Hợp tác với Việt Nam là một mô hình thành công trong hợp tác quốc tế đào tạo nghề của Nhật Bản.
Sáng 14/9, tại Tokyo, trong khuôn khổ sự kiện gặp gỡ Việt Nhật, Bộ Lao động Thương binh Xã hội phối hợp cùng Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản tổ chức Tọa đàm hợp tác Việt – Nhật về phát triển nguồn nhân lực, trong đó tập trung vào lĩnh vực đào tạo nghề.
Đã có khoảng 60 đại biểu tham gia buổi tọa đàm bao gồm đại diện các cơ quan liên quan đến lĩnh vực đào tạo nghề của Việt Nam và Nhật Bản cùng một số trường đào tạo nghề của hai nước.
Phát biểu tại tọa đàm, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Đoàn Xuân Hưng nhấn mạnh tính cấp thiết của hợp tác Việt Nhật trên lĩnh vực đào tạo nghề. Theo Đại sứ Đoàn Xuân Hưng, với gần 2.000 dự án đầu tư đang triển khai tại Việt Nam, các doanh nghiệp Nhật Bản đang rất cần một nguồn lao động ổn định với tay nghề cao. Mặc dù lao động Việt Nam được đánh giá cần cù, khéo tay nhưng vấn đề đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng cao vẫn là bài toán với nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động ở Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh Xã hội Nguyễn Ngọc Phi bày tỏ mong muốn được học tập các kinh nghiệm trong đào tạo nghề của Nhật Bản. Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Phi đưa ra các đề xuất hợp tác về dạy nghề với Nhật Bản bao gồm chuyển giao chương trình, giáo trình từ Nhật Bản; đào tạo đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề; chuẩn hóa cơ sở vật chất, thiết bị theo tiêu chuẩn Nhật Bản và hợp tác về đánh giá kỹ năng nghề.
Tại toạ đàm, ông Seinoo Yoshihiro, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Y tế Lao động Phúc lợi Nhật Bản đã giới thiệu về mô hình đào tạo nghề của Nhật Bản. Theo ông Seinoo, lực lượng lao động ưu tú chính là nhân tố chính duy trì khả năng cạnh tranh cao của Nhật Bản trong lĩnh vực sản xuất.
Nhật Bản tự hào có lợi thế so sánh trong việc đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao mà trọng tâm là đào tạo nghề. Nhật Bản đang mở rộng hợp tác đào tạo nghề với các nước, trong đó Việt Nam.
Bà Nobuko Kayashima, Trưởng ban phát triển nhân lực của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) cho rằng hợp tác với Việt Nam là một mô hình thành công trong hợp tác quốc tế đào tạo nghề của Nhật Bản. Trong đó, phải kể đến dự án tăng cường năng lực đào tạo nghề tại Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội. Việt Nam Nhật Bản cần nhân rộng những dự án như vậy.
Bà Kayashima nói: “Tôi nghĩ rằng trong thời gian tới Việt Nam sẽ cần thêm nhiều kỹ thuật viên. Việc tăng số lượng là cần thiết nhưng sẽ không có hiệu quả nếu tăng số lượng không đi đôi với chất lượng. Vì vậy, việc mở rộng đào tạo nghề chất lượng cao là hết sức quan trọng. Để làm được điều đó, chất lượng giáo viên là yếu tố hàng đầu. Với sự giúp đỡ của Nhật Bản, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đã tổ chức được các khóa đào tạo nghề chất lượng cao. Nhật Bản mong muốn phát huy mô hình này trong việc nâng cao chất lượng đào tạo nghề ở các cơ sở khác của Việt Nam”.
Các ý kiến tại tọa đàm lần này sẽ được tổng hợp thành các đề xuất hợp tác cụ thể để khuyến nghị lên chính phủ hai nước./.
Tọa đàm Việt- Nhật về hợp tác phát triển nguồn nhân lực
Theo(vov)-T.N