(Baonghean) - Tôi đã gặp chị - người phụ nữ nhỏ bé, nhanh nhẹn, hoạt bát trong giao tiếp, nhưng lại có cuộc sống khá đặc biệt: chị bằng lòng lấy anh -  một người đàn ông không bình thường và chăm sóc luôn cả đại gia đình gồm 5 người ngớ ngần.

Đúng là hạnh phúc hay bất hạnh đều do mình, với người này đó là bất hạnh nhưng với người khác đó lại là hạnh phúc. Câu nói đó đã được minh chứng khi tôi gặp chị Nguyễn Thị An (sinh năm 1965) ở xóm Bình Sơn, xã Hùng Tiến, Nam Đàn. Trong ngôi nhà cấp 4 cũ kỹ, giữa những ánh nhìn ngơ ngác, thất thần, ngớ ngẩn của chồng, của anh chồng, chị chồng và người em chồng, chị đã trải lòng với tôi về những tình cảm chị dành cho anh – người đàn ông của cuộc đời chị: Nguyễn Văn Hiền (sinh năm 1955) và cả niềm cảm thông chị dành cho những người thân trong gia đình chồng: chị Nguyễn Thị Vân (sinh năm 1938), anh Nguyễn Công Đức (sinh năm 1949), Nguyễn Thị Thực (sinh năm 1953) và chú út Nguyễn Công Hậu (sinh năm 1961)… Chị bảo với tôi rằng: “Có lẽ trời sinh chị ra để phục vụ cho gia đình anh”. Với chị, hạnh phúc là được chăm sóc cho người khác, là được mang niềm vui đến cho người khác mà không hề đòi hỏi một quyền lợi nào. Chính suy nghĩ giản dị, chân thành đó là động lực giúp chị vươn lên trong cuộc sống, có sức khỏe nuôi đứa con trai duy nhất trưởng thành. 
 
images884336_5a.jpgChị An và con trai chăm sóc vườn rau.
Cũng như bao người con gái thôn quê thời đó, đến tuổi cập kê, tuy không xinh đẹp nhưng bù lại chị An có khuôn mặt ưa nhìn, lại chăm chỉ ruộng vườn, những lúc rỗi rãi chị còn tranh thủ buôn bán nên rất nhiều chàng trai trong xã Hưng Yên, Hưng Nguyên để ý dạm hỏi. Thế nhưng không hiểu vì sao, lần lượt 3 cô em gái trong nhà đều lập gia đình nhưng chị An vẫn chưa “đến duyên”. Năm 28 tuổi, từ một cuộc mai mối, chị được bà gì đánh tiếng có anh Hiền bên Hùng Tiến hiền lành nhưng gia cảnh hết sức khó khăn: anh em nhà anh Hiền đều bị ngớ ngẩn. Nghe chuyện, chị thấy thương cảm pha lẫn tò mò và đồng ý gặp gỡ. Đến nhà anh, chứng kiến cảnh bố mẹ anh Hiền già cả đã ngoài 80 mà vẫn phải chăm sóc 3 người con trai ngớ ngẩn, chị An thấy thương cảm.. Sau vài lần gặp gỡ, chị quyết định nên duyên cùng anh Hiền trước sự ngỡ ngàng của gia đình. 
 
Quyết định nên duyên cùng người chồng ngớ ngẩn, cuộc sống của chị An không giống như bao người phụ nữ khác, chị không được chồng chăm sóc, động viên, an ủi những lúc buồn phiền hay chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống. Ngược lại, chị trở thành trụ cột chính trong gia đình, thay bố mẹ chồng quán xuyến việc nhà, một tay chăm lo hơn 1 mẫu ruộng (cả lúa và màu), quần quật cấy hái cày bừa một mình ngoài đồng ruộng từ sáng đến trưa, rồi tất tả quay về nhà lo cơm nước, giặt giũ cho bố mẹ chồng, cho chồng và em chồng. Nhưng với chị An, những khó khăn ấy chưa thấm vào đâu so với những buổi chiều đi làm về, trời mưa lạnh, rét run, trong nhà tối thui nhìn mãi mới thấy những bóng người ngồi lặng lẽ chờ cơm nhưng không ai nói với chị lời nào… kể cả chồng cũng không hề có một lời động viên, hỏi han. Chị tất tả, vội vàng nhóm lửa, nấu cơm… cho kịp bữa tối. Rồi những buổi chiều muộn, chú Hậu mải chơi không biết đường về, chị chạy sấp chạy ngửa sang tận Nam Lĩnh,  Nam Mỹ, lên cả loa phát thanh của xã tìm người lạc…   Mãi đến sáng hôm sau chú mới về, tra hỏi mãi chú Hậu bảo ngủ quên ở một ngôi mộ ngoài đồng.
 
