Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc thành lập phường Tiền Châu, phường Nam Viêm thuộc thị xã Phúc Yên và thành lập thành phố Phúc Yên thuộc tỉnh Vĩnh Phúc; xem xét phê chuẩn Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại một số nước nhiệm kỳ 2018-2021.
Toàn cảnh buổi Giao ban báo chí ngày 6/2/2018 tại Hà Nội. Sáng 6/2, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức Giao ban báo chí đầu xuân Mậu Tuất 2018.
Phó Ban Tuyên giáo Trung ương Phạm Văn Linh nhấn mạnh, sau nhiều năm, đất nước ta mới lại có một năm tạo được sự phấn khởi trên toàn xã hội. 13/13 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đều đạt, đặc biệt trong tăng trưởng GDP, mức sống bình quân đã tăng lên gần 2.400 USD/người... Phó Ban Tuyên giáo Trung ương cũng khẳng định, rất nhiều kết quả đạt được của đất nước, nhờ có báo chí đã thông tin cho xã hội đã làm nức lòng người dân.
Cũng tại buổi giao ban, Ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định không mong muốn một nền báo chí nhạt nhòa, không mong muốn một cuộc giao ban thiếu thông tin.
3. Kỷ luật cách chức ông Lê Phước Thanh
Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lê Phước Thanh (nhiệm kỳ 2010-2015) bị kỷ luật với hình thức cách chức. Ảnh: VietNamNet. Ngày 5/2, Ban Bí thư đã họp dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, xem xét đề nghị của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, về việc đề nghị thi hành kỷ luật đối với ông Lê Phước Thanh, Bí thư Tỉnh ủy (nhiệm kỳ 2010-2015, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nhiệm kỳ 2011-2016).
Ban Bí thư nhận thấy những vi phạm, khuyết điểm của ông Lê Phước Thanh là rất nghiêm trọng, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và cá nhân đồng chí, gây dư luận xấu trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Căn cứ Quy định của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, Ban Bí thư quyết định kỷ luật ông Lê Phước Thanh bằng hình thức cách chức Bí thư Tỉnh ủy (nhiệm kỳ 2010-2015).
4. Bộ Công an thông tin kết quả điều tra vụ án Vũ "nhôm"Ông Phan Văn Anh Vũ (Vũ "nhôm") Chiều 7/2, Cổng thông tin điện tử Bộ Công an đã phát thông báo của Cơ quan CSĐT Bộ Công an, về việc CQĐT đang điều tra các vụ án “Cố ý làm lộ bí mật nhà nước” và “Trốn thuế”, xảy ra tại TP Đà Nẵng và một số địa phương do bị can Phan Văn Anh Vũ, tức Vũ “nhôm”, thực hiện theo Quyết định chuyển vụ án hình sự số 06/QĐ-VKSTC-V1 ngày 6/1/2018 của Viện KSND Tối cao.
Quá trình điều tra mở rộng vụ án, ngày 7/2/2018, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự, Quyết định khởi tố bị can, Lệnh tạm giam trong thời hạn 4 tháng đối với bị can Phan Văn Anh Vũ về hành vi “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, quy định tại Điều 356 Bộ luật Hình sự năm 2015 để điều tra, làm rõ toàn bộ hành vi vi phạm pháp luật của Phan Văn Anh Vũ và các cá nhân, tổ chức có liên quan trong việc mua, bán các nhà, đất công sản tại địa bàn TP Đà Nẵng và một số tỉnh, thành phố khác.
5. Đà Nẵng kỷ luật 5 cán bộ, lãnh đạo chủ chốt
Đà Nẵng kỷ luật cảnh cáo và khiển trách 5 cán bộ chủ chốt. Ngày 5/2, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Thành ủy Đà Nẵng có thông báo về việc xử lý kỷ luật đối với 5 cán bộ, lãnh đạo chủ chốt.
Theo đó, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Đà Nẵng đã xem xét, thi hành kỷ luật đối với bà Trần Thị Kim Oanh, Phó trưởng Ban Nội chính Thành ủy; ông Trần Huy Đức, Bí thư Đảng ủy, Chánh thanh tra TP.Đà Nẵng; bà Lê Thị Thu Hạnh, Bí thư Đảng ủy, Phó giám đốc Sở Ngoại vụ TP.Đà Nẵng và ông Trần Văn Chung, Bí thư Chi bộ, Trưởng phòng An ninh Kinh tế, Công an TP.Đà Nẵng.
Ủy ban Kiểm tra Thành ủy đã xem xét khuyết điểm, vi phạm của 4 cán bộ nói trên trong việc tham gia ký tên tập thể vào văn bản có nội dung tố cáo, vi phạm quy định số 47-QĐ/TW ngày 1/11/2011 của Ban Chấp hành T.Ư về những điều đảng viên không được làm; sử dụng con dấu của cơ quan, đơn vị không đúng với quy định hiện hành.
Căn cứ quy định của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm; xét tính chất, mức độ, tác hại, nguyên nhân vi phạm, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với cả 4 cán bộ.
6. Tranh cãi chuyện thả thiên nga xuống Hồ Gươm
Đàn thiên nga bơi trên hồ Hoàn Kiếm chưa đầy một ngày đã bị mang qua hồ Thiền Quang Chiều 5/2, Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội thả thí điểm 12 con thiên nga trắng, đen được nhập từ Bỉ xuống Hồ Gươm. Nhiều du khách, người dân tỏ ra thích thú với hình ảnh đàn thiên nga bơi lội, vỗ cánh trên mặt hồ. Tuy nhiên, ngay trong đêm 5/2, đàn thiên nga đã được di chuyển về hồ Thiền Quang.
Việc thả thiên nga xuống Hồ Gươm là dự án thử nghiệm của Công ty Thoát nước Hà Nội. Ngay sau khi hoàn thành việc nạo vét và bổ sung nước Hồ Gươm, đơn vị này thả thử nghiệm thiên nga ở góc hồ và quây lưới nhằm tạo cảnh quan, điểm nhấn để du khách và người dân tham quan, chiêm ngưỡng.
Tuy nhiên, việc thí điểm thả thiên nga ở Hồ Gươm tạm dừng do nhiều ý kiến trái chiều.
7. Cứu ba mẹ con đuối nước khi thả cá, nam sinh tử vongGần 16h cùng ngày, thi thể nam sinh được tìm thấy. Vụ việc xảy ra vào trưa 8/2 tại sông Ghép (đoạn cầu Ghép), xã Hải Châu, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa.
Theo người dân, lúc 12h30, chị Loan (giáo viên trường cấp 2 xã Hải Châu) cùng hai con nhỏ ra sông Ghép thả cá chép ngày ông Táo. Do trượt chân, cả ba mẹ con bị đuối nước.
Thấy có người vùng vẫy kêu cứu, em Hoàng Đức Hải (ở thôn Hồng Kỳ, xã Hải Ninh, huyện Tĩnh Gia) nhảy xuống sông, bơi ra cứu. Sau khi đưa được ba mẹ con chị Loan vào bờ, Hải bị kiệt sức do lạnh cóng và chìm dần.
Em Hoàng Đức Hải là sinh viên năm thứ tư của một trường đại học tại Hà Nội. Em về nghỉ Tết thì xảy ra tai nạn.