trong phong trào Đồng khởi của tỉnh Bến Tre năm 1960, “Đội quân tóc dài” đã vận dụng nhuần nhuyễn phương châm 3 mũi giáp công: chính trị, binh vận và vũ trang để đánh địch. Đội quân tóc dài đã được Trung ương Đảng tặng 8 chữ vàng: "Anh dũng, đồng khởi, thắng Mỹ, diệt ngụy”.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 22/3/1965, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã phát động phong trào phụ nữ “Ba đảm nhiệm”. Chỉ 3 tháng sau khi phát động, đã có 1,7 triệu chị em đăng ký phụ nữ "Ba đảm nhiệm". Phong trào sau đó đã được Bác Hồ đổi tên thành “Ba đảm đang”. Do đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ cách mạng lúc ấy, phong trào đã nhanh chóng phát triển thành cao trào cách mạng sôi nổi, rộng lớn, huy động được sức mạnh tổng hợp của hàng chục triệu phụ nữ từ nông thôn tới thành thị, từ miền ngược đến miền xuôi, trên mọi lĩnh vực hoạt động.

Thi đua với phụ nữ miền Nam, hàng chục ngàn nữ thanh niên miền Bắc đã hăng hái gia nhập các đơn vị dân quân tự vệ trực tiếp cầm súng phối hợp cùng các đơn vị bộ đội, dân quân bắn rơi nhiều máy bay Mỹ. Hàng chục ngàn nữ thanh niên tình nguyện tham gia bộ đội chủ lực, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp chiến đấu và phục vụ chiến đấu trên khắp các mặt trận, lập nên những chiến công vẻ vang. Thời kỳ “Ba đảm đang” có 42 nữ anh hùng, 9 đơn vị nữ anh hùng được tôn vinh; trên 1.700 chị em được thưởng Huy hiệu Bác Hồ; trên 5.000 chị em là chiến sỹ thi đua toàn quốc, gần 4 triệu hội viên đạt danh hiệu phụ nữ “Ba đảm đang”.

Theo TTXVN