(Baonghean.vn) - Sản xuất tôm nõn là nghề truyền thống đã có từ hàng chục năm nay, gắn với cuộc sống của người dân vùng biển Diễn Châu. Nghề này đang giải quyết hàng trăm lao động nhàn rỗi và góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế từ con tôm.

a
Tôm nõn được sản xuất quanh năm, nhưng thời gian từ tháng 4 đến tháng 9 là chính vụ vì nguồn tôm biển ở rất dồi dồi dào. Con tôm được chọn làm tôm nõn phải đảm bảo yếu tố tươi và đều con. Nhờ nghề chế biến tôm nõn phát triển, nên mỗi năm đã tiêu thụ cho ngư dân gần 25.000 tấn tôm tươi. Không những thế còn nhập thêm tôm từ các huyện khác như Quỳnh Lưu, Nghi lộc, Cửa lò…  Ảnh:  Quang An.
Khách mua tôm trên bến Lạch Vạn. Ảnh Quang An
Tôm sau khi đưa về được rửa sạch, rồi luộc sơ qua trên bếp lửa. Đây cũng là một công đoạn rất quan trọng bởi luộc kỹ quá con tôm sẽ bị nát mà luộc chưa tới thì rất khó bóc vỏ.
Công đoạn bóc tôm đang giải quyết khoảng 500 lao động chủ yếu là phụ nữ và người già tranh thủ những lúc nhàn rỗi, nghề bóc tôm cũng cho thu nhập khoảng 100 nghìn đồng/người/ngày. 
Tôm sau khi bóc vỏ được rửa sạch và rải đều trên nong và hong khô trên bếp than hoa trong vòng 5 tiếng đồng hồ. Bình quân 10kg tôm tươi, mới chế biến được 1 kg tôm nõn khô. Tôm nõn khô loại ngon có màu đỏ tươi, săn chắc và có mùi vị thơm, dịu ngọt.
Hiện nay ở Diễn Châu có khoảng 150 hộ làm nghề tôm nõn, trong đó có 20 cơ sở chuyên thu mua sản xuất tôm nõn tập trung tại 2 xã Diễn Ngọc và Diễn Bích, sản lượng tôm nõn Diễn Châu mỗi năm đạt 22 tấn/năm, đem lại giá trị khoảng 14 tỷ đồng.Tôm nõn sau khi chế biến có giá 500 -800 kg đồng/ kg.

                                                                                                                    Ngọc Sơn - Vân Anh