(Baonghean.vn) - Đó là nội dung được tập trung đánh giá tại buổi làm việc của đoàn kiểm tra Ban chỉ đạo 138/CP tại Nghệ An vào sáng 21/11.
Sáng 21/11, đoàn kiểm tra Ban Chỉ đạo 138/CP do đồng chí Nguyễn Hải Phong - Phó Viện trưởng Thường trực Viện Kiểm sát nhân dân tối cao làm trưởng đoàn kiểm tra tình hình, kết quả công tác phòng chống tội phạm năm 2017 tại Nghệ An. Tiếp, làm việc với đoàn có đồng chí Lê Xuân Đại - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ tỉnh Nghệ An; lãnh đạo các sở, ban, ngành và lãnh đạo TP. Vinh. |
Theo báo cáo tự kiểm tra của tỉnh Nghệ An, trong năm 2017, tình hình tội phạm về tệ nạn xã hội còn nhiều diễn biến phức tạp; đã phát hiện 34 vụ liên quan đến tội phạm thuộc thẩm quyền của Cơ quan an ninh điều tra, 824 vụ liên quan đến tội phạm xâm phạm trật tự xã hội; tội phạm về ma túy tăng so với năm 2016 và còn tiểm ẩn lớn, nổi lên là tình trạng một số nhóm đối tượng (có cả người nước ngoài)mang theo vũ khí nóng tổ chức mua bán trái phép chất ma túy ở khu vực rừng núi thuộc các huyện biên giới.
Số người nghiện ma túy tuy phát hiện giảm, nhưng vẫn còn nhiều, toàn tỉnh hiện có 6.901 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, đáng chú ý xu hướng sử dụng ma túy tổng hợp, ma túy dạng đá có chiều hướng gia tăng, nhất là trong lứa tuổi thanh thiếu niên.
Trước tình hình đó, Ban chỉ đạo 138 tỉnh Nghệ An đã kịp thời tham mưu Tỉnh ủy, HĐND tỉnh và trực tiếp chỉ đạo các ngành, địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp phòng chống tội phạm và các vi phạm pháp luật.
Kết quả đạt được khá toàn diện, tỷ lệ điều tra, khám phá án xâm phạm về trật tự xã hội cao (87,37%), trong đó 100% các vụ án rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp xảy ra trên địa bàn đều được điều tra làm rõ.
Duy trì và xây dựng mới nhiều mô hình có hiệu quả cao trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự. Qua đó, năm 2017 đã có 3 mô hình được Bộ Công an ghi nhận, biểu dương, thông báo học tập kinh nghiệm trên toàn quốc.
Tuy nhiên, Ban chỉ đạo 138 tỉnh Nghệ An cũng tự nhận thấy công tác phối hợp phát động phong trào toàn dân tham gia phòng, chống tội phạm, bảo vệ an ninh Tổ quốc có lúc, có nơi hiệu quả chưa cao, nhất là tại các vùng đặc thù.
Công tác chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự, an toàn xã hội gặp một số khó khăn, vướng mắc; nhất là một số tiêu chí để phân biệt địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự và tiêu chí địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự an toàn xã hội.
Tại buổi làm việc, Ban Chỉ đạo 138 tỉnh Nghệ An kiến nghị Quốc hội, Chính phủ chỉnh sửa, hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, đảm bảo tránh sự chồng chéo và có hướng dẫn, quy định cụ thể chi tiết đối với việc xử lý từng hành vi phạm tội.
Đề nghị Bộ Công an, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn và các bộ, ngành liên quan thống nhất thời gian xét tiêu chí 19 về “an ninh, an ninh trật tự” được giữ vững thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới trong khoảng 1-2 năm và không áp dụng cho vùng đặc thù như vùng giáo, miền núi dân tộc, vùng sâu, vùng xa,…
Sau khi nghe báo cáo công tác phòng, chống tội phạm trên địa bàn Nghệ An nói chung và TP. Vinh nói riêng trong năm 2017, đồng chí Nguyễn Hải Phong - Phó Viện trưởng Thường trực Viện Kiểm sát nhân dân tối cao ghi nhận và đánh giá cao tính hiệu quả hoạt động của Ban chỉ đạo 138 tỉnh Nghệ An.
Đồng thời, đề nghị Ban chỉ đạo 138 tỉnh Nghệ An tiếp tục quán triệt đầy đủ tinh thần chỉ đạo của Trung ương, từ đó tập huấn và triển khai quyết liệt công tác phòng, chống tội phạm trong năm 2018; thường xuyên kiểm tra chặt chẽ các hoạt động ở cơ sở, nhất là ở các địa bàn trọng điểm, đảm bảo sự hiệu quả mang tính thực chất.
Đồng chí Nguyễn Hải Phong cũng yêu cầu các đơn vị liên quan phải tăng cường phối hợp, tạo đồng thuận nhận thức chung của các cơ quan bảo vệ pháp luật, đảm nhiệm tốt trọng trách giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn.
Phương Thảo