Lễ kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng

Tin tức nổi bật trong nước tuần qua ảnh 1
Chủ tịch nước Trần Đại Quang tặng bức tranh Bác Hồ với Bác Tôn cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh An Giang. Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN

Sáng 20/8, tại Cù lao Ông Hổ (xã Mỹ Hòa Hưng, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang), Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng (20/8/1888-20/8/2018) - người cộng sản kiên cường, nhà lãnh đạo mẫu mực, người bạn chiến đấu thân thiết của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, người con ưu tú của quê hương An Giang giàu truyền thống yêu nước và cách mạng, người chiến sỹ trung thành của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. 

Lễ kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng năm nay có sự tham dự của hơn 600 khách mời là lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các ban ngành, đoàn thể trung ương, các tỉnh, thành phố đồng bằng sông Cửu Long, lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành, địa phương; dòng tộc Chủ tịch Tôn Đức Thắng; nhân dân trong tỉnh An Giang và các tỉnh thành trong cả nước.

Chủ tịch Tôn Đức Thắng là tấm gương sáng ngời của người chiến sỹ cộng sản, Người đã vượt qua mọi thức thách nghiệt ngã trong lao tù đế quốc và sự khốc liệt của chiến tranh, cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước mang lại hạnh phúc ấm no cho nhân dân. Chủ tịch Tôn Đức Thắng đã cống hiến cả cuộc đời mình cho Cách mạng Việt Nam và đã chịu nhiều gian khổ của 17 năm ngục tù Côn Đảo. 

Giao lưu điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo gương Bác

Đồng chí Võ Văn Thưởng và đồng chí Nguyễn Thế Kỷ trao kỷ niệm chương cho các điển hình tiêu biểu.

Tối ngày 24/8, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam và Thành ủy Hà Nội tổ chức chương trình giao lưu điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2018. Tới dự có đồng chí Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương và các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: ông Nguyễn Thế Kỷ - Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, ông Trần Bình Minh - Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam...

Tham gia chương trình giao lưu có 6 cá nhân điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2018 ở nhiều lĩnh vực. Tại buổi giao lưu, các điển hình tiêu biểu đã chia sẻ những câu chuyện thực tế về việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong cuộc sống và công việc hàng ngày. 

Cũng trong chương trình, nhiều câu chuyện, phóng sự về những tấm gương, những người đã học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh từ những điều rất bình dị mà cao quý, đáng trân trọng đã được lan tỏa. Xen giữa những câu chuyện giao lưu với các khách mời là các tiết mục văn nghệ ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những việc làm thiết thực, cụ thể của những điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được chia sẻ đã lan tỏa những giá trị tốt đẹp trong tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đóng góp thiết thực, giúp các địa phương hoàn thành nhiệm vụ chính trị, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng.

Chính phủ họp về công tác hỗ trợ khẩn cấp nhà ở cho hộ dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp.

Sáng 23/8, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp với lãnh đạo một số Bộ, ngành và địa phương về công tác hỗ trợ khẩn cấp nhà ở cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi lũ quét và sạt lở đất.

Tính chung trên địa bàn cả nước, theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn từ 59 tỉnh, thành phố, cả nước có gần 5.592 hộ dân hiện không có nhà ở hoặc đang ở trong nhà tạm. Có trên 42.100 hộ dân có nguy cơ cao ảnh hưởng bởi lũ quét, sạt lở đất cần phải di dời để đảm bảo an toàn.

Sau khi các Bộ, ngành, địa phương có ý kiến thảo luận về việc hỗ trợ sao cho hiệu quả, kịp thời và mức hỗ trợ phù hợp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã kết luận buổi làm việc. Thủ tướng chỉ đạo các địa phương tập trung theo hướng xen ghép nhà ở của hộ không có nhà vào bản làng dân cư đã có hiện nay. Trong công tác hỗ trợ, Thủ tướng yêu cầu chính xác, đúng đối tượng; kịp thời giải quyết; huy động các nguồn lực khác cùng nguồn lực của Nhà nước.

Thủ tướng cũng tán thành với đề nghị của các địa phương về hướng hỗ trợ để nhà ở đảm bảo tiêu chuẩn 3 cứng (tức nền cứng, khung cứng, mái cứng) và nhà vệ sinh. Thủ tướng yêu cầu các địa phương phải làm ngay, đảm bảo tiền đến dân và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ, sớm giúp người dân ổn định cuộc sống. 

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông chạy thử toàn tuyến vào tháng 9

Một góc nhìn đường phố từ tàu điện Cát Linh - Hà Đông. Ảnh: Việt Linh.

Tại cuộc họp mới đây về tiến độ dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, ông Vũ Hồng Phương - Phó giám đốc Ban quản lý dự án Đường sắt, cho biết tiến độ xây lắp các hạng mục đã hoàn thành khoảng 96%.

Các hạng mục chưa hoàn thiện gồm có kiến trúc nhà ga, các đơn thể trong khu bảo dưỡng (depot), hạ tầng khu depot... Nguyên nhân là tổng thầu Trung Quốc chưa nhập khẩu được hết khối lượng vật tư. Đơn vị này đang chậm trễ trong hoàn thiện kế hoạch chi tiết vận hành thử, quy trình bảo trì bảo dưỡng, hồ sơ chứng nhận an toàn hệ thống.

