Dịp này, Báo Nghệ An có cuộc phỏng vấn PGS-TS Nguyễn Quang Hồng - Giảng viên khoa Lịch Sử, Trường Đại học Vinh về nguồn gốc của ngày Giỗ Tổ Hùng Vương mùng Mười tháng Ba Âm lịch hàng năm  và những dấu tích lịch sử của các đời Vua Hùng trên đất Nghệ An.
Du khách đến dâng lễ tại đề thờ Hồng Sơn nhân ngày Giỗ Tổ 1. Ảnh:
Du khách đến dâng lễ tại đề thờ Hồng Sơn nhân ngày Giỗ Tổ 1. Ảnh: tư liệu PV

P.V: Thưa PSG-TS Nguyễn Quang Hồng, xin ông cho biết, quá trình hình thành và phát triển của nhà nước Văn Lang và những tích sử, những nét đẹp trong tín ngưỡng thờ Hùng Vương?

PGS-TS Nguyễn Quang Hồng: Tín ngưỡng thờ Vua Hùng đã trở thành nét đẹp văn hóa trong đời sống văn hóa vật chất và tinh thần của người Việt trong suốt nhiều thế kỷ. Và từ xa xưa, vùng đất thiêng Phong Châu - Vĩnh Phú được coi đó là đất Tổ. Các thế hệ tiếp nối của 54 dân tộc anh em Việt Nam luôn coi đó là vùng đất mà con Hồng cháu Lạc đã cùng với 18 đời Vua Hùng dựng xây và phát triển hai nền văn minh đầu tiên là nền Văn minh Văn Lang, và nền văn minh Âu Lạc.

Trong đó, nền văn minh Văn Lang gắn với 18 đời Vua Hùng. Nhiều dấu tích lịch sử, huyền tích, huyền sử đã khẳng định thời kỳ Hùng Vương là thời kỳ có thật trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Còn đời văn minh Âu Lạc là thời kỳ gắn với Thục phán An Dương Vương - vị vua có công lớn trong việc sáp nhập Âu Việt và Lạc Việt tạo nên nhà nước Âu Lạc.

Hành hương về Giỗ tổ Hùng Vương. Ảnh: tư liệu

Cần phải khẳng định rằng, Thục Phán An Dương Vương có công lớn hơn nữa là huy động mọi sức mạnh văn hóa tinh thần vật chất của các tầng lớp nhân dân để chọn vùng đất Cổ Loa - Đông Anh, Hà Nội và biến vùng đất đó thành trung tâm kinh tế - chính trị văn hóa của một quốc gia. Và trên phương diện đó thì các thế hệ tiếp nối đánh giá rất cao, vị trí vai trò của Thục phán An Dương Vương trong việc xây thành Cổ Loa. Dấu tích thành Cổ Loa trong nhiều đợt khai quật khảo cổ được các nhà khảo cổ Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc và Pháp khẳng định đây là một trong những công trình có tính độc đáo bậc nhất trong thời cổ trung đại của khu vực Đông Nam Á.

Thục Phán An Dương Vương còn cùng với 15 cộng đồng bộ tộc có địa bàn cư trú từ vùng Tây Bắc, Đông Bắc, Quảng Ninh, Hải Phòng đồng bằng Bắc Bộ vào tận Thanh Nghệ Tĩnh, đồng thời khai phá đồng bằng châu thổ sông Hồng, sông Mã, sông Cả. Và trong cuộc khai cơ, lập lạc ấy đã tạo dựng nên văn hóa văn minh đạt đến đỉnh cao của nền nông nghiệp lúa nước ở vùng hạ lưu các dòng sông.

Chùa đại Tuệ ở Nam Đàn Nghệ An nơi thờ tự các vị vua Hùng. Ảnh: tư liệu

Lâu nay người ta chỉ nghĩ 18 đời Hùng Vương, nhưng trên thực tế trong tâm thức của người Việt Nam còn thờ Thục phán An Dương Vương. Chỉ tiếc rằng, Thục phán An Dương Vương sau nhiều lần đánh Triệu Đà bảo vệ được độc lập dân tộc thì đã không bảo vệ được chủ quyền độc lập trước chiến tranh xâm lược của Triệu Đà vào năm 179 trước Công Nguyên, và thất bại của An Dương Vương cùng vương triều Âu Lạc trong sự nghiệp bảo vệ dân tộc trong năm này đã khép lại trang sử hào hùng của 18 đời Hùng Vương dựng nước và giữ nước. Gắn với đó là nền văn minh Đông Sơn hay còn gọi là nền văn minh Văn Lang Âu Lạc đầu tiên trong các hệ người Việt.

