(Baonghean) - Sự kiện Truông Bồn diễn ra ngày 31/10/1968, mãi 29 năm sau tôi mới viết Phóng sự “Ngược Truông Bồn” (báo Lao động ra ngày 10/5/1997). Dẫu biết, không bài viết nào phản ánh hết tầm cao sâu của sự kiện Truông Bồn đã góp vào trang sử cứu nước liệt oanh giữa thế kỷ 20. Nhưng một sự kiện lịch sử, dù hào hùng đến mấy, song diện mạo của những người đã hy sinh mà ngay từ đầu không được ghi chép lại một cách chân thực, không có một “chiến dịch” vận động sưu tập kiếm tìm di vật, sưu tập những câu chuyện sống động về họ, thì không những bốn chục năm sau, mà là mãi mãi, sự chân thực sống động vốn có sẽ bị cuộc đời phủ lên lớp màu huyền ảo.Khi sự kiện Truông Bồn xẩy ra, tôi đang tuổi khăn quàng. Tiếp đến 5 năm sau tôi trong quân ngũ cũng “mô tê răng rứa” về sự kiện này. Và rồi 10 năm sau nữa được sống, được ngồi trên giảng đường Hà Nội, tôi vẫn mù mờ về sự kiện bi hùng này. Thay vì phải biết một sự kiện như thế từng xẩy ra trên quê hương mình, tôi lại may mắn là còn nhớ được một số cột mốc, mà ở thời ấy nhiều người biết: Từ ngày 5/8/1964, cuộc chiến phá hoại do không quân, hải quân Mỹ tiến hành lan nhanh khắp miền Bắc Việt Nam, đến tháng 3/1968 Tổng thống Mỹ Giônxơn tuyên bố “ném bom hạn chế” từ vĩ tuyến 19 trở vào (từ cầu Bùng, Nghệ An đến bắc cầu Hiền Lương, Quảng Trị). Vì là tỉnh án ngự đầu bắc của “cán xoong”, nên các tuyến QL1A 30A, 15A... kênh nhà Lê qua đất Nghệ An nghiễm nhiên giữ vị trí “đầu vào” của huyết mạch giao thông Bắc-Nam, và trở thành mục tiêu số một bom Mỹ muốn xóa sổ. Thế là 16500 km2 tự nhiên của tỉnh Nghệ An bỗng thành “bãi chứa” khổng lồ hứng chịu đạn bom. Tất cả vì miền Nam ruột thịt. Quyết bảo vệ huyết mạch giao thông bằng mọi giá. Tiếng gọi thiêng liêng ăn sâu vào từng con tim, thấm vào từng vuông đất vuông trời xứ Nghệ. Ngày ấy bố tôi làm Bí thư Chi bộ nên tôi lõm bõm nghe được: Giữa năm 1968, ta mở tuyến tiếp nhận hàng hóa từ biển, Mỹ lập tức tập trung bom thảm pháo bầy hòng biến gần 90 cây số bãi ngang từ Quỳnh Lưu đến Nghi Lộc thành “vành đai trắng”. Chỉ riêng huyện Nghi Lộc, từ 1/4 đến hết tháng 8/1968, đã phải oằn mình dưới 1354 trận oanh tạc với sức công phá của 26607 quả bom các loại-chiếm 28% số trận đánh phá và 50% số bom trút xuống trong cùng thời gian trên toàn khu vực “cán xoong”!.