Theo ông Phương, từ 20/9, dự án sẽ thực hiện căn chỉnh, vận hành thử toàn bộ các hạng mục theo kế hoạch (gồm có đoàn tàu và 11 thiết bị liên quan). Việc khai thác thương mại dự kiến tiến hành sau 3-6 tháng chạy thử nghiệm.

Đánh giá về tiến độ của dự án, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể ghi nhận thời gian qua có chuyển biến nhưng vẫn có thể chậm tiến độ. Bộ trưởng yêu cầu thời hạn 6 tháng sau khi vận hành thử phải vận hành thương mại.

Thành phố Hồ Chí Minh: Giãn thời gian thu các khoản tiền đầu năm học

Cô và trò Trường Tiểu học Lương Định Của, quận 3 cùng sinh hoạt lớp trong ngày đầu tiên của năm học. Ảnh: Thu Hoài/TTXVN

Để giảm áp lực trong công tác thu, sử dụng học phí và các khoản thu khác đầu năm học 2018-2019, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu các cơ sở giáo dục và đào tạo công lập trên địa bàn thực hiện giãn thời gian thu, không tổ chức thu gộp nhiều khoản thu trong cùng một thời điểm. 

Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố yêu cầu các đơn vị phải thông báo đầy đủ, công khai tất cả khoản thu bằng văn bản đến từng phụ huynh học sinh (nêu rõ nội dung các khoản thu theo quy định, khoản theo thỏa thuận và khoản thu hộ-chi hộ). Đồng thời, khi thu phải cấp hóa đơn thu tiền cho từng sinh viên, học sinh thông qua bộ phận tài vụ của nhà trường, tuyệt đối không được giao cho giáo viên trực tiếp thu, chi tiền. Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục thực hiện đầy đủ các chế độ quản lý tài chính theo quy định. 

Đã có 60 sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý được bảo hộ tại 39 tỉnh, thành

Bưởi da xanh được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý. Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu/TTXVN

Chiều 23/8, tại Hà Nội, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) tổ chức sự kiện quảng bá các sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý và ra mắt ấn phẩm “Chỉ dẫn địa lý-Di sản thiên nhiên và văn hóa Việt”. Ấn phẩm nhằm mang đến cho bạn đọc bức tranh về chất lượng, danh tiếng, giá trị truyền thống và nguồn gốc xuất xứ của các sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý. 

Tính đến tháng 6/2018, 60 chỉ dẫn địa lý ở 39 tỉnh, thành phố đã được cập nhật, giới thiệu, bảo hộ, từng bước khẳng định vị trí trong hoạt động sản xuất và thương mại sản phẩm đặc sản ở các địa phương. Đối với chỉ dẫn địa lý, Cục Sở hữu trí tuệ đã chủ trì, triển khai nhiều chương trình, dự án, các hoạt động hỗ trợ, đồng hành cùng các địa phương, doanh nghiệp, các hội, hiệp hội ngành nghề trong xây dựng và quản lý chỉ dẫn địa lý, góp phần nâng cao hiệu quả, thúc đẩy tổ chức sản xuất, thương mại sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý của các địa phương. 

Việc xuất bản ấn phẩm “Chỉ dẫn địa lý-Di sản thiên nhiên và văn hóa Việt” nhằm góp phần các cơ quan nhà nước đề ra các chính sách, đồng thời khơi dậy niềm tự hào khi giới thiệu các sản phẩm của Việt Nam ra thị trường quốc tế. 

Lần thứ hai Bộ Văn hóa bác đề xuất bán vé hội chọi trâu Đồ Sơn

Trâu chọi tham gia chọi trâu Đồ Sơn. Ảnh:Giang Chinh.

Mới đây, TP Hải Phòng lần thứ hai gửi văn bản đến Bộ Văn hóa đề xuất bán vé cho nhân dân và du khách dự lễ hội chọi trâu Đồ Sơn. Tuy nhiên, Bộ Văn hóa trả lời, các hoạt động này nằm trong hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể quốc gia lễ hội chọi trâu Đồ Sơn. “Mặt khác, hoạt động chọi trâu là một phần của lễ hội chọi trâu Đồ Sơn. Vì vậy, đề xuất bán vé thu tiền vào ngày 9/8 âm lịch là trái với quy định pháp luật”, công văn do Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy ký nêu rõ.

Cụ thể, việc bán vé thu tiền chọi trâu Đồ Sơn trái với quy định tại khoản 20, điều 2, Nghị định 28/2017 của Chính phủ; khoản 4, điều 9, Thông tư 15 của Bộ trưởng Văn hóa.

Sai phạm trong kỳ thi THPT tại Sơn La: Khởi tố thêm một đối tượng

Trụ sở Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La. Ảnh: Hữu Quyết/TTXVN

Theo thông tin từ Công an tỉnh Sơn La, ngày 22/8, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Sơn La đã ra quyết định khởi tố bị can đối với Nguyễn Thanh Nhàn (sinh năm 1966, trú tại phường Tô Hiệu, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La), Phó Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục-Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ", quy định tại Điểm a, Khoản 2, Điều 356 Bộ luật Hình sự; ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú, lệnh khám xét nơi ở và nơi làm việc đối với Nguyễn Thanh Nhàn. 

Trước đó, ngày 31/7, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Sơn La đã ra quyết định khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam đối 3 đối tượng liên quan đến gian lận điểm trong Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018 tại Hội đồng thi tỉnh Sơn La.