Tinh giản biên chế và chảy máu chất xám
Theo Bộ Nội vụ, từ năm 2015 đến tháng 8/2018, tổng số người tinh giản biên chế theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP được Bộ Nội vụ thẩm tra là 39.823 người. Trong đó, năm 2015 tinh giản 5.778 người; năm 2016 là 11.923 người; năm 2017 là 12.660 người và 7 tháng đầu năm 2018 là 9.462 người.
Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh cho biết, trong số này, 34.515 người (86,67%) hưởng chính sách về hưu trước tuổi, 5.234 người (13,14%) hưởng chính sách thôi việc ngay, 29 người (0,07%) hưởng chính sách thôi việc sau khi đi học và số người hưởng chính sách chuyển sang các tổ chức không hưởng lương thường xuyên từ ngân sách Nhà nước là 40 người, chiếm 0,10%.
Tính theo cơ quan, đơn vị, số người tinh giản thuộc các cơ quan Đảng, đoàn thể là 1.646 người (4,13%); các cơ quan hành chính là 4.726 người (11,87%); các đơn vị sự nghiệp công lập là 27.102 người (68,08%); cán bộ công chức cấp xã là 6.141 người (15,42%); doanh nghiệp Nhà nước là 192 người (0,48%) và tổ chức hội là 16 người (0,4%).
Bên cạnh đó, theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa, có trường hợp rất muốn vào làm việc trong cơ quan nhà nhà nước, song cũng có một số trường hợp, thậm chí là số đông, đang rời cơ quan nhà nước ra ngoài làm.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp mặt Đoàn đại biểu người Việt Nam tài năng trong lĩnh vực khoa học và công nghệ về dự Chương trình kết nối mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam. Ảnh: TTXVN
Ông Thừa cho biết: "Hiện nhiều tổ chức nước ngoài thu hút được nhân sự rất cao cấp, nếu không có biện pháp cạnh tranh, không có chính sách tốt thì không khéo chúng ta không thu hút được người tài".
Theo một nhân viên chuyển việc từ Nhà nước sang làm việc cho công ty nước ngoài cho biết: “Các cơ quan, doanh nghiệp nước ngoài hầu hết làm việc theo chế độ hợp đồng và thi tuyển đầu vào. Do vậy, mức lương, bậc lương họ trả cho lao động được tuyển xứng đáng với năng lực và trình độ của người lao động”.
Còn trong các công sở, “Mức lương, bậc lương lại không dựa trên phương pháp thi tuyển, chủ yếu dựa vào năm tháng công hiến. Do vậy, có sự ỳ trệ trong công việc. Vì cứ đến năm đến tháng là tăng lương. Ngoài ra, tại các công ty nước ngoài, nếu không làm tốt công việc thì bị sa thải ngay. Do vậy, người lao động phải chủ động làm tốt công việc của mình”, nhân viên này cho biết thêm.
Cạnh tranh thu hút nhân tài
Nổi bật nhất trong việc thu hút nhân tài, đóng góp cho đất nước trong thời gian qua là việc Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) đã thay mặt Chính phủ mời 100 nhà trí thức Việt Nam tại nước ngoài về nước để làm việc, gặp gỡ, giao lưu với các bộ ngành, doanh nghiệp trong nước nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo và cách mạng công nghiệp 4.0 tại Việt Nam.
Để thu hút người tài, theo ông Trương Hải Long, Vụ trưởng Vụ Công chức, viên chức (Bộ Nội vụ), hiện nay đang trong quá trình triển khai Nghị quyết 26 (về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ), việc thu hút, trọng dụng nhân tài vẫn là chủ trương đúng đắn của Đảng.
Đoàn đại biểu người Việt Nam tài năng trong lĩnh vực khoa học và công nghệ về dự Chương trình kết nối mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chào đón. Ảnh: TTXVN
Ông Long cho rằng, Nghị quyết 26 khẳng định chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài là một trong 5 khâu đột phá, tiếp tục thực hiện chính sách cán bộ, giao Ban cán sự Đảng Chính phủ phối hợp với Ban tổ chức Trung ương và các cơ quan triển khai xây dựng chiến lược quốc gia về nhân tài.
Tuy nhiên, một người lao động làm việc cho cơ quan nước ngoài cho biết, muốn thu hút người tài phải có chính sách đãi ngộ đủ tốt và môi trường làm việc lành mạnh. Muốn vậy, phải tổ chức thi tuyển công khai và minh bạch mọi chức danh, kèm theo đó là mức đãi ngộ phù hợp với từng chức danh.
Thực hiện chế độ hợp đồng với tất cả các chức danh và điều quan trọng không kém là thể chế hóa để tạo ra văn hóa làm việc minh bạch và công bằng nơi công sở.
Để thu hút nhân tài, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa cho biết, Bộ Nội vụ được Bộ Chính trị và Thủ tướng giao thực hiện Kết luận 86 của Bộ Chính trị năm 2014. Chính phủ đã ra Nghị định 140 năm 2017 về chính sách thu hút sinh viên xuất sắc và nhà khoa học trẻ... Khi thiết kế ban hành nghị định này, Bộ Nội vụ đề cập đến việc thực sự thu hút được người tài và có chế độ đãi ngộ tốt để giữ người tài.
Thứ trưởng Nguyễn Trọng Thừa cho biết thêm, các đối tượng được thu hút phải xuất sắc, trong độ tuổi trẻ, là tiến sỹ hoặc thạc sỹ. Tuy nhiên, lực lượng này rất đông, có cả các "tiến sỹ giấy", "thạc sỹ giấy", nhiều loại hình đào tạo, từ xa, không tập trung cũng tiến sỹ với thạc sỹ.
Để chọn được những người xuất sắc, “Những người này phải có bài báo ở nước ngoài, hoặc công trình khoa học nghiên cứu được cấp có thẩm quyền đánh giá. Khi học phổ thông trung học phải được giải Quốc gia từ giải 3 trở lên... Những người đáp ứng đủ điều kiện được ưu tiên tuyển dụng thẳng, không phải thi. Về chế độ, khi ra trường được hưởng ngay bằng lương của chuyên viên chính bậc 1, tiến sỹ thì bậc 2...”, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Thừa cho biết.
Thứ trưởng Nguyễn Trọng Thừa cũng cho rằng, có sự đãi ngộ, thu hút, đặc biệt là có sự sàng lọc để tránh việc lựa chọn những người không thực sự xuất sắc. Chính sách sẽ rà soát kỹ, trong quá trình thực hiện, đặc biệt trong năm đầu tiên sẽ có những sơ kết đánh giá.
Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định 1016/QĐ-TTg phê duyệt biên chế công chức hưởng lương từ ngân sách Nhà nước.
Theo đó, tổng biên chế công chức năm 2019 của các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước… là 259.598 biên chế.
Trong đó: Các cơ quan, tổ chức hành chính thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải là đơn vị sự nghiệp công lập 105.189 biên chế; các cơ quan, tổ chức hành chính thuộc cơ quan của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện 151.906 biên chế; các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài 1.068 biên chế. Biên chế công chức dự phòng là 749 biên chế. Tổng biên chế của các hội có tính chất đặc thù hoạt động trong phạm vi cả nước là 686 biên chế.