(Baonghean) - Triển khai Nghị định 62/2014/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ quy định xét tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú, Nghệ nhân nhân dân trong lĩnh vực di sản phi vật thể, đầu năm 2016, tỉnh Nghệ An đã tổ chức vinh danh, trao tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú lần thứ I cho 39 nghệ nhân.
Đến nay, quy trình xét duyệt hồ sơ nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân nhân dân lần thứ II đang được tiến hành nhưng trong thực tế có nhiều điều đáng bàn.
Khó do hồ sơ
Sinh ra và lớn lên ở bản Na Cống, xã Châu Hoàn, huyện Quỳ Châu, từ năm lên 12 tuổi, ông Trương Văn Thông (SN 1958) đã được ông, cha trao truyền “vốn liếng” sử dụng nhạc cụ và các làn điệu dân ca đồng bào dân tộc Thái thuần thục, điêu luyện.
Cùng với đó, những bài văn cúng, tế lễ theo nghi thức truyền thống vốn chỉ được trao cho dòng nam chính cũng được ông khắc cốt ghi tâm và phục vụ cho các lễ hội lớn tại địa phương. Dù chưa một lần đứng trên bục vinh danh, nhưng hàng chục năm nay, người dân xã Châu Hoàn vẫn quen gọi ông là “nghệ nhân” của bản.
Khi được cán bộ văn hoá thông báo, hướng dẫn làm thủ tục xét tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú, ông Trương Văn Thông khá bất ngờ. Ông chia sẻ: “Nhà nước có chính sách vinh danh này, tôi rất vui, nhưng thấy thủ tục cũng phức tạp quá. Để bộ hồ sơ “đẹp”, cần có giấy khen, bằng khen kèm theo, rồi hình ảnh, băng đĩa... Tôi cũng đi hội thi, hội diễn nhiều lần rồi nhưng chỉ có giấy khen tập thể, không có giấy khen cá nhân, mà cũng không lưu giữ hình ảnh gì chứng minh cả”.
Cũng như ông Trương Văn Thông, nhiều người nắm giữ di sản phi vật thể ở huyện Quỳ Châu giãi bày những khó khăn trước yêu cầu phải có hình ảnh, băng đĩa ghi lại nghệ thuật trình diễn dân gian mà họ nắm giữ. Thực tế, phần lớn họ đều đã lớn tuổi, là đồng bào dân tộc Thái sinh sống ở các bản vùng sâu, vùng xa, đa số thuộc hộ nghèo, khả năng sử dụng công nghệ hạn chế.
Theo thống kê của phòng VHTT huyện, đến nay đã có 29 bộ hồ sơ từ các xã gửi lên, tuy nhiên chất lượng hồ sơ không cao, nhiều hồ sơ không đạt yêu cầu. Ông Trần Việt Đức - Trưởng phòng VHTT huyện cho biết, trong số đó có nhiều bộ thuộc về các “nghệ nhân” rất xứng đáng được vinh danh bởi những kiến thức quý giá họ nắm giữ cũng như lòng đam mê, nhiệt tình với hoạt động cộng đồng, nếu bị loại vì hồ sơ chưa thể hiện được đúng giá trị thì rất đáng tiếc.
Để tháo gỡ khó khăn, đảm bảo quyền lợi cho các “nghệ nhân”, ngành Văn hoá huyện Quỳ Châu phải cử cán bộ trực tiếp gặp gỡ từng người, hướng dẫn cụ thể các bước làm hồ sơ, hỗ trợ chụp ảnh, quay phim... Tuy nhiên, kinh phí để thực hiện vẫn rất khó khăn. Thực tế này cũng diễn ra ở nhiều huyện khác.
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vấn đề tôn vinh nghệ nhân cũng còn nhiều điều đáng bàn. Theo tiến độ Sở VH&TT giao cho các huyện, chậm nhất đến ngày 30/8/2017 phải tập hợp, gửi hồ sơ xét tặng nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân nhân dân về Sở, tuy nhiên đến nay một số địa phương vẫn còn dậm chân tại chỗ.
Như ở huyện Tương Dương, dù UBND tỉnh đã gửi kế hoạch triển khai từ đầu tháng 4, ngành Văn hoá huyện đã triển khai nội dung xuống các xã từ tháng 6, nhưng đến ngày 11/8 vẫn chưa có hồ sơ nào gửi lên.
