Phiên họp thứ 14 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng
Sáng 16/8, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã tổ chức Phiên họp thứ 14 dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo, để kiểm điểm, đánh giá kết quả sau 5 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo và đề ra nhiệm vụ trọng tâm công tác thời gian tới; đánh giá kết quả công tác 7 tháng đầu năm và đề ra nhiệm vụ những tháng cuối năm 2018.
Sau 5 năm thành lập, Ban Chỉ đạo đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ, xử lý nghiêm minh các vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm; đưa một số vụ án, vụ việc tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp vào theo dõi, chỉ đạo ở 3 cấp độ để tập trung chỉ đạo xử lý nghiêm minh với nguyên tắc: "Không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai".
Nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, kể cả những vụ án tồn đọng kéo dài từ nhiều năm trước đã được chỉ đạo xử lý dứt điểm.
Phát biểu kết luận phiên họp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, sau 5 năm thành lập Ban Chỉ đạo đã có nhiều nỗ lực cố gắng, nhiều đổi mới cả về nội dung và phương thức hoạt động, làm việc trách nhiệm, nghiêm túc và thu được nhiều kết quả cụ thể, nhờ đó công tác phòng, chống tham nhũng có bước tiến mạnh, nhất là hơn 2 năm gần đây.
Tham nhũng từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi, có chiều hướng thuyên giảm, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, tạo niềm tin trong nhân dân, tạo hiệu ứng tích cực lan tỏa trong xã hội.
Bế mạc Phiên họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Chiều 13/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã hoàn thành chương trình làm việc của Phiên họp thứ 26.
Phát biểu bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhận xét phiên chất vấn đối với hai Bộ trưởng, gồm Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến và Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã hoàn thành theo đúng chương trình đề ra. Cả hai Bộ trưởng đã nắm chắc vấn đề, nắm chắc tình hình để giải đáp những câu chất vấn.
Tại Phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về 8 dự án luật và giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng vốn vay nước ngoài giai đoạn 2011-2016”. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng khác theo thẩm quyền.
Khai mạc triển lãm "Đại tướng Võ Nguyên Giáp với ATK Thái Nguyên"
Ngày 17/8, tại Nhà Văn hóa công nhân gang thép tỉnh Thái Nguyên, Bảo tàng tỉnh Thái Nguyên phối hợp với Công ty Cổ phần gang thép Thái Nguyên tổ chức khai mạc triển lãm “Đại tướng Võ Nguyên Giáp với ATK Thái Nguyên.”
Đây là hoạt động hướng tới kỷ niệm 73 năm ngày Cách mạng Tháng Tám (19/8/1945-19/8/2018) và Quốc khánh 2/9, kỷ niện 73 năm ngày thành lập chính quyền cách mạng tỉnh Thái Nguyên (20/8/1945-20/8/2018) và kỷ niệm 107 năm ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25/8/1911-25/8/2018).
Triển lãm cũng là dịp để cán bộ, công nhân, học sinh, sinh viên, nhân dân địa phương tham quan, học tập, tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Đại tướng - Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp, đặc biệt là thời gian Đại tướng sống, làm việc tại ATK Thái Nguyên trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì họp về Chiến lược biển
Chiều 16/8, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp với một số bộ, ngành, địa phương liên quan về Chiến lược biển Việt Nam.
Báo cáo do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trình bày cũng như ý kiến phát biểu của các bộ, ngành, địa phương ven biển cho rằng, sau thời gian thực hiện chiến lược biển, kinh tế biển, ven biển đã có sự phát triển toàn diện. Đời sống người dân ven biển được nâng lên.
Các ngành kinh tế như du lịch và nghỉ dưỡng biển, nuôi trồng, khai thác, chế biến hải sản, vận tải biển tăng trưởng. Tình hình kinh tế-xã hội các tỉnh ven biển chuyển biến rõ nét. Công tác bảo vệ môi trường biển ngày càng được quan tâm.
Tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức về biển, hải đảo, nhất là những hạn chế về nhân lực, khoa học công nghệ biển, năng lực quản lý tổng hợp và thống nhất về biển, cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương và các lực lượng trên biển…
Phát biểu kết luận cuộc họp, đánh giá cao các ý kiến đóng góp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục phát huy tiềm năng, lợi thế của biển, khắc phục các hạn chế, yếu kém trong từng lĩnh vực và có các giải pháp kịp thời nhằm thực hiện mục tiêu đưa Việt Nam mạnh về biển và làm giàu từ biển.
Năm 2019, lương tối thiểu vùng dự kiến tăng 200.000 đồng
Sáng 13/8, 15 thành viên Hội đồng tiền lương quốc gia đã bỏ phiếu về phương án tăng lương tối thiểu năm 2019. Tất cả đồng thuận trình Chính phủ mức tăng lương bình quân 5,3% so với năm 2018.
Theo đó, mức lương tối thiểu vùng 1 sẽ tăng từ 3.980.000 lên 4.180.000 đồng; vùng 2 từ 3.530.000 lên 3.710.000 đồng; vùng 3 từ 3.090.000 lên 3.250.000 đồng; vùng 4 từ 2.760.000 lên 2.920.000 đồng. Như vậy, so với mức hiện tại, lương tối thiểu vùng sẽ tăng từ 160.000 đến 200.000 đồng.
Tại cuộc họp này, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã đề xuất mức tăng tối thiểu là 6,1%, trong khi đó Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - đại diện cho giới chủ đề xuất mức tăng là 5,1%. Do vẫn còn mức chênh lệch, nên hai bên tiếp tục bàn thảo rồi thống nhất mức tăng 5,3% để bỏ phiếu.