(Baonghean) - Sinh ra và lớn lên ở xứ Thanh, nhưng ngay từ khi còn là sinh viên Trường Đại học Vinh, PGS- TS Trần Văn Thức đã nuôi trong mình ý tưởng nghiên cứu về con người và mảnh đất xứ Nghệ - quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh - nơi ông xem là quê hương thứ 2 cuả mình.
Tôi gặp PGS- TS Trần Văn Thức trong buổi ra mắt Bộ Lịch sử Nghệ An, ông chia sẻ: “Mất hơn 3 năm để hoàn thành bộ sử đồ sộ này, tuy chưa mãn nguyện nhưng chúng tôi - những người đảm nhận công trình đã biên soạn nó bằng cả trách nhiệm và tâm huyết của những người làm khoa học như là sự tri ân tới mảnh đất xứ Nghệ ân tình”.
Năm 2008, được sự tin tưởng giao phó của Hội đồng Nghiên cứu Khoa học - Xã hội & Nhân văn của tỉnh cùng Trường Đại học Vinh, PGS.TS Trần Văn Thức đã tập hợp các giảng viên Khoa Lịch sử, học viên cao học, nghiên cứu sinh, nhóm sinh viên giỏi bàn các giải pháp xây dựng công trình Lịch sử Nghệ An. Đồng thời kết nối với những nhà sử học ở Viện Sử học Trung ương để xây dựng đề án trình tỉnh phê duyệt. Đây là công trình đòi hỏi thực hiện hết sức công phu, nghiêm túc, đầy đủ và khoa học.
Quá trình bắt tay vào nghiên cứu công trình sử học đồ sộ từ thời nguyên thuỷ đến nay, PGS là người khâu nối tất cả các chương, phần với nhau của rất nhiều nhà khoa học. Mỗi một công trình nhỏ (chương, phần) đều phải có hội thảo để phản biện nhằm đi đến thống nhất. Chương trình, mục nào qua khảo nghiệm nghiên cứu thấy chưa đạt thì ngay lập tức được bàn giao cho một đội ngũ khác phù hợp hơn. Với 50 cuộc hội thảo lớn nhỏ, khi tất cả đã được hoàn thành, PGS. TS Trần Văn Thức tổ chức, thống nhất lại các chương bằng một văn phong sâu sắc nhưng giản dị để tất cả các đối tượng tiếp cận với bộ sử có thể hiểu và nắm bắt thông tin một cách rõ ràng.
Để hoàn thành Công trình Lịch sử Nghệ An, PGS - TS Trần Văn Thức cùng các nhà sử học đã phải đi điền giã, sưu tầm không chỉ địa bàn tỉnh mà còn ở các địa phương khác như Hà Tĩnh, Thanh Hóa… thậm chí sang tận Trung Quốc, Cộng hòa Pháp để gặp nhiều nhân chứng, tìm kiếm tư liệu, luận cứ quan trọng phục vụ cho công trình.
Sau hơn 3 năm, công trình được hoàn thành trong niềm vui, sự tự hào của các nhà khoa học cũng như lãnh đạo tỉnh nhà. Từ nay, Đảng bộ và nhân dân Nghệ An đã có một bộ sử với đầy đủ các thời kỳ từ cổ chí kim, các nhà nghiên cứu hay một người dân bình thường cũng có thể đọc để hiểu thêm về đất và người xứ Nghệ. Bộ Lịch sử Nghệ An dày 2 tập gồm 16 chương là bộ sử duy nhất của tỉnh Nghệ An phản ánh đầy đủ nhất, khoa học nhất về các tầng nấc văn hóa, chiều dày không gian và thời gian do PGS. TS Trần Văn Thức làm chủ biên.
PGS. TS Trần Văn Thức sinh năm 1969, được phong hàm Phó Giáo sư vào năm 2012. Từ khi bén duyên với nghiệp sử đến nay, ngoài Bộ Lịch sử Nghệ An, PGS- TS Trần Văn Thức đã hoàn thành rất nhiều bộ sử có giá trị khác, như Lịch sử Viện Kiểm sát nhân dân, Địa chí huyện Quỳ Châu, Quế Phong, Con Cuông, Lịch sử ngành Giao thông Vận tải, Cách mạng tháng 8 ở Nghệ An (1939 - 1945), Kỷ yếu Hội thảo khoa học Bối cảnh Lịch sử Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước….
Ông còn trực tiếp tham gia giảng dạy các chuyên đề về Lịch sử cận đại Việt Nam, Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam. Là một nhà giáo luôn trăn trở với việc dạy và học sử của con em địa phương, ông thường xuyên trau dồi, nâng cao trình độ chuyên môn cho giảng viên và sinh viên Khoa Lịch sử bằng cách đổi mới phương pháp dạy và học. Học lí luận gắn liền với thực tế, điền giã, nghiên cứu, sưu tầm, tìm hiểu phải song song. Dưới sự lãnh đạo của PGS.TS Trần Văn Thức, hiện Khoa Lịch sử Trường Đại học Vinh đang phối hợp với 5 trường đại học trong cả nước đào tạo sau đại học cho hàng ngàn sinh viên, nghiên cứu sinh.
Là bí thư chi bộ, trưởng một khoa quan trọng của trường trọng điểm quốc gia, PGS-TS Nguyễn Văn Thức tâm sự: “Dạy Lịch sử không đơn thuần để các em hiểu nguồn cội, gốc tích, diễn tiến lịch sử của một vùng đất, con người mà phải đào tạo để học sinh, sinh viên phát triển toàn diện về văn hóa lẫn tri thức”.
Bài, ảnh: Thanh Nga