Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV bế mạc
Sáng 15/6, tại Nhà Quốc hội, kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV đã bế mạc sau 21 ngày làm việc với tinh thần dân chủ, nghiêm túc và trách nhiệm.
Quốc hội đã thảo luận, đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước năm 2017 và tình hình thực hiện kế hoạch những tháng đầu năm 2018.
Quốc hội cũng đã thảo luận, biểu quyết thông qua: Nghị quyết phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2016; 7 dự án luật để tiếp tục thể chế hóa Hiến pháp năm 2013; Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019; Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2019; Nghị quyết thành lập đoàn giám sát tối cao của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018” và “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014-2018”; Nghị quyết về tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước; Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV; Nghị quyết Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV.
Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn, làm cơ sở để Quốc hội giám sát và làm cơ sở để Chính phủ, các bộ, ngành tổ chức thực hiện; điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018.
Quốc hội đã quyết định điều chỉnh thời gian thông qua Dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt từ kỳ họp thứ 5 sang kỳ họp sau để có thêm thời gian nghiên cứu, hoàn thiện, bảo đảm chất lượng, tính khả thi của dự án Luật.
Tại kỳ họp này, Quốc hội đã tiến hành chất vấn 4 nhóm vấn đề đối với Bộ trưởng các Bộ: Giao thông Vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Lao động-Thương binh và Xã hội, Giáo dục và Đào tạo.
Các Phó Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng, trưởng ngành khác đã tham gia báo cáo, giải trình rõ thêm những vấn đề liên quan đến nội dung chất vấn.
Các nhóm vấn đề chất vấn được lựa chọn sát thực tế, là những vấn đề kinh tế - xã hội được cử tri và các đại biểu Quốc hội quan tâm.
Sau kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội tổ chức tốt hoạt động tiếp xúc cử tri, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cử tri và nhân dân; nghiên cứu, tìm hiểu, nắm bắt thực tiễn đời sống xã hội để phản ánh, kiến nghị kịp thời với Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan hữu quan, tích cực, chủ động hơn nữa trong công tác lập pháp, giám sát.
Thanh Hóa bãi bỏ các quyết định bổ nhiệm sai của giám đốc trước khi về hưu
Ngày 15/6, UBND tỉnh Thanh Hóa có văn bản thông báo về việc xử lý vi phạm bổ nhiệm cán bộ tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh này.
Theo đó, sau khi tiếp nhận phản ánh về việc Giám đốc Sở NN&PTNT bổ nhiệm hàng loạt cán bộ sai quy định, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa có văn bản chỉ đạo Sở Nội vụ kiểm tra, xác minh.
Ông Lê Như Tuấn, nguyên Giám đốc Sở NN&PTNT Thanh Hóa, vừa có quyết định nghỉ hưu từ ngày 1/6. Trước khi về hưu, ông Tuấn đã ký quyết định bổ nhiệm nhiều lãnh đạo cấp phòng và lãnh đạo chi cục thuộc Sở, điều động cán bộ không đúng với quy định của Chủ tịch UBND tỉnh.
Để xử lý, khắc phục vi phạm nêu trên, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu Giám đốc Sở NN&PTNT tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan trong việc đề xuất, tham mưu, quyết định bổ nhiệm nhân sự. Lãnh đạo Sở phải thu hồi, bãi bỏ các quyết định bổ nhiệm sai quy định.
Hơn 4.000 cán bộ thanh tra cắm chốt tại các điểm thi THPT Quốc gia 2018
Để đảm bảo an toàn, nghiêm túc cho kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các Sở Giáo dục và Đào tạo bố trí hơn 4.000 cán bộ thanh tra cắm chốt tại tất cả các điểm thi trung học phổ thông quốc gia trên cả nước, với tổng số hơn 2.000 điểm thi.
Điểm mới trong công tác thanh tra Kỳ thi THPT Quốc gia 2018 là mỗi Hội đồng thi có 2 cán bộ thanh tra do Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo trưng tập (gồm 1 của địa phương, 1 của trường đại học phối hợp).
