(Baonghean) - “Thời tiết” chính trị - an ninh ở cấp độ toàn cầu phụ thuộc vào sự thăng giáng, biến thiên của hai cặp quan hệ quan trọng bậc nhất thế giới là quan hệ Mỹ - Nga và quan hệ Mỹ - Trung. 

TIN LIÊN QUAN

Có 3 sự kiện tạo ra bước ngoặt của tình hình Ukraine và quan hệ Mỹ - Nga.
 
Một là, thỏa thuận ngày 21/2/2014 giữa chính quyền Tổng thống V.Yanukovich và lực lượng đối lập có chứng kiến của Bộ trưởng Ngoại giao Đức Franz – Walter Steinmeier và Ngoại trưởng Ba Lan Radoslaw Sikorski (thay mặt cho Mỹ và liên minh châu Âu). Thỏa thuận 21/12/2014 giữa Tổng thống V.Yanukovich và lực lượng đối lập gồm 9 điều, quan trọng nhất là hai bên cam kết: chính quyền và phe đối lập sẽ không sử dụng bạo lực, hai bên có trách nhiệm đưa tình hình trở lại bình thường bằng cách rút khỏi cơ quan, công sở nhà nước, quảng trường, công viên, khôi phục hiến pháp 2004, thành lập chính phủ đoàn kết dân tộc để ổn định, phát triển đất nước.
 
image_36457.jpgTổng thống Obama hội đàm với Tổng thống Putin. Ảnh Internet
 
 
Với thỏa thuận 21/2/2014, để cứu vãn tình hình, ổn định đất nước, Tổng thống V.Yanukovich đã nhượng bộ tối đa và hầu như trao hết quyền lực cho lực lượng đối lập. Tối 21/2/2014, Tổng thống V.Putin đã điện đàm với Tổng thống B.Obama về tình hình Ukraine, hai bên thống nhất, đánh giá tích cực thỏa thuận 21/2/2014 và Mỹ - Nga cam kết hợp tác để nhanh chóng giúp các bên thực hiện nghiêm túc thỏa thuận nhằm đưa Ukraine ra khỏi khủng hoảng.
 
Hai là, cuộc đảo chính vi hiến do Mỹ và phương Tây tổ chức ngày 22/2/2014 lật đổ Tổng thống V.Yanukovich (15 giờ sau khi đạt được thỏa thuận 21/2/2014).
 
Hiến pháp Ukraine quy định: Tổng thống chỉ bị phế truất khi có ít nhất 75% đại biểu Quốc hội tán thành. Tại cuộc họp Quốc hội Ukraine sáng 22/2/2014 (do Mỹ và phương Tây tổ chức) chỉ có 72,8% số đại biểu Quốc hội đồng ý phế truất Tổng thống V.Yanukovich. Như vậy, sự kiện sáng 22/2/2014 là một cuộc đảo chính vi hiến lật đổ Tổng thống V.Yanukovich do Mỹ và phương Tây tổ chức.
 
Tối 21/2/2014, Mỹ và phương Tây ca ngợi và ủng hộ thỏa thuận giữa Tổng thống V.Yanukovich và lực lượng đối lập, sáng 22/2/2014 họ lại tổ chức cuộc đảo chính vi hiến lật đổ Tổng thống V.Yanukovich. Với hành động tráo trở này, Mỹ và phương Tây đã đẩy Nga đến chân tường. Tục ngữ có câu “con giun xéo lắm cũng quằn”, Nga khác... con giun một trời một vực. Nga có kho vũ khí chiến lược có khả năng hủy diệt Mỹ và liên minh châu Âu trong 72 giờ, và khi bị Mỹ và EU đẩy đến chân tường, họ không còn chỗ lùi. Cái gì phải đến đã đến: Putin sáp nhập Crimea vào Nga từ 1/3/2014.
 
Ba là, Nga sáp nhập Crimea vào Nga từ 1/3/2014, về mặt pháp lý từ 21/3/2014, mở đầu thời kỳ băng giá mang tính đối đầu giữa Nga với Mỹ và phương Tây.
 