Vì giá trị của nền văn minh lớn lao cho nên cho tới 1.000 năm sau thì các thế hệ vẫn gìn giữ và bảo vệ những giá trị văn hóa vật chất và tinh thần mà vương triều Âu Lạc để lại.

P.V: Nền văn hóa văn minh Âu Lạc cũng như các đời Vua Hùng có giá trị trường tồn và từ nguồn sức mạnh đó mà nhân dân ta đã vượt qua muôn vàn khó khăn trong công cuộc đấu tranh và bảo vệ dân tộc. Vậy ông có thể diễn giải chi tiết hơn về điều này?

PGS-TS Nguyễn Quang Hồng: Người ta đánh giá rất cao công lao của các đời Vua Hùng cũng như Thục phán An Dương Vương trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước kéo dài suốt nhiều thế kỷ và đó được coi như nền móng vững chắc tạo nên nguồn sức mạnh để các thế hệ người Việt gìn giữ bảo vệ những giá trị văn hóa vật chất, tinh thần mà thời kỳ Hùng Vương và An Dương Vương đã tạo dựng. Chính các giá trị đó đã giúp chúng ta vượt qua khỏi muôn vàn khó khăn, thách thức trước tham vọng đồng hóa của các thế lực phong kiến Phương Bắc kéo dài hơn 1.000 năm. Cũng từ sức mạnh tinh thần ấy, người Việt đã gìn giữ được văn hóa, văn minh làng xã, gìn giữ được truyền thống yêu nước đoàn kết chống giặc ngoại xâm, và khi có cơ hội người ta lập tức tiến hành khởi nghĩa vũ trang giành lại độc lập.

Trong cuộc đấu tranh bảo vệ văn hóa văn minh của dân tộc ấy, đặc biệt là những khi có thời cơ thuận lợi giành lại chính quyền, thì trong tâm thức của các thế hệ người Việt, cảm thức cội nguồn về các đời Vua Hùng trở thành động lực thôi thúc họ xả thân bảo vệ dân tộc.

Vì thế cần khẳng định rằng, giá trị của thời đại Hùng Vương để lại đối với các thế hệ người Việt trong suốt thời kỳ Bắc thuộc là vô cùng to lớn.

Còn một điều nữa, từ năm 905 khi họ Khúc dành quyền tự chủ cho đến khi nhà Nguyễn ký hiệp ước Giáp Thân 6/6/1884, trải qua gần 10 thế kỷ người Việt xây dựng nền văn minh Đại Việt, thì nền tảng mà người Đại Việt xây dựng là dựa trên những tinh hoa của thời kỳ Thục phán An Dương Vương và các Vua Hùng đã tạo dựng nên trước đó. Cần phải khẳng định đó là văn hóa, văn minh bản địa được các thế hệ người Việt tích lũy bằng tâm can và trí tuệ của họ, làm cho nó phong phú hơn để trao truyền lại cho con cháu. Minh chứng cho điều này chính là tín ngưỡng thờ Hùng Vương đã ra đời, bằng chứng là tại Phong Châu - Vĩnh Phú trước đây đã ngưỡng vọng thờ Hùng Vương.

P.V: Vậy các dấu tích thờ tự Vua Hùng vương và Thục phán An Dương Vương trên đất Nghệ Tĩnh còn lưu lại cho đến ngày nay được chúng ta vun đắp như thế nào?

Đền Cuông trên núi Mộ Dạ Diễn An Diễn Châu nơi gắn với tích nỏ thần của An Dương Vương. Ảnh tư liệu

PGS-TS Nguyễn Quang Hồng:Từ 1.000 năm trước, trên đất Nghệ Tĩnh đã có tín ngưỡng thờ Hùng Vương. Các dấu tích hiện còn nằm rải rác ở khắp đất Nghệ Tĩnh. Đặc biệt ở núi Long ngâm, Thạch Hà - Hà Tĩnh còn có ngôi chùa gắn với huyền tích, huyền sử về thiền sư Phật quang truyền đạo cho Chử đồng tử Tiên Dung. Thứ hai trên núi Ngàn Hống Hà Tĩnh có đền thờ mẹ Âu cơ và Lạc Long Quân gắn với đời Hùng Vương, và ở đây thì được chính sử ghi chứ không chỉ huyền sử. Như vậy, hơn 1000 năm trước ở đây đã có dấu tích thờ các vị Vua Hùng.