Tôi viết 'Ngược Truông Bồn' ảnh 1Gặp gỡ đồng đội. Ảnh: Sỹ Minh

Cùng với việc mở tuyến tiếp nhận hàng hóa từ phía biển, ta lập mặt trận bảo vệ các trọng điểm giao thông trên bộ gồm: cầu Cấm, Phương Tích, cầu Bùng, rú Guộc, rào Gang, Truông Bồn… Từ ngày 2-9/9/1968, ta mở thêm tuyến vận tải đường thủy mang tên Sông Lam, huy động nhân lực, phương tiện thuyền bè của ngư dân vào vận chuyển hàng hóa đường thủy, có lúc lên tới hàng vạn lượt người, cùng bộ đội, TNXP... kiên cường bám trụ làm nhiệm vụ trên các tuyến, các trọng điểm giao thông. Nhằm giành thế chủ động trên bàn Hội nghị Paris vừa nhóm họp (5/1968), từ tháng 8 đến tháng 10/1968, Tổng thống Giônxơn thực hiện chiến dịch mang tên “nấc thang cuối cùng”. Cỗ máy chiến tranh “ưu tiên” khối lượng đạn bom khổng lồ, tập trung oanh kích với cường độ vô cùng lớn, nhằm cắt đứt, loại bỏ các tuyến GTVT trên đất Nghệ An ra khỏi thế trận chiến tranh nhân dân đã được hình thành trên khắp mọi vùng miền. Trên mặt trận GTVT ngày ấy, sống chết không ranh giới, mỗi người dân là một chiến sỹ, là chiến binh tự nguyện với tên gọi chung là Nhân Dân. Và không chỉ riêng Truông Bồn, các “tọa độ lửa” khác trên đất Nghệ An đều góp vào lịch sử cứu nước chiến công của hàng vạn lượt người dân Việt Nam chân đất đầu trần, họ không để lại tên tuổi sau khi đã xả thân cứu nước, đã sát cánh cùng lực lượng bộ đội, TNXP “sống bám cầu bám đường, chết kiên cường dũng cảm”.Lan man chút nhằm gợi lại tháng ngày nóng bỏng của cái thời không dễ quên. Trên các tuyến giao thông huyết mạch qua đất Nghệ An, không riêng trọng điểm Truông Bồn, mà nhiều trọng điểm khác cũng phải hứng chịu khối lượng đạn bom khổng lồ như vậy. Thứ đến, những điều tôi phản ánh trong phóng sự, là kết quả điều tra sau khi sự kiện xẩy ra đã 29 năm, mà tôi 2 tuần liên tục hành trình bằng xe máy, tới khắp 15 xã thuộc các huyện Yên Thành, Đô Lương, Diễn Châu, và Thành phố Vinh, để tìm gặp bằng được chị Trần Thị Thông-nhân chứng sống sót duy nhất của Tiểu đội 2, và anh Nguyễn Xuân Thỏa, Đại đội trưởng C317... Và, như nói ở trên, khi nổ ra trận hủy diệt trọng điểm Truông Bồn thì tôi đã học ở Kinh Bắc, mãi sau này ngồi viết phóng sự, tra lịch vạn niên mới giật mình.Ngày 20/6/1997, tôi nhận được bì thư qua đường bưu điện, đề ngoài người gửi là Trương Tuấn Nga, trú khối Trung Nghĩa, phường Đông Vĩnh, Tp Vinh. Xem thư biết anh là CCB chống Mỹ. Anh kể, ngày đó đơn vị anh đóng ở Nam Đàn, anh được cử đi công tác trên Đô Lương, xong việc anh tranh thủ tạt thăm nhà 1 ngày 1 đêm. Mờ sáng 31/10/1968, anh đi bộ về đơn vị, khi đến cách trọng điểm Truông Bồn khoảng chừng 800m thì tàu bay trút bom… Anh đã đọc nhiều bài về sự kiện Truông Bồn, nhưng anh thích nhất bài viết của tôi nên mới làm mấy câu gọi là thơ tặng phóng sự của tôi: Rồi đây sẽ có một Tượng đài/Về 13 Anh hùng Truông Bồn bất tử/Rồi đây sẽ đi vào lịch sử/Những tên người dũng cảm đã hy sinh/ Rồi đây mỗi sáng lúc bình minh/Chúng tôi quay đầu về Truông Bồn/Mặc niệm/Phút tưởng nhớ đồng đội tôi ngã xuống/Sẽ không quên Giao Hưởng Ngược Truông Bồn.Mấy câu thơ của anh khích lệ động viên, giúp tôi ý thức rõ hơn trách nhiệm của người cầm bút với xã hội, với lịch sử.Từ sau ngày đi viết phóng sự, tôi nhiều lần cùng các tập thể, cá nhân, gia đình, bạn hữu…trở lại Truông Bồn. Vậy mà không lần nào khỏi ngậm ngùi: Chỉ 18 tiếng đồng hồ nữa là Mỹ tạm ngừng ném bom từ vĩ tuyến 19 trở ra, nhưng 13 anh, chị đã hóa thân vào lòng đất Truông Bồn, người trẻ nhất 17 tuổi, người nhiều nhất mới 22, tất cả đều chưa vợ chưa chồng, và không kịp chứng kiến cái thời khắc ấy. Buộc phải nói lên trăn trở này để thấy, suốt 4 ngày từ 29/11- 3/12/2010, việc tôi với nhà văn Trần Huy Quang lần lượt tìm vào từng gia đình viếng anh linh của 13 liệt sĩ; gặp gỡ trò chuyện với các thân nhân, đồng đội, bạn bè, gợi hỏi những kỷ niệm vui buồn còn lưu giữ với người đã khuất… là "đáy bể tìm kim". Chỉ với kì vọng qua những vảy vụn lấp lánh trong ký ức của những người đang sống, những người cầm bút nặng trách nhiệm với lịch sử, với đạo lý truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam, luôn cố gắng hết mình nhằm tái hiện một phần chân dung của từng liệt sĩ Truông Bồn. Trước khi bắt tay vào công việc, chúng tôi thống nhất quan điểm là không cầu toàn, có được chừng nào tư liệu sẽ cố gắng viết lại chừng nấy, viết một cách chân thực, viết bằng tất cả tấm lòng của người cầm bút tri ân với cuộc đời. Bằng câu chữ, anh em chúng tôi cố gắng ghi lại một cách chân thực, sống động những câu chuyện về cuộc đời của 13 liệt sĩ đang được thân nhân, đồng chí, bạn bè cất giữ.Và tập sách Thánh ca Truông Bồn của anh Trần Huy Quang, có thể xem là bộ sưu tập đầu tiên về chân dung, gia cảnh của 13 liệt sĩ TNXP C317 Truông Bồn - một tập thể anh hùng đang được lòng người, dòng đời hóa thạch giữa thời gian.

Giao Hưởng