(Baonghean.vn) - Hiện tại, trên 87 nghìn ha lúa xuân đang ở thời kỳ đẻ nhánh đến đẻ nhánh rộ. Ngoài ra các loại cây trồng khác như ngô, lạc và rau xuân cũng đang sinh trưởng và phát triển rất tốt trong điều kiện thời tiết ấm. Tuy nhiên, các đối tượng sâu bệnh hại đã phát sinh và lây lan với tốc độ nhanh.

 

Theo thống kê của ngành nông nghiệp, vụ xuân năm nay toàn tỉnh đã gieo cấy được trên 87.240 ha lúa, trong đó trà xuân sớm là 5.000ha và trà xuân trung là 82.240ha. Tuy nhiên, năm nay bệnh đạo ôn xuất hiện sớm hơn mọi năm. Đến nay, bệnh đã phát sinh gây hại tại hầu hết các địa phương trong tỉnh, tổng diện tích nhiễm bệnh đã tăng lên tới 498,8 ha (Nghi lộc 234 ha, TP. Vinh 207,6 ha, Hưng Nguyên 29,5 ha....), trong đó có 36,8 ha nhiễm nặng và đặc biệt có 2,5 ha đã bị “cháy”. Tỷ lệ bệnh hại phổ biến 5 - 7%, nơi cao 15 - 30% và cục bộ lên tới 50 - 70%, tập trung chủ yếu trên các giống như Xi 23, NX 30, TL6, BC 15, AC 5,... Ngoài ra, ốc bươu vàng đã phát sinh gây hại trên 84,5 ha, trong đó có 11,7 ha nhiễm nặng với mật độ nơi cao 7 - 10con/m2,  tập trung tại các huyện Nam Đàn, TP. Vinh và Tân Kỳ; Tuyến trùng gây hại trên 202ha lúa tại huyện Nam Đàn với tỷ lệ hại phổ biến 5 - 7%, nơi cao 10 - 20%.. Đối tượng chuột cũng phát sinh gây hại trên một số diện tích lúa gần làng, cồn bãi, toàn tỉnh hiện có 58,7 ha bị chuột gây hại trong đó 2,7 ha bị hại nặng tập trung tại TP.Vinh và Diễn Châu; bệnh thối bẹ phát sinh gây hại cục bộ trên 20,4 ha tại TP. Vinh với tỷ lệ 5 - 10%, cục bộ 40 - 50%; Các đối tượng khác như rệp xanh, châu chấu, rầy các loại, bọ trĩ,... phát sinh gây hại rải rác.

    Bà con xã Diễn Thành (Diễn Châu) phun thuốc trừ sâu bệnh trên cây lạc xuân.

 

Bên cạnh đó, trên cây lạc, bệnh lở cổ rễ, thối gốc đã phát sinh gây hại trên diện tích 4,2 ha;  Sâu xám phát sinh gây hại 10 ha tại huyện Nam Đàn. Các đối tượng sâu đục thân, nõn, sâu xám, chuột, hiện tượng lùn nhăn lá... phát sinh gây hại cục bộ trên ngô xuân. Bệnh sương mai, rệp, bọ nhảy, sâu tơ, bệnh héo xanh cà chua, bệnh thối nhũn bắp cải... phát sinh gây hại nhẹ, cục bộ ở một số diện tích rau vụ xuân.

 

Đến nay, các địa phương đã tổ chức phun phòng trừ được trên 387ha lúa nhiễm bệnh đạo ôn lá, 62ha bị ốc bươu vàng phát sinh gây hại. Theo ông Nguyễn Đình Hương (phó chi cục BVTV), thì đáng lo ngại nhất trong thời gian tới là bệnh đạo ôn lá trên cây lúa. Điều kiện thời tiết ấm dần, xen kẽ các đợt không khí lạnh, ẩm độ không khí cao kèm theo mưa kết hợp với việc nông dân bón thúc cho lúa là điều kiện thuận lợi cho bệnh phát sinh, lây lan gây hại nặng trên diện rộng. Đặc biệt trên những chân đất cát pha, thịt nhẹ, vùng bán sơn địa, gieo cấy giống có mức độ nhiễm cao như Xi 23, NX 30, BC 15, AC 5, Khải Phong, IR 17494, Nếp,... và trên những ruộng bón phân không cân đối, bón thừa đạm. Ngoài ra, rầy lưng trắng, rầy nâu tiếp tục tích lũy gia tăng mật độ gây hại. Một số đối tượng khác như ốc bươu vàng, chuột, tuyến trùng, rệp xanh, rầy các loại, bọ trĩ, châu chấu, ... tiếp tục phát sinh gây hại cục bộ một số vùng. Trên cây ngô, lạc xuân, sâu xám, sâu xanh, sâu khoang, sâu đục thân, nõn, sâu cắn lá, hiện tượng lùn nhăn lá, bệnh lở cổ rễ, thối gốc.... tiếp tục phát sinh gây hại. các đối tượng như bệnh sương mai, bệnh héo xanh, bệnh thối nhũn bắp cải rệp, bọ nhảy, sâu tơ, .... tiếp tục phát sinh gây hại.

                                    Chăm sóc rau vụ xuân ở Nam Xuân (Nam Đàn)

 

Để hạn chế thấp nhất thiệt hại do sâu bệnh, các địa phương và bà con nông dân cần thực hiện nghiêm túc các biện pháp kỹ thuật đã được ngành BVTV khuyến cáo. Chăm sóc, bón thúc cân đối, đúng kỹ thuật cho cây lúa. Trên những diện tích lúa đã nhiễm bệnh đạo ôn, cần tạm dừng ngay việc bón thúc đạm, giữ đủ nước trên ruộng và tiến hành phòng trừ bằng một trong các loại thuốc như: Katana 20SC, Beam 75WP, Filia 525SE, Vista 72,5 WP, Bump 650WP, Kabim 30WP, Ensino 40 SC,… theo lượng khuyến cáo, nếu bệnh vẫn tiếp tục phát sinh cần phun lại lần 2 sau phun lần 1 từ  5 - 7 ngày, khi bệnh ngừng phát triển mới tiến hành chăm bón trở lại. Tuyệt đối không sử dụng các loại phân bón qua lá trên những ruộng bệnh đang phát sinh gây hại. Bên cạnh đó, ở những vùng có mật độ ốc bươu vàng cao, cần tập trung thu bắt ốc và thu gom ổ trứng để hạn chế mật độ. Trên cây ngô, cần nhổ bỏ, tiêu hủy những cây có triệu chứng như lùn cây, xoăn lá và trồng dặm cây khỏe để đảm bảo mật độ. Những diện tích ngô có tỷ lệ cây bệnh cao cần cày phá và luân canh với cây trồng khác. Đồng thời, thường xuyên chú ý theo dõi sát diễn biến phát sinh gây hại của các đối tượng sâu bệnh hại khác để có biện pháp quản lý phù hợp khi cần thiết. Đặc biệt, với diện tích lạc xuân, bà con cần thường xuyên kiểm tra, phát hiện sớm các triệu chứng của bệnh lở cổ rễ, thối gốc để phòng trừ bằng một trong các thuốc Amitatop 325SC, Cavil 50 SC, Carban 50 SC, Moren 20WP, Cacbenzim 50 WP,… (theo liều khuyến cáo) trên những ruộng bị nhiễm bệnh và những vùng thường bị bệnh gây hại nặng. Bên cạnh đó, thường xuyên chú ý theo dõi sát diễn biến phát sinh của các đối tượng sâu, bệnh hại trên cây rau vụ xuân để có biện pháp xử lý kịp thời.

Phú Hương