Mỹ và phương Tây siết chặt bao vây, cấm vận, trừng phạt Nga, đẩy nền kinh tế Nga rơi vào bờ vực suy thoái thông qua việc chủ động đánh tụt giá dầu mỏ. Mỹ và phương Tây tin rằng: khi nền kinh tế Nga rơi vào suy thoái thì sớm muộn chính quyền Putin cũng sụp đổ, và sẽ có một ông chủ điện Kremlin mới thân phương Tây (kiểu ông Gaidar trước đây), chí ít cũng “ôn hòa dễ bảo” hơn ông Putin. Có thể nói, Mỹ đã phát động một cuộc chiến tranh chống Nga, đúng hơn là loại bỏ Putin với vũ khí là dầu mỏ. 
 
Vào những tháng cuối năm 2014, Mỹ và Nga đã cận kề bên bờ vực một cuộc chiến tranh lạnh mới. Nhìn chung, cả năm 2014, chính trị - an ninh  nửa bán cầu châu Âu – Đại Tây Dương phủ bóng đen nặng nề căng thẳng.
 
Năm 2014, ở châu Á – Thái Bình Dương, quan hệ Mỹ - Trung cũng phát triển theo hướng xấu hơn 2013.
 
Năm 2013, Tập Cận Bình nắm toàn bộ quyền ở Trung Quốc, Obama làm nhiệm vụ của ông chủ Nhà Trắng năm đầu nhiệm kỳ 2. Cuộc gặp không chính thức ở California vào thánh 6/2013 giữa Tập Cận Bình và Obama làm cho dư luận thế giới có cảm giác Trung – Mỹ sẽ bước vào một thời kỳ mới hợp tác, hòa dịu hơn thông qua xây dựng quan hệ “nước lớn kiểu mới” (không đối đầu, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, hợp tác cùng thắng – Tập Cận Bình nêu ra). Nhưng “ấm lên chút đỉnh” trong năm 2013 trong quan hệ Mỹ - Trung cũng chỉ thoáng qua như “mưa bóng mây”.
 
Tháng 6/2013, Tập Cận Bình đã cam kết với Obama là hai bên hợp tác đảm bảo hòa bình, ổn định ở châu Á – Thái Bình Dương. Tại hội nghị cấp cao ASEAN – Trung Quốc tháng 8/2013, Tập Cận Bình lại mời chào, thuyết phục nguyên thủ 10 nước ASEAN bằng những lời đường mật nghe thật ấm lòng người: Trung Quốc và các nước ASEAN có chung vận mệnh (sướng khổ cùng nhau) và hai bên cần tiến tới ký Hiệp định hợp tác hữu nghị giữa Trung Quốc và 10 nước ASEAN. Đó là những cam kết, hứa hẹn của Tập Cận Bình. Xưa nay, lãnh đạo Trung Quốc (từ Mao về sau) vẫn “chứng nào tật ấy”: họ tuyên bố, họ cam kết, họ hứa hẹn như “đinh đóng cột”, rồi họ lại quên, lại hành động ngược lại 1800 so với điều họ đã nói, đã cam kết, đã hứa hẹn.
 
Ngày 23/11/2013, Trung Quốc thiết lập vùng nhận dạng phòng không ở Biển Hoa Đông trùm lên quần đảo Sekaku/ Điếu Ngư của Nhật Bản và bao chiếm 2300 km2 lãnh hải của Hàn Quốc. Trung Quốc đưa ra những yêu sách phi lý, phi pháp và trái với thông lệ quốc tế như yêu cầu tất cả máy bay nước ngoài khi bay qua vùng nhận dạng phòng không (mà Trung Quốc áp đặt) phải thông báo nhân thân, lịch bay và giữ liên lạc radio thường xuyên với nhà đương cục Trung Quốc. Hành động ngang ngược của Trung Quốc đã làm dấy lên một làn sóng phê phán, phản đối Trung Quốc không chỉ ở các nước Đông Á, mà khắp thế giới cuối năm 2013 và đầu năm 2014.
 