Gian trưng bày hiện vật thuộc nền văn hóa Đông Sơn tại Bảo tàng Nghệ An là nguồn sử liệu vô cùng quý giá, giúp chúng ta nghiên cứu về lịch sử hình thành, phát triển của mảnh đất, con người xứ Nghệ, là niềm tự hào về dòng giống Lạc Hồng. Ảnh: Công Kiên

Từ rất nhiều thế kỷ, ngoài đất Đông Anh, Hà Nội thì chỉ có đất Nghệ An lập đền thờ An Dương Vương và các vị trấn thủ Nghệ An từ đời họ Khúc, Dương, Ngô, Đinh, Lê, Lý, Trần, Nguyễn... Sử sách ghi rằng, các vị hoàng đế nhà Nguyễn sau này sau khi đi Thăng Long thì đều ghé qua Nghệ An dâng hương ở đền thờ An Dương Vương tại Diễn An, Diễn Châu. Đời Vua Tự Đức và các vị vua sau này thì đều trùng tu ngôi đền này. Sau này trong công cuộc đổi mới, Đảng bộ, chính quyền các cấp đã có nhiều nỗ lực khôi phục lại đền thờ dưới ngọn núi Mộ Dạ trên đất Diễn An - Diễn Châu.

Có một điều cần khẳng định rằng, từ thế kỷ thứ XIX cho đến nay, cư dân Vĩnh Yên, Yên Trường (nay là phường Bến Thủy, TP Vinh) đã thờ tự các đời Hùng Vương. Dấu tích đó chính là ở đền Hồng Sơn. Từ hàng trăm năm, cứ đến tuần trước ngày Giỗ Tổ bà con đi chợ Vinh đều mua thức hoa quả để dâng lên bàn thờ Vua Hùng. Điều hết sức vui mừng nơi thờ tự Vua Hùng như ở trên núi Đại Tuệ, không chỉ có các phật tử mà bà con trong và ngoài địa phương đều đến để tưởng vọng các vị Vua Hùng.

P.V: Có câu ca dao được truyền tụng từ xa xưa rằng: "Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng 10 tháng 3/ Dù ai buôn bán gần xa/ Nhớ ngày Giỗ Tổ tháng 3 mùng 10". Vậy thưa PGS-TS, hướng về nguồn cội, hướng về quê cha đất Tổ chính là nét đẹp linh thiêng của người con đất Việt, và ngày Giỗ Tổ không chỉ là ngày để chúng ta được ngưỡng vọng các vị anh linh thời Hùng vương mà còn là dịp ta được hướng về nguồn cội, được hiểu rõ hơn về những phẩm giá, những nét đẹp văn hóa trong mỗi người con đất Việt. PGS-TS có thể chia sẻ về điều này?

PGS-TS Nguyễn Quang Hồng: Tôi muốn khẳng định thế này, ngay từ thời kỳ Bắc thuộc, người Hán đã tìm cách xóa bỏ giá trị văn hóa linh thiêng của người Việt nhằm mục đích đồng hóa văn hóa, nhưng đã thất bại. Bởi, văn hóa Việt Nam như là một mạch nguồn tuôn chảy không thể nào ngăn được và một trong những nét đẹp văn hóa linh thiêng đó chính là tục thờ Hùng Vương, thờ các vị anh hùng, thờ ông bà tổ tiên. Hiện nay, tín ngưỡng thờ Vua Hùng đang lan tỏa rộng rãi cả ở đồng bằng Nam Bộ, đồng bằng Sông Cửu Long, như vậy tín ngưỡng thờ Vua Hùng là tính phổ quát, là một mạch nguồn văn hóa tuôn chảy ngàn năm. Và đặc biệt ở Nghệ An, Hà Tĩnh mạch nguồn này không chỉ mang ý nghĩa “tìm về” mà nó còn là nhu cầu tín ngưỡng chảy trong máu thịt mỗi người con dân xứ Nghệ.

Có một điều rất mừng đó là các trường học bây giờ đã xây dựng các nguồn xã hội hóa để các thế hệ trẻ được tìm về đất Hoan Châu trong mỗi dịp Giỗ Tổ Hùng Vương. Điều này không chỉ nhằm giáo dục ý thức tìm hiểu cội nguồn mà còn giáo dục về tư tưởng biết ơn cho các cháu. Và mạch nguồn văn hóa trường tồn bất diệt này chính là nét đẹp không trộn lẫn của mỗi người con Việt Nam bây giờ và mãi mãi.

PV: Xin cảm ơn PGS-TS về cuộc trò chuyện này!