Nhóm đi nhiều - đến nhiều
Khá bất ngờ khi Quảng Nam chính là một trong những đội bóng có nhiều sự xáo trộn về mặt nhân sự nhất. Tính đến thời điểm hiện tại, đội chủ sân Tam Kỳ đã chiêu mộ thành công Nguyễn Anh Hùng, Đinh Viết Tú, Lê Đức Lộc, Đào Duy Khánh, Nguyễn Hoàng Quốc Chí… Theo chiều ngược lại, Quảng Nam cũng đã tiễn chân Nguyễn Ngọc Nguyên, Đào Văn Phong, Nguyễn Văn Hậu và bộ đôi ngoại binh Tardin - Oliveira
Không có gì bất ngờ khi đội bóng tiếp theo là B. Bình Dương. Mùa giải 2019, thầy trò HLV Trần Minh Chiến sẽ tham dự 3 đấu trường (V.League, Cup QG và AFC Cup), nên phải sở hữu đội hình giàu về chiều sâu Sau khi chia tay 2 ngoại binh là Ali Rabo và Udoka, đội bóng đất Thủ đã kịp mang về Phạm Văn Tiến, Trần Hữu Đông Triều từ HAGL, Võ Hoàng Quãng từ Sài Gòn, Phạm Văn Thuận từ Nam Định và ngoại binh Wande Luiz từ XSKT Cần Thơ.
Không kém cạnh Quảng Nam và HAGL là mấy, chính là CLB Sài Gòn. Song song với việc chia tay hàng loạt trụ cột như Võ Hoàng Quãng, Nguyễn Tiến Duy, Mai Thanh Nam, Lê Hoàng Thiên, Sylva, Ogunjimi …đội chủ sân Thống Nhất cũng kịp mang về những gương mặt chất lượng. Hiện tại, CLB Sài Gòn đã có sự phục vụ của Lê Quốc Phương, Trịnh Quang Vinh, Ngô Xuân Toàn...
CLB TP Hồ Chí Minh cũng vừa chia tay một loạt cầu thủ như Âu Văn Hoàn, Trương Đình Luật, Đinh Xuân Việt, Đặng Văn Robert, Vũ Anh Tuấn và ngoại binh Santos. Thay thế cho gương mặt nêu trên là những Lê Hoàng Thiên, Nguyễn Thanh Thắng, Võ Lý, Đặng Quang Huy. Nhiều khả năng, quá trình tuyển quân của CLB TP.HCM vẫn còn tiếp tục đến ngay trước thời điểm khởi tranh mùa giải mới.
Nhóm đi nhiều - đến ít
Nam Định là đội bóng có nhiều cầu thủ ra đi nhất. Tính sơ sơ cũng gần một đội hình (khoảng 10 người). Ngoài cặp tiền đạo ngoại Pereira - Romario, đội chủ sân Thiên Trường cũng không giữ chân được Nguyễn Quốc Thiện Esele, Đinh Viết Tú, Phạm Văn Thuận, Nguyễn Hữu Quý. Chưa kể, những Lê Sỹ Minh, Lê Ngọc Nam, Nguyễn Trọng Phi…đang trong quá trình đàm phán với nhiều đội bóng khác. Đội chủ sân Thiên Trường đang đứng trước một cuộc khủng hoảng về nhân sự.
Cũng giống như Nam Định là trường hợp của SLNA. Đội bóng xứ Nghệ chia tay Đậu Thanh Phong, Nguyễn Văn Mạnh, Ngô Xuân Toàn, Lê Quang Đại và cả Quế Ngọc Hải.
Cái tên tiếp theo trong nhóm này là FLC Thanh Hóa. Việc Tập đoàn FLC tuyên bố không tiếp tục đồng hành cùng bóng đá Thanh Hóa, khiến đội bóng xứ Thanh rơi vào tình cảnh hết sức khó khăn. Thời gian gần đây, FLC Thanh Hóa đã phải chia tay khá nhiều trụ cột, điển hình như Nguyễn Thanh Thắng, Lê Quốc Phương, Trịnh Quang Vinh, Pape Omar, Nguyễn Văn Bakel…
Tình cảnh của Hải Phòng cũng không khác 3 đội bóng ở trên là mấy. Những ngày qua, sân Lạch Tray là nơi diễn ra khá nhiều cuộc chia ly giữa đội nhà và các cầu thủ. Nguyễn Anh Hùng, Nguyễn Việt Phong, Lê Phạm Thành Long, Nguyễn Thành Đồng, Phạm Hoàng Nam, Nguyễn Văn Phong chia tay sân Lạch Tray vì những lý do khác nhau. Lúc này, Hải Phòng mới chỉ có được chữ ký của Đậu Thanh Phong và đang thử việc Nguyễn Văn Mạnh.
Nhóm ít biến động
Số lượng đội bóng trong nhóm này là đông nhất (Sanna Khánh Hòa, Hà Nội, Than Quảng Ninh, HAGL, Viettel, SHB Đà Nẵng). Điều đáng ngạc nhiên là có sự hiện diện của nhà ĐKVĐ V.League - Hà Nội. Đến thời điểm hiện tại, đội chủ sân Hàng Đẫy mới chỉ có 1 tân binh là Pape Omar (FLC Thanh Hóa). Ở chiều ngược lại, Hà Nội cũng chỉ để mỗi mình hậu vệ Đào Quốc Khánh chuyển sang khoác áo Quảng Nam.
Tương tự là HAGL. Đội bóng phố núi cũng khá lặng tiếng trên thị trường chuyển nhượng, giống như những mùa giải vừa qua. Tân binh đáng chú ý nhất là trung vệ Phạm Hoàng Lâm, đến từ đội hạng Nhất Long An. Ở chiều ngược lại, sân Pleiku đã chia tay Phạm Văn Tiến, Trần Hữu Đông Triều (B.Bình Dương) cùng bộ đôi ngoại binh Josip – Osmar.
Điều đáng ngạc nhiên là cho tới lúc này, những đội bóng như Than Quảng Ninh, S. Khánh Hòa, SHB Đà Nẵng và đặc biệt là tân binh Viettel, vẫn tỏ ra “bình thản” trong việc tăng cường nhân sự cho mùa giải 2019. SHB Đà Nẵng chưa chiêu mộ thêm cầu thủ nào, trong khi những S. Khánh Hòa, Viettel và Than Quảng Ninh cũng chỉ có vài ba bản hợp đồng mới.
Xét trên phương diện tiềm lực tài chính, đây đều là những đội bóng thuộc hàng “có của ăn, của để” tại V.League. Có lẽ, họ đã bằng lòng với lực lượng đang có trong tay hoặc chưa muốn mua sắm cầu thủ khi mà mùa giải mới còn những hơn 3 tháng nữa mới khởi tranh./.