Ngày 2/5/2014, Trung Quốc lại hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Trong 2 tháng rưỡi (từ 2/5 đến 15/7/2014), Trung Quốc dùng nhiều máy bay quân sự uy hiếp trên không, hàng trăm tàu chiến, tàu hải giám, tàu ngư chính, tàu hộ tống, tàu cao tốc đe dọa và đâm thẳng vào tàu kiểm ngư và tàu cá Việt Nam ngay trong vùng đặc quyền kinh tế của Viêt Nam làm cho nhiều tàu của Việt Nam bị hư hại và bị chìm, nhiều cán bộ, sỹ quan, ngư dân của Việt Nam bị thương. Thậm chí, Bắc Kinh còn gửi văn bản cho Liên Hợp quốc yêu cầu Tổng Thư ký LHQ chuyển văn bản này cho 193 thành viên, trong đó Trung Quốc vu cáo tàu Việt Nam đã có 1.547 lần đâm vào tàu Trung Quốc?! Hành động của Trung Quốc đã thức tỉnh 95 triệu người Việt Nam (ở trong và ngoài nước) và hơn 8 tỷ người trên toàn thế giới nhận rõ bản chất “cậy mạnh hiếp yếu”, hiếu chiến, bất chấp đạo lý và chà đạp lên luật pháp quốc tế của lãnh đạo Trung Quốc và cả thế giới không còn ai tin Trung Quốc (ngoại trừ những kẻ hèn nhát hoặc làm tay sai cho Bắc Kinh).
 
Cuộc điều tra của hãng BBC World Service tháng 6/2014 cho kết quả: Tại Nhật Bản chỉ còn 3% người ủng hộ Trung Quốc, trên toàn châu Á 73% người được hỏi cho rằng Trung Quốc là nguồn gốc của mọi rắc rối, bất ổn ở châu Á. Tại Liên bang Đức – trụ cột của châu Âu – chỉ 10% người được hỏi có cái nhìn tích cực về Trung Quốc và 76% người Đức ghét cay, ghét đắng Trung Quốc.
 
Những hành động gây hấn bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc ở Biển Hoa Đông và Biển Đông đã buộc Nhật Bản và Hoa Kỳ phải có hành động phản đối cứng rắn chưa từng có đối với Trung Quốc. Xin dẫn ra một số sự kiện “động trời” sau đây:
 
Ngày 1/7/2014, Nội các Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã đạt được sự đồng thuận trong việc giải thích mới đối với Điều 9 của Hiến pháp Hòa bình 1946, qua đó cho phép Nhật Bản tham gia quyền phòng vệ tập thể khi cần thiết – khi có sự đe dọa trực tiếp đến an ninh Nhật Bản hoặc có sự đe dọa trực tiếp đối với các đồng minh, bạn bè thân thiết của Nhật Bản. Ai cũng biết, việc Nhật Bản thực hiện quyền phòng vệ tập thể là để chủ động phòng ngừa và ứng phó với những hành động hiếu chiến, gây hấn của Trung Quốc.
 
Ngày 10/7/2014, Thượng viện Mỹ đã ra Nghị quyết số 412 yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan Hải Dương-981 và các tàu, thuyền của Trung Quốc ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và trả lại nguyên trạng vùng biển này như trước ngày 1/5/2014.
 
Ngày 3/12/2014, Hạ viện Mỹ với sự nhất trí 100% của các nghị sỹ đã thông qua Nghị quyết số 714 về Biển Đông và Biển Hoa Đông, trong đó yêu cầu Trung Quốc giải quyết tranh chấp với các nước bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, bảo đảm an ninh, an toàn hàng không, hàng hải tại Đông Á – Tây Thái Bình Dương.
 
Xâu chuỗi những sự kiện đã diễn ra liên quan đến quan hệ Trung – Mỹ, Trung – Nhật trong năm 2014, có thể rút ra nhận xét: Tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, quan hệ Trung – Mỹ lạnh nhạt, căng thẳng hơn năm 2013.
 
Năm 2014, ở châu Âu – Đại Tây Dương, quan hệ Mỹ - Nga cận kề một cuộc chiến tranh lạnh mới và xấu nhất kể từ năm 1991.
 
Tóm lại, năm 2014, trên phạm vi toàn cầu, chính trị - an ninh diễn biến phức tạp, bất ổn, rối loạn và khó đoán định nhất kể từ năm 1991. 
 
(còn nữa)
PGS.TS, Thiếu tướng Lê Văn Cương
(Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược – Khoa học, Bộ Công an)