(Baonghean) - Lên đồng (hầu đồng, ngồi đồng) là một trong những nghi thức tín ngưỡng dân gian của Việt Nam và nhiều dân tộc trên thế giới. Tại Việt Nam tín ngưỡng này tiếp tục được giới nghiên cứu phân tích đánh giá trong cuộc hội thảo khoa học với tiêu đề “Lên đồng, Bảo tàng sống của văn hóa Việt” tiến hành ngày 23/2/2011 tại Trung tâm văn hoá Pháp (phố Tràng Tiền - Hà Nội).
Lên đồng (còn gọi là hầu đồng, hầu bóng, đồng bóng) có từ lâu đời liên quan đến tục thờ Mẫu của người Việt cổ. Lên đồng là sự linh ứng thần thánh hay mê tín dị đoan ?
Về bản chất, lên đồng là nghi thức giao tiếp với thần linh thông qua các tín đồ (ông đồng, bà đồng). Người Việt cổ quan niệm có 4 thế giới cùng tồn tại: Trên trời (Thiên phủ); Dưới đất (Địa phủ); Dưới nước (Thoải phủ); trên rừng (Nhạc phủ). Cai quản mỗi thế giới là một người đàn bà gọi là Mẫu, song chỉ có một mẫu Liễu Hạnh - mẫu Thượng Thiên là đầy đủ danh tính, 3 mẫu khác không có danh tính cụ thể.
Lên đồng thường thấy trong các đền thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ, thờ Đức Thánh Trần, nghi thức lên đồng tại đền thờ Đức Thánh Trần "nặng" hơn so với khi lên đồng các đền thờ Mẫu, Tam phủ, Tứ phủ, bởi các hành động trực tiếp lên thể xác ông đồng, bà đồng (như xiên lình - dùng thanh sắt sắc nhọn đâm xuyên qua hai má, đi trên than hồng, ăn lửa, nhúng tay vào chảo dầu đun sôi để rửa mặt…vv…) mà người đời trực tiếp chứng kiến đều toát mồ hôi.
Ở Việt Nam, đồng hành với tín ngưỡng lên đồng của người Việt, các dân tộc Mường, Tày, Nùng cũng có các nghi thức tín ngưỡng tương tự như lên đồng, đó là Mỡi của người Mường, tín ngưỡng Then của người Tày, Nùng.
Song, điều đáng phê phán là đang từ một hoạt động văn hóa tín ngưỡng tâm linh lâu đời, hiện nay lên đồng đã và đang bị không ít thầy đồng thời @ biến thành công cụ trục lợi, biến thành hoạt động mê tín dị đoan. Hầu hết các thầy đồng này lúc khởi nghiệp chẳng có gì, sau ít năm vào "nghề" đã có đội ngũ hằng chục con nhang đệ tử theo hầu, kéo theo các nhu cầu vật chất để "làm công đức" nuôi các thầy, một số thầy nhờ đội ngũ con nhang đệ tử xây được điện thờ riêng tại gia, và từ những điện thờ tại gia này, "hệ" hành vi mê tín dị đoan mọc lên như nấm gặp mưa.
Cũng như nhiều hiện tượng văn hóa phi vật thể khác, tín ngưỡng lên đồng nếu "quá mù" khắc "ra mưa", đến mức một số con nhang đệ tử đã bỏ nhà bỏ cửa, bỏ công việc để được “tiền mất tật mang”.
Đề nghị các cơ quan chức năng phải tăng cường đấu tranh với hành vi hành nghề mê tín dị đoan để trục lợi qua tín ngưỡng lên đồng.
Tín ngưỡng lên đồng đang "quá mù ra mưa"!
Giao Hưởng