Sau khi bố mẹ chồng mất, chị An vất vả hơn với cuộc vật lộn ngoài đồng ruộng, chị Thực ngày càng nặng tai hơn, chị Vân sức khỏe cũng kém đi. Đến lúc này, chị mới giật mình vì hơn 4 năm qua, chị chỉ quần quật lo lắng cho gia đình chồng mà không mảy may nghĩ đến hạnh phúc cho riêng vợ chồng chị. Nhiều đêm trằn trọc suy nghĩ: nếu sinh con ra trong hoàn cảnh này liệu mình chị có cáng đáng nổi không. Nhưng nếu lấy chồng mà không có con, rồi mai này các bác, các o, rồi bản thân mình, chồng mình già đi thì biết trông cậy vào ai. Ước muốn được làm mẹ, được nghe tiếng gọi “mẹ ơi” cứ thôi thúc chị, và cuối cùng niềm mong ước ấy đã thành hiện thực: năm 1996 con trai Nguyễn Văn Thanh chào đời trong hạnh phúc vỡ òa.
 
Không thể kể hết những vất vả của chị lúc đó, con nhỏ lại ốm yếu nên chuyện hai mẹ con bồng bế nhau lên trạm xá, lên bệnh viện huyện đã quá quen thuộc với bà con hàng xóm. Trong nhà chỉ còn chị Vân (chị gái đầu của anh Hiền) là có thể đỡ đần chị An những lúc bé Thanh đau ốm. Chị An nhớ lại: “Ở cữ được khoảng 1 tuần là đã phải dậy đi làm. Cày bừa, cấy hái cáng đáng hết cả. Mình ở nhà, lấy gạo đâu để ăn, tiền đâu để tiêu, ai giặt giũ, ai chăm sóc chồng và các o, các chú? Cực nhất là những lúc con ốm, một mình thức đêm, thức hôm, một mình bồng con đi viện, chạy vạy đủ đường nhưng nào có ai chia sẻ. Thi thoảng lắm, anh Hiền mới có chút tỉnh táo, như chợt nhớ ra mình còn có vợ, có con, anh cười với chị hay hỏi han chị dù là những câu không đầu, không cuối. Vậy mà chị thấy hạnh phúc lắm, ấm lòng lắm! 
 
Trong sự bất hạnh, trong những tháng ngày tưởng như không có niềm vui của chị An đã dần xóa nhòa khi bé Thanh ngày càng khôn lớn. Biết được hoàn cảnh của gia đình, Thanh luôn chăm ngoan, lo lắng học tập. Ngoài giờ học, rảnh lúc nào là em đỡ đần việc nhà giúp mẹ lúc ấy. Tuy sức khỏe kém nhưng Thanh vẫn mơ ước sau này học xong sẽ đi bộ đội, tìm được một công việc ổn định để có tiền hỗ trợ mẹ, bố, chăm lo tuổi già cho các bác, các o.
 
Chị Hoàng Thị Loan – Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Hùng Tiến, Nam Đàn cho biết: Gia đình chị An là một trong những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của xã Hùng Tiến. Thời gian qua, ngoài sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, Hội phụ nữ xã, xóm cũng đã phát động các hội viên hỗ trợ gia đình chị An số vốn nhỏ để phát triển chăn nuôi, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống. Ngoài ra còn thường xuyên động viên mẹ con chị cố gắng khắc phục khó khăn để có cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.
 
Buổi chiều mùa đông thường đến thật nhanh, đứng trước ngôi nhà nhỏ bé, nơi có những con người, những số phận khiến tôi ám ảnh và trăn trở mãi. Hơi ấm từ bàn tay chị An tỏa sang tôi trong cái bắt tay thật chặt, nhìn sâu vào đôi mắt nhân hậu của chị, tôi tin cuộc đời sẽ mỉm cười với chị, với cháu Thanh, với anh Hiền và cả với bác Đức, chú Hậu, chị Vân, chị Thực. Hạnh phúc với chị An đó là sự hy sinh lặng thầm.
 
Bài, ảnh: Thanh Thủy