Trả lời kiến nghị của ông Nguyễn Quang A về thông tin "tổ chức phản động đứng sau một số ứng viên đại biểu Quốc hội" và việc lấy tín nhiệm cử tri không minh bạch, Tổng thư ký Quốc hội, Nguyễn Hạnh Phúc cho biết đây chỉ là ý kiến cá nhân.

Phiên họp báo bế mạc kỳ họp 11 Quốc hội khóa XIII diễn ra sáng nay sau khoảng 20 ngày làm việc. Trong một giờ, hàng chục câu hỏi xoay quanh quy trình kiện toàn nhân sự chủ chốt, đánh giá tư cách ứng viên, chế tài với các chỉ tiêu kinh tế xã hội không đạt... được gửi đến Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc. Đồng thời, với tư cách là Chánh văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia, ông Phúc cũng nhận được nhiều thắc mắc về quy trình nhận xét đại biểu tự ứng cử Quốc hội.

Chánh văn phòng Hội đồng bầu cử Quốc gia Nguyễn Hạnh Phúc.
Chánh văn phòng Hội đồng bầu cử Quốc gia Nguyễn Hạnh Phúc.

Ông nêu quan điểm như sau:

Khoá XIII không có đánh giá nào về đại biểu tự ứng cử mà chỉ có đánh giá chung về việc hoàn thành nhiệm vụ của các đại biểu. Rất đáng tiếc khoá 13 có hai đại biểu nữ tự ứng cử bị bãi miễn. Tôi cho rằng đại biểu tự ứng cử hay được đề cử không có sự phân biệt, đều rất tích cực phát biểu.

Khoá này có nhiều ứng viên tự do. Hà Nội có 48 người sau hiệp thương vòng hai, điều này rất tốt, chứng tỏ người dân thấy vị trí của diễn đàn này. Còn sự tín nhiệm đến đâu là do người dân.

 Vừa rồi chúng tôi mới nhận được thư kiến nghị của ông Nguyễn Quang A. Hội đồng bầu cử đã trả lời bằng văn bản với nội dung: "Thông tin đó không phải là ý kiến của Hội đồng bầu cử, không phải ý kiến của tiểu ban an ninh quốc phòng, mà là ý kiến cá nhân. Chúng tôi và tiểu ban an ninh quốc phòng không khẳng định việc này".

Tôi muốn nhấn mạnh rằng, chúng ta đang trong quá trình hiệp thương, chưa biết người nào vào danh sách. Thời gian vận động bầu cử phải đúng quy định của luật pháp. Quy định phải lấy ý kiến người dân nơi cư trú, vì không ai hiểu người ứng cử bằng người dân nơi họ sinh sống, về đạo đức, gia đình, nhân cách như thế nào. 

Nếu anh tốt, dân bảo tốt, nếu không tốt dân bảo không tốt. Chuyện đó rất rõ ràng, sòng phẳng. Cuối cùng người ta biểu quyết, đạt trên 50% thì được giới thiệu, dưới 50% thì đương nhiên không được giới thiệu. Cái này đã có quy định.

Trước đó ngày 15/3, tại buổi làm việc của đoàn giám sát công tác bầu cử do Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu với thành phố Hà Nội, một thành viên đoàn giám sát nhận định kỳ bầu cử lần này phức tạp hơn, đã hình thành phong trào tự ứng cử.

Trong 47 người tự ứng cử tại Hà Nội "một số người có sự ủng hộ của tổ chức phản động trong nước, nước ngoài đứng ra vận động bầu cho họ, thậm chí cung cấp tài chính để vận động", ông cho hay tuy nhiên không nêu cụ thể trường hợp nào.

Từ đây, ông cho biết sẽ có một số trường hợp tự ứng cử phải đưa khỏi danh sách sau các vòng hiệp thương. "Lúc đó chắc chắn một số trường hợp bị loại sẽ cho là không dân chủ. Họ sẽ vận động, lôi kéo cử tri không tham gia bầu cử hoặc đi bầu cử nhưng không bầu cho ai cả", ông nói.

Theo lịch trình, trước 17/4, cả nước sẽ hoàn thành hiệp thương lần 3. Sau hiệp thương, danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội sẽ được công bố và niêm yết công khai.

Theo VNEX

TIN LIÊN QUAN