Bên cạnh thanh tra cắm chốt, Sở Giáo dục và Đào tạo thành lập các đoàn thanh tra lưu động. Ở các khu vực khó khăn hoặc nơi nào phát sinh vấn đề, thanh tra lưu động sẵn sàng đến hỗ trợ thanh tra cắm chốt.
Đồng thời, Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định mỗi Sở Giáo dục và Đào tạo phải thành lập các đường dây nóng, tiếp nhận thông tin phản ánh về kỳ thi để kịp thời xử lý.
Vaccine Henxaxim 6 trong 1 chính thức được sử dụng tại các trung tâm tiêm chủng mở rộng
Sáng 16/6 Tại trung tâm tiêm chủng mở rộng VNVC - TP HCM, Công ty cổ phần vắc xin Việt Nam kết hợp với Công ty TNHH Sanofi Pasteur tổ chức lễ ra mắt vaccine Hexaxim 6 trong 1 thế hệ mới và chính thức trở thành nơi đầu tiên cung cấp tại Việt Nam loại vaccine này.
Vaccin Henxaxim 6 trong 1 là dạng hỗn dịch bơm sẵn trong kim tiêm giúp giảm 50% thời gian chuẩn bị trước khi tiêm được sử dụng ngăn ngừa 6 bệnh: Bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, các bệnh xâm lấn do Haemophilus influenza týp b (Hib) và bại liệt…
Trong bối cảnh dịch bệnh có nhiều biến đổi phức tạp, sự ra đời của vaccine 6 trong 1 Henxaxim là tín hiệu đáng mừng góp phần làm giảm tình trạng khan hiếm vaccine 6 trong 1 trên thị trường, giúp trẻ em có thêm cơ hội được tiêm chủng đủ liều, đúng phác đồ, mang lại hiệu quả miễn dịch cao.
BOT cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận được vay hơn 6.800 tỷ đồng
Ngày 15/6, Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận ký kết hợp đồng tín dụng để triển khai cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Ông Dương Quang Châu - Chủ tịch HĐQT Công ty cho hay, tổng vốn đầu tư của dự án là 9.600 tỷ đồng, trong đó vốn tự có của nhà đầu tư chiếm 30% với 2.800 tỷ đồng, còn lại hơn 6.800 tỷ đồng vốn vay.
"Dự án đang khẩn trương triển khai trên toàn tuyến, đã giải ngân hơn 1.700 tỷ đồng cho giải phóng mặt bằng và xây lắp, phấn đấu hoàn thành vào cuối năm 2020", ông Châu nói.
Đoạn cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận dài 51 km, đi qua 5 huyện của tỉnh Tiền Giang gồm Châu Thành, Tân Phước, Cai Lậy, Cái Bè và Thị xã Cai Lậy. Điểm đầu dự án tại nút giao Thân Cửu Nghĩa (tiếp nối cao tốc TP HCM – Trung Lương), điểm cuối tại nút giao với Quốc lộ 30.
Mở nhà máy kéo sợi len lông cừu đầu tiên Việt Nam
Ngày 15/6, Nhà máy kéo sợi len lông cừu đầu tiên Việt Nam được khởi công tại cụm công nghiệp Phát Chi, xã Trạm Hành, TP. Đà Lạt. Đây là dự án liên doanh giữa Tập đoàn Sũdwolle của CHLB Đức và Công ty CP Dệt may Liên Phương - đơn vị chuyên sản xuất vải len lông cừu chải kỹ có quy mô nhất Việt Nam.
Nhà máy sẽ đi vào hoạt động trong năm 2019, dự kiến đạt doanh thu hơn 100 triệu USD/ năm. Sợi len lông cừu là một trong những loại có giá trị cao nhất trong các loại sợi để dệt vải, được làm từ lông cừu thiên nhiên.