Ông Vi Văn Son - Trưởng phòng VHTT huyện Tương Dương cho biết: “Các xã không mặn mà lắm, giục mãi nhưng vẫn trì trệ; trong khi “nghệ nhân” ở trong khe, trong suối thì hiểu biết hạn chế, không hướng dẫn cụ thể thì họ cứ chờ đợi thế thôi. Có lẽ phải cử cán bộ huyện xuống làm cho được việc”! Theo thống kê của Sở VH&TT, tính đến ngày 10/8 mới chỉ có 2 địa phương gửi hồ sơ về là TX. Cửa Lò và huyện Tân Kỳ, mỗi địa phương 2 bộ.
Trăn trở hậu vinh danh
Theo quy định của Nghị định 62/2014/NĐ-CP, đạt danh hiệu nghệ nhân ưu tú là một trong những tiêu chuẩn để lập hồ sơ xét tặng danh hiệu cao hơn là nghệ nhân nhân dân. Ở huyện Yên Thành, nghệ nhân ưu tú Phan Thế Phiệt (1947) ở xã Hoa Thành là một trong những người được hướng dẫn làm hồ sơ xét tặng nghệ nhân nhân dân. Thế nhưng, thay vì niềm vui, người nghệ nhân gắn bó trọn đời cho ví, giặm ấy lại nặng trĩu tâm sự.
“Thật lòng, nếu được danh hiệu nghệ nhân nhân dân thì tốt, mà không được thì cũng chẳng sao, tôi không quan tâm lắm. Danh hiệu chỉ là sự động viên về mặt tinh thần cho cá nhân, còn điều tôi và nhiều người yêu ví, giặm mong mỏi nhất là có những chính sách thiết thực, thường xuyên, lâu dài để phong trào ví, giặm các địa phương phát triển tốt” - nghệ nhân ưu tú Phan Thế Phiệt chia sẻ.
Cùng chung niềm trăn trở như vậy, nghệ nhân ưu tú Trương Sông Hương (1951) ở xã Thọ Hợp, huyện Quỳ Hợp chia sẻ rằng, 1 năm sau khi được vinh danh là nghệ nhân ưu tú, cuộc sống của ông vẫn không có gì khác biệt. Không có lương hưu hay nguồn trợ cấp gì, hiện ông vẫn sống phụ thuộc vào con cháu trong ngôi nhà giản dị.
Hàng chục năm qua, không vì danh hiệu hay vật chất, chỉ với niềm đam mê và ý thức trách nhiệm, ông vẫn lặng thầm sưu tầm, sáng tạo, trao truyền các làn điệu dân ca, dân vũ của đồng bào dân tộc Thổ. Tuy nhiên, thi thoảng vẫn không tránh khỏi chạnh lòng khi tuổi ngày càng cao, điều kiện kinh tế khó khăn, kinh phí để nghệ nhân và các câu lạc bộ dân ca hoạt động chẳng đáng là bao.
Ở tuổi gần 70, ông chẳng còn mong đợi gì nhiều, chỉ lo lắng rằng thế hệ trẻ sẽ không mấy mặn mà với văn hoá dân gian khi nhìn vào cuộc sống còn nhiều khó khăn của những người nắm giữ di sản hiện nay.
Những nghệ nhân ưu tú như ông Phan Thế Phiệt, Trương Sông Hương và hàng trăm “nghệ nhân” trên các miền quê Nghệ An chưa được vinh danh lâu nay vẫn được những người yêu văn hoá dân gian gọi là “báu vật nhân văn sống”. Làm thế nào để các “báu vật” ấy được tiếp thêm “lửa” nhiệt huyết để “chắp cánh” di sản?
Làm thế nào để các danh hiệu không chỉ toả sáng trong buổi vinh danh? Câu trả lời dành cho các ngành Văn hoá, chính quyền các địa phương, mà trước hết, việc cần làm ngay là tích cực, rốt ráo, có trách nhiệm cao để hoàn thiện hồ sơ xét tặng nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân nhân dân đợt II, đừng để các “báu vật sống” phải chờ.
Phước Anh