tinh-bao-nga-lam-viec-tai-dai-su-quan-my-hon-1-thap-ky-hinh-anh-1.jpgTòa nhà Đại sứ quán Mỹ tại Moskva. Ảnh: TASS

Quan chức này cho biết, người phụ nữ mang quốc tịch Nga làm việc cho cơ quan Mật vụ Mỹ trong nhiều năm, và bị nghi ngờ sau một trong số những cuộc đánh giá an ninh thường lệ của văn phòng an ninh khu vực Bộ Ngoại giao Mỹ vào năm 2016.

Văn phòng an ninh phát hiện người phụ nữ này có các cuộc gặp gỡ thường xuyên, không được phép với cơ quan tình báo Nga FSB.

“Chúng tôi nhận thấy toàn bộ họ đều trao đổi với FSB, nhưng cô ta cung cấp cho họ nhiều thông tin hơn phạm vi cho phép”, quan chức trên cho biết.

Cũng theo nguồn tin này, văn phòng an ninh khu vực đã cảnh báo Đại sứ quán Mỹ tại Moskva vào tháng 1/2017 và người phụ nữ đã bị đuổi việc mùa Hè năm ngoái, sau khi bị bắt quả tang.

“Chúng tôi đã biết chuyện đang xảy ra và đó chỉ là một quá trình giả vờ làm theo và cung cấp cho cô ta thông tin chi tiết rồi chứng kiến cô ta tiết lộ nó cho FSB”, quan chức trên phát biểu.

Theo đó, người phụ nữ này đã tiếp cận mạng nội bộ và hệ thống thư điện tử của cơ quan Mật vụ Mỹ, nhưng “đây không phải vấn đề an ninh quốc gia”. “Cô ta không có quyền tiếp cận thông tin tuyệt mật”, vị quan chức khẳng định.

Một nguồn tin nắm rõ vụ việc này cho biết người phụ nữ bị tình nghi thực sự đã được Bộ Ngoại giao Mỹ tuyển dụng, nhưng làm việc cho Mật vụ Mỹ tại Đại sứ quán nước này. Toàn bộ công dân nước ngoài về mặt kỹ thuật đều được Bộ Ngoại giao Mỹ tuyển dụng, và sau đó các cơ quan khác nhau bố trí công việc cho họ.

Bộ Ngoại giao Mỹ đã từ chối đưa ra bình luận, cho biết họ “không bàn về những cáo buộc liên quan đến các vấn đề tình báo và nhân sự, và không có thông tin cung cấp về vụ việc cáo buộc này”.

Trong một tuyên bố hôm 2/8, Mật vụ Mỹ khẳng định người phụ nữ này chưa bao giờ nắm giữ vị trí có được các bí mật an ninh quốc gia. Tuyên bố này không trực tiếp đề cập đến vụ việc cụ thể này hay những cáo buộc nhằm vào người phụ nữ nói trên: “Chưa bao giờ tại bất cứ văn phòng Mật vụ Mỹ nào có chuyện nhân viên nước ngoài được cung cấp hay bố trí công việc có thể tiếp cận thông tin an ninh quốc gia”.

Cơ quan này “thừa nhận rằng toàn bộ nhân viên nước ngoài cung cấp các dịch vụ hỗ trợ để chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ, mang tính hành chính hoặc khác, có thể bị tác động bởi tình báo nước ngoài”.

“Điều này đặc biệt được nhấn mạnh tại Nga”, cơ quan này nói thêm. “Như vậy, toàn bộ nhân viên nước ngoài được quản lý thích hợp, để bảo đảm các lợi ích của Mật vụ và chính phủ Mỹ luôn được bảo vệ. Do đó, các nhiệm vụ của họ chỉ giới hạn ở biên dịch, phiên dịch, hướng dẫn văn hóa, liên lạc và hỗ trợ hành chính”.

Mật vụ Mỹ cho biết thêm rằng một phần trách nhiệm của các vị trí nhân viên người nước ngoài tại Moskva là “hỗ trợ các đại diện và cơ quan thông qua việc liên hệ với chính phủ Nga, bao gồm Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB), Bộ Nội vụ Nga (MVD), và Cơ quan Bảo vệ Liên bang Nga (FSO) để thực hiện các lợi ích của Mật vụ Mỹ”.